Giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Tỷ lệ còn thấp

NGUYỄN SỰ 17/10/2018 07:11

Những năm qua, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương nỗ lực xây dựng, sắp xếp lại các cơ sở và điểm giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng tập trung nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ chiếm tỷ lệ thấp.  

Thời gian tới, nhất thiết phải siết chặt khâu kiểm soát giết mổ cả đầu vào lẫn đầu ra nhằm đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian tới, nhất thiết phải siết chặt khâu kiểm soát giết mổ cả đầu vào lẫn đầu ra nhằm đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: VĂN SỰ

Chỗ ế ẩm, nơi quá tải

Ông Phạm Văn Du – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Duy Sơn 2 (Duy Xuyên) cho hay, năm 2013 đơn vị đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên diện tích 1.500m2 với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 75%. Theo ông Du, từ đầu năm 2014 đến cuối năm 2015, tại 3 xã Duy Trinh, Duy Trung, Duy Sơn có 17 hộ giết mổ nhỏ lẻ đưa trâu, bò, heo vào cơ sở này giết thịt với công suất 50 - 100 con/ngày đêm. Thế nhưng, từ đầu năm 2016, số hộ vừa nêu không đưa gia súc vào cơ sở trên giết mổ nữa với lý do số lượng giết mổ ít và đường sá vận chuyển xa xôi. Vì thế, gần 3 năm nay cơ sở giết mổ tập trung của hợp tác xã đành phải đóng cửa. Ông Du chia sẻ thêm: “Bỏ hoang thời gian dài, cách đây 1 tháng chúng tôi vận động 2 hộ đưa bò vào cơ sở đó giết mổ nhưng mỗi đêm chỉ 1 - 2 con”.

Gần 5 năm trước, chính quyền huyện Thăng Bình hỗ trợ nhiều khâu để Hợp tác xã Bình An 2 xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, việc xây dựng cơ sở giết mổ này là nhằm đưa hàng chục điểm giết mổ nhỏ lẻ ở 3 xã Bình Nam, Bình Quế, Bình An vào hoạt động. Tuy nhiên, do số lượng gia súc đưa vào giết mổ quá ít nên chỉ sau một thời gian vận hành, cơ sở này phải đóng cửa. Cũng tại Thăng Bình, tháng 12.2014 cơ sở giết mổ gia súc tập trung của Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thực phẩm Quảng Nam (đóng ở xã Bình Phục) đi vào hoạt động với công suất 200 con heo/ngày đêm. Giai đoạn đầu, số lượng heo đưa vào đây giết mổ tương đối nhiều nhưng nay đã tụt giảm mạnh. Hiện cơ sở trên chỉ giết mổ 20 - 30 con heo/ngày đêm, bằng 10 - 15% so với công suất thiết kế.

Trong khi tại nhiều nơi các cơ sở giết mổ gia súc tập trung phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng thì thời gian qua ở Đại Lộc có một số cơ sở không đáp ứng nhu cầu. Chẳng hạn, cơ sở giết mổ tập trung tại thị trấn Ái Nghĩa chỉ đáp ứng tối đa 100 con gia súc/đêm nhưng thực tế cho thấy nhu cầu giết mổ của 40 hộ nhỏ lẻ ở các địa phương thuộc vùng C của huyện tại cơ sở tập trung này là hơn 150 con gia súc/đêm...

Bất cập trong khâu kiểm soát

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, hiện nay toàn huyện có 130 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Bình quân 1 ngày đêm giết mổ khoảng 350 con heo và 15 con trâu, bò. Trong khi đó, số lượng lớn gia cầm, thủy cầm được giết mổ nhỏ lẻ tại những hộ gần các chợ thì chưa thể thống kê được. Ông Mẫn cho rằng, so với giai đoạn 2011 - 2015, số lượng gia súc được kiểm soát giết mổ trong giai đoạn 2016 - 2018 ở Đại Lộc tăng lên khoảng 9,25%. Tuy nhiên, tỷ lệ gia súc, gia cầm đưa vào các cơ sở giết mổ tập trung vẫn còn rất thấp; tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định và buôn bán, kinh doanh sản phẩm thịt tươi sống từ động vật không qua kiểm tra, giám sát của cơ quan thú y vẫn còn diễn ra. Ông Mẫn nói thêm: “Thời gian qua, nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm chỉ đạo, duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát giết mổ, buôn bán, kinh doanh sản phẩm từ động vật. Cạnh đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm trong buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm chăn nuôi chưa qua kiểm dịch thú y, kiểm soát giết mổ không cương quyết và triệt để”.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 20 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 14 điểm giết mổ với quy mô nhỏ có sự kiểm soát của nhân viên thú y. Theo ông Nam, qua hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND (ngày 21.1.2016) của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ gia súc và gia cầm, tại các cơ sở và điểm giết mổ tập trung vừa nêu có tổng cộng 21.810 con heo thịt, 6.000 con heo sữa, 1.800 con trâu bò, 600 con đà điểu, 32.100 con gia cầm được giết thịt dưới sự kiểm soát của lực lượng thú y. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ nêu trên chiếm tỷ lệ khá thấp so với tổng lượng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cung cấp ra thị trường hàng ngày. Cụ thể, gia cầm chỉ chiếm 5,3%, trâu bò 33,6%, heo thịt 43,8%, heo sữa 68%. Như vậy, tỷ lệ còn lại là những sản phẩm thịt được giết mổ tại các địa điểm trái phép, không có sự kiểm soát của cơ quan thú y. Ông Nam nói thêm: “Thời gian qua, nhiều đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát giết mổ cấp huyện thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn dẫn đến một số cơ sở giết mổ tập trung và điểm giết mổ quy mô nhỏ thực hiện giết mổ không đúng quy trình quy định như pha lóc thịt ngay trên nền sàn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y; quá trình giết mổ không đảm bảo theo nguyên tắc một chiều từ khu bẩn đến khu sạch; nhân viên thú y làm công tác kiểm soát giết mổ khám qua loa, thậm chí là không khám thịt nhưng vẫn đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem vệ sinh thú y và thu tiền…”.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Tỷ lệ còn thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO