Những năm gần đây, Trạm Dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam) áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào công tác gieo ươm cây giống sâm Ngọc Linh đem lại nhiều thành quả. Tỷ lệ cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn cao hơn qua từng năm, chất lượng cây sâm giống được cải thiện đáng kể.
Vườn sâm Trạm Dược liệu Trà Linh đóng tại xã Trà Linh (Nam Trà My) có tổng diện tích 50ha, trong đó diện tích đã phát triển trồng sâm 10ha với khoảng 250.000 cây sâm Ngọc Linh. Vào mùa thu hạt, từ cuối tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, Trạm Dược liệu Trà Linh tiến hành thu hạt và ươm cây giống. Mỗi năm trạm thu được khoảng 100 - 120 nghìn hạt.
Ông Trần Xuân Huấn - Phó trưởng Trạm Dược liệu Trà Linh cho biết, những năm trước, công tác gieo ươm hạt giống ở đây còn thủ công, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, hạt giống được gieo ươm ngoài vườn trực tiếp dưới tán rừng nên tỷ lên cây con mọc thấp. Sau khi cây mọc mầm bị rất nhiều loại sâu bệnh gây hại, có năm sâu và bệnh hại làm cây chết gần như toàn bộ, xem như mất trắng cả vụ cây giống.
Những năm gần đây, do áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào công tác nhân giống nên tỷ lệ cây sâm xuất vườn tăng rõ rệt. Riêng lứa sâm gieo ươm trong năm nay có tỷ lệ mọc mầm hơn 80% so với lượng hạt gieo ươm, cây sâm đang sinh trưởng phát triển rất tốt. Dự kiến năm nay có 55 - 60% cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn so với lượng hạt đã gieo (năm 2015: dưới 20%, 2016: 27%, 2017: 35%, 2018: 38%, 2019: 40%).
“Vấn đề cơ bản dẫn đến thành công này là do áp dụng theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Đặc biệt, những năm gần đây trạm đã tổ chức gieo ươm cây giống trong nhà lưới có mái che thay vì gieo ươm trực tiếp dưới tán rừng như trước. Đến nay, Trạm Dược liệu Trà Linh đã xây dựng được 8 nhà lưới có mái che kiên cố (tổng diện tích khoảng 800m2) và các công trình hỗ trợ khác nên công tác sản xuất cây giống cũng tương đối ổn định và phát huy hiệu quả” - ông Huấn nói.
Kỹ sư Trịnh Văn Niên - cán bộ kỹ thuật Trạm Dược liệu Trà Linh cho biết, để cây sâm mọc đều và phát triển đạt hiệu quả như hiện nay, các khâu từ lựa chọn hạt giống cho đến quy trình gieo ươm được thực hiện một cách đồng bộ và rất kỹ lưỡng. Việc gieo ươm cây giống phải thực hiện trong nhà lưới có mái che, gieo hạt đảm bảo khoảng cách và độ sâu hợp lý; tưới nước giữ ẩm cho cây thường xuyên nhưng không được để úng. Ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại để có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
“Sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh hiện nay phải thực hiện trong nhà lưới có mái che. Nếu thực hiện trực tiếp dưới tán rừng như trước đây sẽ không thể kiểm soát và quản lý được dịch bệnh trên cây con” - kỹ sư Niên chia sẻ.
Ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho hay, qua quá trình nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế, đến nay trung tâm cơ bản đã làm chủ được quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh nên nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, yếu tố quan trọng là giải pháp quản lý dịch hại trên cây sâm giống gốc cũng như cây sâm con trong vườn ươm. Hiện nay có rất nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây sâm Ngọc Linh như bệnh đốm lá, cháy lá, thối củ, thối rễ, lở cổ rễ, sâu đất… nên vườn sâm giống gốc trung tâm áp dụng biện pháp canh tác theo hướng sinh thái phù hợp. Đối với cây con trong vườn ươm, trung tâm áp dụng biện pháp quản lý dịch hại theo hướng phòng trừ tổng hợp, lấy phòng bệnh là chính.
“Để phòng trừ sâu bệnh hại trong vườn ươm đạt hiệu quả, trung tâm phải thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật. Trước hết, hạt giống phải khỏe, sạch bệnh để tạo cây giống khỏe. Giá thể mùn đất sử dụng trong gieo ươm cây giống phải được xử lý sạch nguồn bệnh. Thường xuyên vệ sinh vườn ươm, thu gom và tiêu hủy nguồn bệnh. Hạn chế người lạ, người không thực hiện nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc cây giống vào vườn ươm…” - ông Út nói.