Những ngày qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh người dân tụ họp trong không khí tưng bừng của ngày hội đại đoàn kết. Dịp này, thử nhìn nhận sự cố kết cộng đồng đã được gìn giữ ra sao trong xu thế phát triển chung!
Dễ thấy nhất là miền núi, nhiều cộng đồng dân cư đã có niềm vui đoàn kết thật sự trong ngày hội làng. Trong ngày vui đại đoàn kết tại xã Trà Nú (Bắc Trà My) vừa qua, ngoài những “tiết mục” hội hè tưng bừng trong không gian đặc trưng như thường thấy ở vùng cao, điều đáng ghi nhận là nhiều người dân xem đây là dịp để nhìn nhận lại những khó khăn trong đời sống của cộng đồng, và cùng nhau san sẻ.
Như tâm sự của một già làng, đây còn là dịp để tổng kết những việc đã làm được, những điều còn phải vượt qua, thậm chí cả những ân tình mà cộng đồng đã nhận từ bên ngoài để mỗi người sống có trách nhiệm hơn.
Trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng được cho là điểm mấu chốt để cố kết cộng đồng được giữ vững, để xây đắp một không gian sống đại đoàn kết thật sự. Có thể xem đây là một đặc trưng của các cộng đồng ở miền núi cao, bởi cũng dễ hiểu, ở vùng cao, không gian và điều kiện sống vẫn còn khá “nguyên thủy”.
Văn hóa bản địa khi còn đậm đặc, người ta thường có xu thế đặt mình vào những ràng buộc của không gian chung trong đời sống vật chất, tinh thần và cả tự nhiên nữa. Tinh thần vì cộng đồng cũng từ đó mà được vun đắp cho mỗi cá thể.
Trong công cuộc tái thiết cuộc sống cho đồng bào vùng cao, đã có không ít tiếc nuối vì không gian, điều kiện sống của người dân khi đã khác đi, kéo theo cố kết cộng đồng đổ vỡ. Và khi môi trường tự nhiên đã có nhiều thay đổi, văn hóa bản địa đặc trưng như vùng cao cũng dễ phai nhạt.
Đó là những “điều kiện” đi kèm cần rất nhiều nỗ lực để không rơi vào sự lựa chọn đánh đổi trong quá trình thay đổi môi trường sống ở mỗi cộng đồng. Điều tất yếu là đời sống người dân vùng cao sẽ phải thay đổi theo hướng phát triển chung, thì việc gìn giữ những nét đặc trưng riêng như tinh thần đoàn kết, vì cộng đồng trở thành một thách thức.
Cộng đồng dân cư ven biển cũng có tinh thần đoàn kết đặc trưng như miền núi, nhưng chủ yếu hình thành từ lịch sử di dân và điều kiện lao động sản xuất. Trong điều kiện lao động khắc nghiệt, con người thường có tâm thế nương tựa nhau, hoặc hợp sức để “chèo chống” qua những tình huống nguy nan.
Nhưng, sự cố kết cộng đồng của vùng ven biển đã mau lẹ rơi vào thế lỏng lẻo, có lẽ do không gian và điều kiện sống đã thay đổi nhanh chóng hơn. Môi trường sống quần cư đặc trưng của cộng đồng ven biển giờ đây dễ trở thành nỗi bức bí hơn là điều kiện lý tưởng để có thể nương tựa nhau.
Trong khi đó, giá trị đất đai nhiều nơi tăng lên vượt bậc; phương tiện lao động sản xuất được nhanh chóng hiện đại; nguồn lợi từ tự nhiên đã nhanh chóng cạn kiệt..., con người thường dễ “xa nhau” để mưu cầu cuộc sống khá giả, tốt đẹp cho mình.
Cộng đồng dân cư ven biển đang được gắn với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Những “chia cắt” đặc trưng trong không gian và đời sống đô thị trở thành xúc tác có điều kiện khiến cố kết cộng đồng dân cư ven biển thêm lỏng lẻo.
Dễ thấy, ở nhiều khu tái định cư vùng Đông của tỉnh, không khí đã trở nên u buồn hơn, thiếu cái sôi nổi của cư dân sông nước đặc trưng, dù đời sống vật chất của người dân đang phát triển.
Thậm chí, cái sôi nổi của một không gian chung trong đời sống cộng đồng với tinh thần vì người khác, đã “chuyển động” theo kiểu “ồn ào” hơn trong từng nhóm nhỏ dân cư hoặc mỗi cá nhân. Cũng tương tự như miền núi, nguy cơ phá vỡ cố kết cộng đồng vùng ven biển đã được cảnh báo, cần nỗ lực giữ gìn, nhưng có lẽ nên gấp gáp hơn.
Trong xu thế phát triển chung, tâm thức cộng đồng trở thành cứu cánh để gìn giữ cố kết cộng đồng, để tạo ra không gian sống thật sự đoàn kết. Và bắt đầu từ mỗi người!