Ngày mai 7.12, UBND huyện Thăng Bình tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.
Mặc dù phế tích nhưng Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) là phức hợp các yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc đô thị, tín ngưỡng, điêu khắc... nên cần được gìn giữ mọi vết tích, thành phần.
Giá trị đặc biệt
Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại làng Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lookesvara Svabhayada. Tính chất Phật giáo đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương.
Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati. Văn bia Đồng Dương cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura. Theo một số nhà nghiên cứu, địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay. Đáng tiếc là khu di tích quan trọng vào loại bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa này đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Hiện nay, trong khu di tích này chỉ còn mảng tường tháp được nhân dân gọi là Tháp Sáng cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số vật trang trí bị vùi lấp.
Năm 1901, L.Finol - một học giả người Pháp đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Phật viện Đồng Dương, trong đó có một tượng đồng cao 108cm. Theo các nhà nghiên cứu, pho tượng Phật này mang nhiều yếu tố của nghệ thuật Ấn Độ. Năm 1902, H.Parmentier khai quật di tích Đồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.
Theo khảo tả của H.Parrmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật. Khu đền thờ chính gồm có 3 nhóm kiến trúc kéo dài theo trục đông tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch. Ở Phật viện Đồng Dương, có những hình đầu voi và những hình tháp thu nhỏ nằm xen kẽ nhau. Trong đền thờ có một bệ lớn bằng sa thạch, chạm trổ những dải hoa văn có vết sâu bọ, những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời đức Phật Thích Ca.
Năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng nữ thần làm bằng đồng thau, cao 114cm, ở gần khu đền thờ chính. Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Bồ tát Laskmindra - Lokesvara, trước kia pho tượng này được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính. Tháng 6.1996 Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ nhận thấy ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Chămpa tại làng Đồng Dương không nhiều.
Cẩn trọng gìn giữ
“Với trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị những di tích văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại, Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân huyện Thăng Bình nói chung, nhân dân xã Bình Định Bắc và thôn Đồng Dương nói riêng sẽ đem tất cả tâm huyết để bảo vệ những di vật, nền móng còn trong lòng đất của Phật viện Đồng Dương. Chúng tôi kính đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan văn hóa, cơ quan quản lý di sản của Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL, các sở, ngành liên quan có kế hoạch chỉ đạo, nghiên cứu, đầu tư, khoanh vùng, phát lộ, khai quật cũng như có chủ trương, chính sách hợp lý trong việc bảo tồn, đầu tư, phát huy hơn nữa các giá trị của di tích Phật viện Đồng Dương “.
(Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình)
Đặt vấn đề bảo quản, trùng tu di tích Phật viện Đồng Dương, GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính - chuyên gia bảo tồn di sản cho rằng, nên tiếp cận tổng thể, đồng bộ, đề cao khách quan lịch sử. Trùng tu Phật viện Đồng Dương cần ghi chép hiện trạng kiến trúc được phát lộ thật chính xác, cụ thể, tỉ mỉ, đúng nguyên trạng. Các cơ quan cần tổ chức dọn dẹp, nhặt nhạnh, sắp xếp vật liệu và các thành phần rơi vãi về vị trí cũ, gia cố, định vị những kiến trúc có nguy cơ sụp đổ hoặc mới được lắp dựng lại. Trên cơ sở tập hợp, tổ chức trưng bày tại chỗ trên nguyên tắc tôn trọng sự sắp xếp của lịch sử hoặc hiện trạng như phát hiện. “Chúng ta cần những nhà khảo cổ hiểu chắc kiến trúc cũng như cần những kiến trúc sư hiểu chắc khảo cổ học. Chưa có những nhà khoa học như thế, bắt tay trùng tu Phật viện Đồng Dương là mạo hiểm” - GS. Hoàng Đạo Kính nói.
GS-TS. Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, là di tích quốc gia đặc biệt nên các ngành chức năng của tỉnh, huyện, trung ương cần chú trọng hơn nữa công tác nghiên cứu, quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị của Phật viện Đồng Dương. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị của di sản và trách nhiệm bảo vệ di sản trong cộng đồng cư dân địa phương. Các cơ quan nên chú ý giải pháp xã hội hóa công tác bảo vệ, phát huy giá trị khu di tích, kêu gọi ủng hộ, tham gia tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, chú ý vận động quốc tế, đặc biệt là các quốc gia Phật giáo châu Á cùng các tổ chức chuyên môn quốc tế có liên quan đến di sản, di tích khảo cổ như UNESCO, SPAFA, ICOMOS, ICROM.
“Chính phủ cần ủng hộ, tạo điều kiện xây dựng, từng bước thực hiện dự án tổng thể bảo vệ, phát huy giá trị khu di tích Phật viện Đồng Dương. Chống xuống cấp Tháp Sáng đang đặt ra cần kíp vì thế cần chung tay quản lý, bảo vệ ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở” - GS.TS Trường Quốc Bình nói.