Gìn vàng giữ ngọc cho quê

BẢO ANH 06/02/2022 06:08

(Xuân Nhâm Dần) -  Vừa theo đuổi hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, vừa tham gia truyền dạy nghệ thuật dân ca bài chòi trong cộng đồng, vừa kiếm tìm, dìu dắt hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, những người hoạt động trên lĩnh vực ca kịch truyền thống của Quảng Nam đã và đang góp phần gìn vàng giữ ngọc cho quê.

Ngoài hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca kịch Quảng Nam còn tham gia các hoạt động giới thiệu, truyền dạy nghệ thuật dân ca bài chòi tại các trường học và trong cộng đồng.
Ngoài hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca kịch Quảng Nam còn tham gia các hoạt động giới thiệu, truyền dạy nghệ thuật dân ca bài chòi tại các trường học và trong cộng đồng.

Những giọt nước mắt...

Trở lại Tam Kỳ sau hơn 15 năm kể từ ngày nghỉ hưu, nhằm giúp phục dựng một vở diễn thuộc loại "kinh điển" của Đoàn Ca kịch Quảng Nam, việc đầu tiên mà đạo diễn Trần Thanh Việt thực hiện là dâng hương bàn thờ tổ nghề và... khóc.

"Có hai sự kiện tôi sẽ không bao giờ quên, đó là vào ngày 7.12.2017, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và việc sau khi ngành văn hóa thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo chủ trương chung, Đoàn Ca kịch Quảng Nam vẫn được giữ nguyên" - ông tâm sự.

Đã trở thành truyền thống, tết là thời điểm người Quảng muốn tìm về với dân ca bài chòi nhất. Theo bà Võ Thị Thu Mây, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần này, Đoàn Ca kịch Quảng Nam có kịch mục đặc sắc để phục vụ nhân dân trong tỉnh. Tất nhiên, tùy vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19, hoạt động biểu diễn sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Câu chuyện và lời tâm tình của đạo diễn Trần Thanh Việt, đã khiến nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và lãnh đạo Đoàn Ca kịch tỉnh thổn thức.

Nghệ sĩ Mạnh Thìn - người có hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu ca kịch bài chòi, cho biết khi nghe tin Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cả đoàn đều khóc vì mừng.

Bài chòi trở thành di sản văn hóa thế giới thì lẽ nào sân khấu dân ca kịch chuyên nghiệp - vốn được xây dựng và phát triển trên nền nghệ thuật bài chòi, lại không được duy trì? Nhưng sau lần "khóc mừng" ấy, mọi người lại lo lắng khi có thông tin cho biết Đoàn Ca kịch Quảng Nam sẽ được sắp xếp lại theo hướng sáp nhập với đơn vị sự nghiệp khác.

Nghệ sĩ Mạnh Thìn kể thêm: "Một vài diễn viên, nhạc công nghe vậy đã rục rịch tìm hiểu thủ tục nghỉ hưu trước tuổi. Nhưng may mắn là sau đó, lãnh đạo tỉnh đã quyết định giữ lại đoàn với tư cách là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như xưa nay".

Theo nghệ sĩ Huỳnh Nhật Lệ - nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, việc đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp này được giữ lại là quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với nghệ thuật truyền thống.

"Nhìn lui lại một chút, sẽ thấy không phải ngẫu nhiên mà khi chia tách tỉnh, Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng được chuyển giao hoàn toàn về Quảng Nam và được đổi tên thành Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Quảng Nam đã, đang và sẽ là "đất sống" của nghệ thuật bài chòi nói chung và sân khấu dân ca kịch bài chòi nói riêng" - nghệ sĩ Huỳnh Nhật Lệ nói.

 

Lấy dân ca, bài chòi làm gốc trong sáng tạo

Bằng lòng say mê nghề nghiệp và tình yêu máu thịt với nghệ thuật dân ca bài chòi, các thế hệ nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã nhận lãnh trách nhiệm, dành tâm sức cho bảo tồn, phát triển vốn dân ca bài chòi gắn với việc xây dựng nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp.

Tên tuổi của đoàn được khẳng định, gắn liền với nhiều vở diễn có tiếng vang, như "Thoại Khanh - Châu Tuấn", "Nàng Xi ta", "Chuyện tình trong vương phủ", "Thủ Thiệm", "Chuyện tình bên dòng sông Thu"...

Theo nhạc sĩ Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, mọi vở diễn của đoàn từ trước đến nay đều được xây dựng trên nền của dân ca bài chòi, lấy dân ca bài chòi làm gốc. Đó là cách thiết thực nhất, trực tiếp nhất góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật bài chòi, vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động của đoàn.

Đặc biệt, giá trị đặc sắc của nghệ thuật bài chòi nói chung và kịch hát dân ca bài chòi nói riêng còn được lan tỏa ra bên ngoài không gian sinh tồn của nó, khi nhiều vở ca kịch, nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp lấy dân ca bài chòi làm nền đã được biểu diễn ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Phú Thọ... và cả ở Hàn Quốc, được công chúng đón nhận.

Cùng với hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, những người hoạt động trên lĩnh vực ca kịch truyền thống của Quảng Nam còn tích cực tham gia bảo tồn, phát huy và trao truyền giá trị nghệ thuật bài chòi trong cộng đồng.

Nhiều chương trình nghệ thuật lấy dân ca bài chòi làm nền được dàn dựng, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của các địa phương, đơn vị. Các lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi dành cho cán bộ văn hóa, hạt nhân văn nghệ ở cơ sở cũng được thực hiện. Nghệ thuật hô hát bài chòi, viết lời mới và trình diễn cũng đã được các nghệ sĩ chuyên nghiệp đưa vào trường học...

Nhà biên đạo Lê Trung Thùy - người có hơn 40 năm viết kịch và dàn dựng tiểu phẩm dân ca bài chòi cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh cho biết, điều khiến ông vui mừng và quyết tâm giữ lửa nghề chính là sự đón nhận của công chúng hầu như không suy giảm.

Ông tâm sự: "Các loại hình giải trí hiện đại ngày càng nhiều và hấp dẫn, nhưng đất sống của kịch hát dân ca bài chòi vẫn còn thênh thang. Chỉ có khác chăng là công chúng ngày càng tinh tế, có những đòi hỏi cao hơn, buộc những người làm nghề như chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn...".

Tiếp sau những tên tuổi Trần Thanh Việt, Đỗ Linh, Từ Minh Hiệp, Ngọc Thủy, Minh Bá, Mạnh Thìn,... sân khấu kịch hát dân ca bài chòi Quảng Nam giờ đây có thêm những cái tên mới như Thu Hương, Phương Tính, Quang Việt, Hùng Nhật, Ngọc Uyên, Trường Diệu, Hồng Trang...

Vẫn như thế hệ đàn anh, những nghệ sĩ trẻ tiếp tục biểu diễn, tham gia truyền dạy nghệ thuật dân ca bài chòi trong cộng đồng, vừa kiếm tìm, dìu dắt các hạt nhân văn nghệ trẻ. Như nhạc sĩ Võ Thị Thu Mây nói, đó là cách để họ góp phần gìn vàng giữ ngọc cho quê hương...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gìn vàng giữ ngọc cho quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO