Gìn giữ Bãi Sậy Sông Đầm

TƯỜNG QUÂN 28/09/2018 05:14

Từ năm 2011, Quảng Nam  xây dựng chiến lược phát triển với sự tham vấn của tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UN Habitat) và tổ chức Sáng kiến Oregon Việt Nam. Trong các kế hoạch đề ra, khu vực Bãi Sậy Sông Đầm (TP.Tam Kỳ) được định hướng là nơi phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp và là môi trường tự nhiên quan trọng không chỉ của thành phố mà còn của cả tỉnh. Sau nhiều năm lập kế hoạch, các dự án phát triển Bãi Sậy Sông Đầm đã được thực thi, tạo ra nhiều lợi ích và nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương. Bãi Sậy Sông Đầm là một vùng đầm nước rộng lớn với diện tích tự nhiên hơn 180ha, mực nước sâu trung bình 1,6m. Sông Đầm nằm trong phân khu 12 trong quy hoạch phát triển TP.Tam Kỳ về hướng đông. Đây là một trong những khu vực được thành phố quy hoạch giữ lại các giá trị sinh thái tự nhiên, gắn với phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái.

Anh Đỗ Phan Thịnh - Bí thư Chi đoàn phường An Phú cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực Bãi Sậy Sông Đầm, từ đầu năm 2018 đến nay, Đoàn thanh niên phường đã ra quân trồng gần 100 cây xanh các loại tại khu vực này. Chúng tôi cũng đã tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh và thảm thực vật, động vật tại đây”. Còn bà Julia Babcock - Đại diện khu vực miền Trung của tổ chức Oregon Việt Nam nói: “Khi hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển Sông Đầm, chúng tôi mong muốn sẽ tăng cường kết nối cộng đồng để loại bỏ các loại cá xâm lấn, có hại cho môi trường tại đây như cá rô phi. Đồng thời có giải pháp bảo vệ các loại hoa sen, chim di cư, ưu tiên phát triển nông nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, vừa qua UBND tỉnh đã có Quyết định số 3462/QĐ-UBND ngày 25.9.2018 về việc ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn Quảng Nam. Theo đó, việc xác định các công nghệ ít phát thải carbon là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các kế hoạch hành động của Tam Kỳ. Đồng thời đảm bảo cân bằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương. Giải pháp cụ thể nhất vừa triển khai thực hiện, đó là thành phố phối hợp với tổ chức UN Habitat để bổ sung, lồng ghép các kế hoạch tăng trưởng xanh và những hành động cụ thể giảm phát thải vào trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị Tam Kỳ.

Theo ông Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc tại Việt Nam, TP.Tam Kỳ có một số khó khăn, thách thức trong phát triển đô thị để thích ứng với BĐKH và phát triển phát thải thấp. Đó là nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, đội ngũ cán bộ nhìn chung chưa đủ năng lực chuyên môn trên các lĩnh vực tăng trưởng xanh, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, năng lực dự báo thiên tai cũng chưa đáp ứng yêu cầu. “Trong tương lai, TP.Tam Kỳ nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung khi thu hút đầu tư cần ưu tiên các dự án phát triển carbon thấp như: chế biến, tiêu dùng, sản xuất thực phẩm chức năng, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, công nghiệp phụ trợ. Các công trình xây mới đều phải tính toán có nền, hệ thống cấp thoát nước phù hợp để giảm thiểu tác động do ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng” - ông Quang nói thêm.

TƯỜNG QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gìn giữ Bãi Sậy Sông Đầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO