Gìn giữ di sản tiền nhân

HƯƠNG QUẾ TÂY 13/02/2022 06:07

Có nhiều sắc phong thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) cũng như các di tích lịch sử - văn hóa độc đáo khác của làng Hương Quế gắn liền với công cuộc khai hoang mở cõi của cha ông, đến nay vẫn được một cụ ông dày công gìn giữ.

Đình thờ Tam tộc được bảo vệ, gìn giữ.
Đình thờ Tam tộc được bảo vệ, gìn giữ.

Giữ gìn hồn cốt tổ tiên

Con đường làng dẫn vào thôn Hương Quế Nam vẫn còn mang đậm nét quê, với lũy tre, cây đa, đình miếu dọc bên những đồng ruộng xanh rì, thoáng nơi xa những triền đồi xanh ngát bất tận.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà cụ Phạm Nhữ Trợ - Chủ tịch Hội đồng gia tộc Phạm Nhữ, nhưng cụ không có ở nhà. Người nhà bảo cụ cùng các cháu lên Núi Quế trồng cây.

Năm 2016, Hội đồng gia tộc Tam tộc Phạm, Nguyễn, Trần làng Hương Quế (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và động thổ trùng tu di tích đình thờ Tam vị tiền hiền làng Hương Quế (thôn Hương Quế Trung). Riêng nhà thờ tộc Phạm được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007.

Tìm đến nơi thấy cụ đang bỏ cây vào hố, trông dáng vẻ cụ không hề mệt dù năm nay đã 81 tuổi. Chỉ tay về phía một ngôi mộ, cụ nói, đấy là mộ danh tướng Phạm Nhữ Tăng, hậu duệ đời thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão.

Vua Lê Thánh Tông sắc phong làm “Trung đô thống lãnh ấn tiên phong thụ đổng nhung chưởng thập đạo tinh binh thiết chế thủy lục quân” trong cuộc chinh Nam.

Khi đại sự hoàn thành, ông được vua trao chức Quản lãnh đạo Thừa tuyên Quảng Nam (Đô ty) kiêm trấn phủ Hoài Nhân (Đô Thống phủ), lưu trấn tại thành Đồ Bàn (Bình Định), để giữ vững an ninh, tổ chức công cuộc di dân mở đất, lập làng xã.

Với chức Đô ty Quảng Nam, ông tập trung cho việc phát triển phủ Thăng Hoa, cho lập địa bạ (sổ ruộng đất). Ngoài ra, ông cùng những bậc tiền bối các tộc Nguyễn, Trần, Lê có công khai khẩn tạo lập nên Ngũ Hương gồm 5 làng: Hương Quế, Hương Lộc, Hương An, Hương Yên và Hương Lư (nay thuộc xã Quế Phú, thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn và một phần thuộc huyện Thăng Bình).

Ở tại thành Đồ Bàn được hơn 6 năm thì ông bị bệnh mất, di hài được an táng tại Trường Xà thành (Bình Định). Sáu tháng sau vua cho cải táng về làng Hương Quế, xây lăng mộ và cấp tự điền cho xã dân lo việc phụng tự. Trước mộ hiện vẫn còn câu đối do vua Lê Thánh Tông ban, tạm dịch nghĩa: Nghĩa sĩ lắm mưu cơ, góp sức đồng lòng bình Chiêm quốc. Gương đài thêm rạng rỡ, hương hồn ngàn thuở rạng trời Nam.

Cụ Trợ cho biết, ngôi mộ qua các thời kỳ được nhà nước cho trùng tu đến nay 4 lần, lần gần nhất vào năm 2020 và được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Mới đây, chính quyền thôn Hương Quế Nam cấp đất để mở rộng khuôn viên, xây tường rào, cổng ngõ.

Nhìn cây thị do mình vừa trồng, cụ cười hiền bảo: “Hôm rồi đứa cháu đặt 3 cây giống tận ngoài Bắc, tôi tranh thủ đem 2 cây trồng trong khuôn viên nhà thờ tộc, cây này trồng đây để giữ đất và cho có bóng mát mỗi khi con cháu lên thăm nom mộ tiền hiền”.

Trăn trở bảo vệ di sản

Tôi theo cụ Phạm Nhữ Trợ về nhà. Sau khi pha ấm trà nóng mời khách, cụ thắp nhang và cẩn thận lấy cho chúng tôi xem các tờ sắc phong được cuộn tròn trong ống đựng giấy vẽ.

Cụ được Hội đồng gia tộc giao trọng trách giữ gìn gia phả tộc họ và 6 tờ sắc phong này từ các đời chúa Nguyễn, vua Lê. Trong đó có đại ấn “Đế mạng chi bửu” của vua Lê Thánh Tông và “Chế mạng chi bửu” của vua Lê Thần Tông ban tặng cách đây gần 6 thế kỷ.

Cụ Phạm Nhữ Trợ và con cháu trồng cây trước mộ danh tướng Phạm Nhữ Tăng. Ảnh: D.K
Cụ Phạm Nhữ Trợ và con cháu trồng cây trước mộ danh tướng Phạm Nhữ Tăng. Ảnh: D.K

Cụ Trợ kể: “Theo lời dặn của các đấng sinh thành, mỗi thế hệ phải thay nhau giữ gia phả, bảo vật của tổ tiên để lại. Vì vậy, dù chiến tranh, ly tán mấy mươi năm, các cụ và tôi vẫn mang theo bên mình.

Một lần vào năm 1949, lính Pháp khi lùng sục đốt phá làng đã vào nhà thờ tộc Phạm truy tìm tài liệu, vũ khí của Việt Minh. Chúng lật tung gia phả và những tờ sắc phong.

Khi chúng rút quân mới đi nhặt lại cất giữ và rất may không có sự hư hại nào. Nhưng theo thời gian giấy cũng mục dần, mờ chữ, dù nhiều lần đề nghị cơ quan văn hóa có thẩm quyền xem xét hỗ trợ sao chụp, hướng dẫn làm sao bảo quản cho được những bảo vật này”.

Trong các di tích của làng Hương Quế mà bấy lâu nay cụ Trợ cùng con cháu, làng, tộc nhọc công bảo vệ, phải kể đến nhà thờ họ Phạm. Đây là một trong những di tích hiếm hoi và quý giá, bởi những hiện vật mang tính lịch sử được các thế hệ dân làng và các đời vua chúa trân trọng, luôn tu bổ, thờ phụng.

Đặc biệt, ba miếu thờ trong khuôn viên nhà thờ họ Phạm là nơi thờ các vị Thánh mẫu Thiên y Ana, bò thần Nandin và một ngôi miếu chỉ còn lại phần chân tượng. Một bia ký chữ Chăm và cây thị cổ thụ hơn 400 năm tuổi.

Qua đó minh chứng mối giao lưu văn hóa, tín ngưỡng và quá trình cộng cư của hai dân tộc Việt - Chăm trong lịch sử một cách sinh động. Mới đây, một giếng Chăm cổ (cách ba miếu thờ khoảng 15m) đã được cụ Trợ mời Sở VH-TT&DL về khai quật sau thời gian dài bị vùi lấp dưới ruộng.

Gìn giữ cho mai sau

Nhiều năm nay, cụ Trợ không chỉ gìn giữ các tờ sắc phong dòng họ. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Phạm, cụ đã cùng các trưởng lão trong làng Hương Quế, các trưởng tộc họ Nguyễn, Trần chung tay bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa khác của làng, tộc.

Làm việc, đề xuất với chính quyền địa phương và huyện Quế Sơn, Sở VH-TT&DL, góp phần tạo cơ sở để tổ chức các hội thảo, các đợt khảo sát thực địa, trùng tu tôn tạo di tích, lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Trong số đó có các phần việc đã hoàn thành: Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của làng Hương Quế, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam trong công cuộc mở cõi”; Trùng tu đình thờ Tam vị tiền hiền làng Hương Quế và đón nhận Bằng công nhận di tích cấp tỉnh; Trùng tu và công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ danh tướng Phạm Nhữ Dực tại làng Đồng Tràm cây thị, thị trấn Hương An.

Ông Nguyễn Ngọc Yển (69 tuổi) - Trưởng ban Quản lý Di tích Tam vị tiên hiền làng Hương Quế cho biết, đình thờ Tam tộc là nơi thờ cúng ba bậc tiền hiền Phạm - Nguyễn - Trần, các danh tướng từng vào sinh ra tử trong công cuộc bình Chiêm sau đã chọn vùng đất làng Hương Quế làm nơi an cư lạc nghiệp cho con cháu.

Ngoài ra đình cũng là nơi thờ cúng các hương linh, liệt sĩ của làng. Qua bao tàn phá bởi chiến tranh, hư hỏng theo thời gian và phải di chuyển qua nhiều địa điểm nhưng ngôi đình đến nay vẫn được bảo tồn, sắp tới sẽ được công nhận di tích cấp quốc gia.

“Bác Phạm Nhữ Trợ đại diện tộc Phạm trong Ban quản lý di tích này, lâu nay luôn rất nhiệt tình, chu đáo. Ba tộc thay phiên nhau mỗi năm trực lễ tết, giỗ chạp, bảo vệ di tích, vệ sinh môi trường, giữ gìn văn hóa, cảnh quan sạch đẹp cho đình, làng” - ông Yển nói.

Ông Nguyễn Văn Kiện - Trưởng thôn Hương Quế Nam nói: “Cụ Phạm Nhữ Trợ rất tâm huyết với việc gìn giữ giá trị truyền thống, trong đó có các sắc phong cũng như kiến trúc độc đáo của nhà thờ họ Phạm và đình thờ Tam tộc. Cụ đã góp phần trao truyền tinh thần, cách sống đẹp, để cho thế hệ mai sau tiếp nối những dặn dò của tiền nhân trong giữ báu vật của làng”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gìn giữ di sản tiền nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO