Gìn giữ nguồn cội

THÔNG PHẠM 09/02/2021 11:18

(QNO) - Tại TP.Tam Kỳ, thời gian qua đã hình thành nhiều khu dân cư, nhiều đường phố mới thu hút người tứ xứ đến cư ngụ, sinh hoạt theo lối sống của một đô thị đang lên. Họ có gốc gác từ nhiều vùng khác nhau, nhưng ngày tết đến cùng nhau hướng về nguồn cội trong không khí cộng đồng...

Hầu hết họ ra đi từ những làng biển, làng nông, tụ hội về đây với nhiều nguyên do cuộc sống, mỗi người một thân phận, chức phận khác nhau, sinh sống bằng nhiều nghề: công chức, viên chức, bộ đội, công an, doanh nhân, buôn bán lẻ, thợ tự do, công nhân các xí nghiệp..., nói chung đều kiếm kế sinh nhai trên một vùng đất mới.

Như duyên trời, họ cùng nhau quần tụ trên cùng đường phố, cùng khối phố, tổ dân phố nào đó và bắt đầu một cuộc sống mới với danh nghĩa "người thành phố, người đô thị", đóng góp xây dựng và nương theo sự phát triển nhanh chóng của TP.Tam Kỳ... Gọi là người đô thị nhưng tất cả đều luôn hướng về cội nguồn văn hóa làng quê, bởi hầu hết họ đều từ gốc rạ mà ra.

Họ bàn bạc chọn một chỗ như tượng đài, một cái khóm nhỏ, một miếu con... đã tọa lạc từ trước vẫn còn sót lại sau khi đô thị hóa hoặc một ngã ba, ngã tư gọi là nơi thiêng theo quy ước và sự tưởng tượng để đặt bàn thờ mỗi khi có việc cúng tế "xóm làng". Mỗi năm họ đều tổ chức cúng tất niên và cúng năm mới, hoặc cúng cầu an cho con dân.

Khi cúng tế, trong lời khấn vái cùng với địa danh mới như tổ dân phố, khối phố, phường, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện, trường học là tên xứ xang cuộc đất nguyên thủy như Rừng Thông - Miếu Ông, La Ngá, Gò Đá... Đây là chuyện "xưa bày nay bắt chước", chuyện của cha ông từ ngàn xưa để lại, chuyện trên đầu trên cổ, họ thành tâm bái lạy, cầu xin ơn trên phù hộ.

Đây là dịp họ cùng nhau tưởng niệm, tạ ơn về các vị thần ngự tại cuộc đất, các âm binh cô hồn mà hương linh họ còn phảng phất nơi xứ xang minh minh chi trung đã phù hộ cho các các hiệu bán mua, các hộ kinh doanh, gia đình công chức, bộ đội, công an, giáo viên, bác sĩ... năm qua hưởng cuộc sống an lành, cầu mong cho năm mới điều lành mang tới điều dữ tống đi... Có nơi đây cũng là dịp họ biểu dương những gia đình có những việc nổi trội về làm ăn, con cháu học hành thành đạt hoặc cám ơn nhau trong cuộc sống hằng ngày trong năm. Đây cũng là dịp họp mặt chúc mừng vui vẻ trong tình "làng" nghĩa "xóm" ngay giữa lòng đô thị, củng cố mối đoàn kết như câu tục ngữ của cha ông truyền lại "bán bà con xa mua láng giềng gần".

Về với "xóm", đoàn tụ với "xóm" mọi người không phân biệt kỹ sư, bác sĩ hay công nhân, người buôn bán lẻ hay đại tá quân đội, đại tá công an, dân thường hay quan chức... Họ chạm cốc, hát ca rộn ràng, dân dã, gần gũi, bình đẳng. Nếp sống văn hóa tâm linh làng quê Việt hay nói cách khác đó là văn hóa làng quê Việt luôn tồn tại sâu thẳm trong mỗi người dân Việt, dẫu đi tới nơi nào họ cũng mang tới và lưu giữ. Văn hóa còn là đất nước còn. Nét văn hóa đặc trưng ấy tồn tại rất kiên cường trước mọi sự áp đặt và không cần tuyên truyền phục dựng, xây dựng một cách gượng ép. Nó tồn tại rất tự nhiên trong lòng mỗi người dân Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gìn giữ nguồn cội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO