Gió còn reo trên những cánh đồng…

Ghi chép của THÀNH CÔNG - PHAN VINH 17/07/2018 09:19

Những cánh đồng trải dài tít tắp, hiện lên thành vô số mảng màu kỳ thú dưới góc nhìn flycam. Sắc xanh ở nhiều miền quê xứ Quảng bây giờ, là màu của những đổi thay, ghi dấu từ “cuộc cách mạng” ngay trên những cánh đồng…

Cánh đồng làng rau Bầu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) nhìn từ góc máy flycam.
Cánh đồng làng rau Bầu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) nhìn từ góc máy flycam.

1. Hơn nửa đời người, dấu chân ngập trong bùn non, qua bao nắng mưa của quê nhà, ký ức của ông Mai Văn Phú - Trưởng thôn Phú Xuân (xã Tam Phước, Phú Ninh) còn in hằn những gian khó ngày cũ. Không quá xa, chỉ chừng hơn mười năm trước, cánh đồng Phú Xuân còn khúc khuỷu những hố, hầm, khoảng ruộng. Cây lúa, cây đậu lớn lên bằng nguồn nước tưới hồ Phú Ninh, cũng gian nan như phận người. Thứ tưới tắm cho cây trái lên xanh, có lẽ nhiều nhất vẫn là mồ hôi của những người như ông Phú, vợ ông và bao bà con làng này đổ xuống. “Làm nông mà nói sướng thì e khó. Còn kể khổ, thì biết nói chừng nào cho hết. Hồi đó, làm miếng ruộng là quần quật sáng chiều, mà có khi còn mất mùa, còn đói kém. Nhà có hai vợ chồng, từ sáng sớm tới tối mịt còn ở trên đồng, mà may lắm mới đủ nuôi mấy đứa con” - ông Phú tâm sự.

Hằn trong trí nhớ của vợ ông Phú, là những đêm mờ mịt tranh thủ ra đồng gặt tránh cái nóng ngày hè, hay cả nhà đánh vật với máy tuốt lúa thủ công, chong đèn cả đêm suốt lúa. Gánh từng gánh lúa về tới nhà, thả đôi đũa xuống sau bữa cơm là làm việc. Vậy mà cũng bấp bênh no đói, chẳng tích cóp được gì ngoài mấy đứa con lớn lên, ăn học đủ đầy. Giờ, vẫn ở trên cánh đồng ấy, cũng mảnh ruộng ấy với cây lúa, nhưng nụ cười đã tươi hơn, như ông bà tự nhận. “Làm nông chừ khỏe hung. Xe chạy tới bờ ruộng, khỏi té lên té xuống như hồi xưa. Cày ruộng, be bờ, gặt, suốt, chở lúa về, cái chi cũng máy móc. Vai mình đỡ mỏi rồi. Chưa tới mùa là mấy ông chủ máy gặt đã lo tìm mình, tới ngày tới giờ cũng không cần phải chạy ra đồng, chiều là xe chở lúa về đổ tận sân” - ông trưởng thôn cười giòn.

Chuyện đổi thay, với ông Phú và nhiều người ở thôn Phú Xuân bây giờ, nhỏ thế thôi, mà với họ cứ như là một cuộc cách mạng. Ai cũng nói, hồi đó không nghĩ tới chuyện đường ra đồng mà bê tông chắc cú, rồi máy móc các kiểu thay thế hết sức người, kênh mương thì nước ăm ắp, cũng bê tông khá nhiều, đỡ hẳn mấy đoạn đi nạo vét, đắp bờ. Chính sách, đường lối hỗ trợ nông dân, nông thôn, tốt đẹp là ở đó. Cánh đồng Phú Xuân giờ là nơi xây dựng cánh đồng mẫu thông minh, với mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, chủ động nước tưới hoàn toàn.

Ngoài trồng lúa, cây trồng chủ lực vẫn là dưa. Dù vụ dưa vừa qua, giá dưa có bị tụt giảm mạnh, nhưng cây dưa vẫn được người dân duy trì trên cánh đồng. “Làm lúa chừ chủ yếu lấy gạo ăn, chứ dưa và màu vẫn là nguồn thu chính. Làm dưa lãi hơn nhiều. Trước đây, không có nước tưới, thiếu kỹ thuật canh tác, kênh mương, đường sá chưa thuận lợi, nên làm nông vừa cực vừa ít có lợi nhuận. Bây giờ thì khác rồi. Từ hồi làm nông thôn mới, làng quê khác hẳn, đồng ruộng cũng “lên đời”. Nhà nước còn hỗ trợ giống, phân, tập huấn kỹ thuật, làm nông chừ bài bản. Nhà tôi giờ không chỉ làm ở đây, mà còn thuê đất ở Thăng Bình, Duy Xuyên, ra tới Đà Nẵng trồng dưa” - bà Nguyễn Thị Tuyền (thôn Phú Xuân) nói với chúng tôi bên ruộng dưa đang trổ trái…

2. “Bức tranh của nông nghiệp nông thôn Thăng Bình mười năm trở lại đây có màu sáng rõ rệt. Khi nông thôn mới ra đời, cơ chế chính sách hỗ trợ vào đây rất lớn, ví dụ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa. Tỉnh có cơ chế phân cấp nguồn lực rất rõ, từ đó đánh thức được những điều từng là giấc mơ trong quá khứ” - anh Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh nói với chúng tôi, về những đổi thay suốt 10 năm qua trên từng ngõ, từng nhà. Năm 2009, khi vừa rời ghế nhà trường, được vào công tác ở phòng Nông nghiệp huyện, khái niệm tam nông bắt đầu gần hơn với anh qua từng cơ chế, chính sách mà anh tham gia với vai trò tham mưu. Anh Vũ kể về “cơ chế 33”, cơ chế hỗ trợ nông cụ sản xuất nông nghiệp, cú hích lớn từ chỗ Thăng Bình không có nổi một máy gặt đập liên hợp hay một máy cày ba lưỡi đến hiện tại, cơ giới hóa có thể đáp ứng hơn 90% khâu cày đất, gần 100% khâu thu hoạch, giảm được thất thu.

Vấn đề đi đầu mà Thăng Bình làm được là tích tụ ruộng đất, xóa bỏ những thửa manh mún và liên kết sản xuất. Thăng Bình bây giờ 20% người dân hưởng lợi từ bán lúa giống. Riêng xã Bình Chánh xuất mỗi năm 2.500 tấn lúa giống, người dân lời khoảng 2,5 tỷ đồng, nếu chỉ tính lợi nhuận thấp nhất là 1.000 đồng/kg. Nông dân đến mùa gặt không cần ra đồng, thậm chí không cần phơi lúa mà đưa vô lò sấy. Hay chuyện hàng nghìn nông dân đi học về chính nghề nông, về cây, con mà mình đang trồng, đang nuôi. “Người dân được đào tạo chuyên sâu về ngành nghề quy định.

Từ 3 con heo, họ có thể tự tin nuôi 10 con heo, chủ động tiêm phòng, chăm sóc để heo không chết trong quá trình nuôi. Từ khi thực hiện tam nông, vấn đề trình độ và đáp ứng nhu cầu làm việc cấp thiết hơn bao giờ hết. Thể hiện lớn nhất là đội ngũ hợp tác xã. Nơi nào hợp tác xã làm tốt, đời sống bà con đi lên và khó khăn của hợp tác xã được tháo gỡ ngay. Hãy nhìn vào đời sống của bà con, vào cách làm nông bây giờ. Đổi khác nằm ngay ở đó, hiển hiện quá rõ” - anh Vũ cho hay. Mà nói đâu xa, ngay chính anh, từ một chuyên viên phòng nông nghiệp, cần mẫn học lên tiến sĩ, theo chính chuyên ngành của mình, rồi về làm lãnh đạo xã mà vẫn đau đáu bao niềm ưu tư về câu chuyện từng con vật nuôi, cây trồng, công nghệ này, kỹ thuật kia cho bà con. Tôi hình dung, trước mặt mình không chỉ là “anh chủ tịch”, mà còn là đại diện một thế hệ “nông dân 4.0”, ngay trên mảnh đất Bình Chánh này.

Lan man về tương lai của nông nghiệp, bằng tam nông, bằng những bước đi dài cùng thời cuộc, những chia sẻ của anh như phác họa thêm một hình dung khác cho bao miền quê xứ Quảng. Cơn lốc nhà máy, xí nghiệp, khu du lịch mọc lên, nguy cơ người dân bỏ ruộng là quá gần. Mà thực tế, đã xảy ra ở không ít vùng. “Tương lai của nông nghiệp sẽ khác, và sẽ phát triển, dù không phủ nhận nỗi lo còn đó. Bằng tích tụ ruộng đất, bằng cơ chế đầu tư và khoa học kỹ thuật, người dân làm nông nghiệp phải với vai trò một ông chủ làm nông. Anh góp đất, tôi đầu tư và ăn chia trên miếng đất ấy, chấm dứt manh mún. Đất là tư liệu để sinh lời, chứ dân không mất đất. Quan trọng, là phải đánh thức những ông “nông dân lớn”, khát vọng lớn từ nông nghiệp sẽ xuất hiện. Trước hết bằng tam nông, bằng những đổi thay mà chúng ta ai cũng đã nhìn thấy, tại sao không thể kỳ vọng?” - anh Nguyễn Xuân Vũ nói.

Ghi chép của THÀNH CÔNG - PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gió còn reo trên những cánh đồng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO