Cuối năm, gió. Se se ở nơi này, rét mướt ở nơi khác; trên ba miền đất nước. Gió gây xao xuyến và những nhớ nhung. Ở miền Nam, thời tiết đã bước sang mùa khô nhưng buổi sáng vẫn còn luyến lưu đôi sợi gió se lòng. Miền Trung, gió ẩn mình trong mưa để bày ra những gì bên trong của những nỗi eo sèo nơi chốn quê nhà se sắt. Tiết đông hàn chui vào đống rạ/ Hở mông ra cho quạ nó lôi... Và gió mùa đông bắc ở Bắc Bộ mang khí lạnh tràn về gây nên bao niềm tê tái. Cho bao người. Có không mùa đông mới biết. Cho người thiếu nữ xuân thì kia. Làm thân con gái phải lo/ Mùa đông rét mướt ai cho mượn chồng...
Sau lễ Giáng sinh, trời cao nguyên lạnh hơn. Buổi sáng bên ấm trà, nhìn qua cửa sổ, nhịp chuyển xô của cuộc sống dần dần chuyển dịch. Xe cà phê bên phố bày ra những chiếc ghế nhựa nhỏ dưới một hàng hiên, mùi thơm quyện trong hơi gió sớm. Chiếc xe đẩy đi qua, gọi người trên phố thức giấc để dùng điểm tâm. Tiếng hát ai mơ hồ thoáng bay trên nóc phố nhấp nhô... Cuộc sống cứ trôi đi, dưới vô vàn lực tác động của những lai do không nhìn thấy được...
Và trong nhịp điệu nhịp nhàng của gió, tới lui cùng thời tiết, quê nhà ẩn hiện với phiên chợ tết nghèo năm nào và ánh mắt chợt sáng lên của những người nông dân một đời chịu đựng. Dù sao, một cột mốc thời gian cũng đã trôi qua, để lại bắt đầu cho một hy vọng khác, dù vẫn biết, điều ấy hãy còn xa, rất xa. Dù lễ tiễn ông Táo về trời và tục phóng sinh cá chép vào dịp ấy giờ đây chỉ còn là một thói quen, đôi khi vẫn thấp thoáng trong đó lời gửi gắm mờ nhạt về sự tồn tại của một cõi vô hình và thể hiện lòng từ bi của người dân Việt. Dù tất cả những “phôi phai” ấy, con người vẫn sống. Hay nếu nhìn khác đi, giả dụ nếu như không có những pha phôi, cuộc sống này sẽ ra sao, nếu không là sự trì trệ nặng nề của bóng tối quạnh quẽ, như ngày xưa, người thi sĩ đã từng phải kêu lên: Và ngươi nữa, tiếng gió buồn thê thiết/ Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn (Nhạc sầu - Huy Cận).
Cuối năm, gió. Gió thổi qua mọi niềm thịnh suy, hưng phế của cuộc đời. Ấy là nói theo cái kiểu lý-sự-triết-lý-vụn. Còn nói theo người nông dân chăm chỉ chuyên cần đang ngày ngày đổ mồ hôi chung quanh ta, thì gió vẫn thổi trên... những vồng khoai, liếp sắn. Bởi vì, tháng chạp là tháng trồng khoai. Để làm chi, nếu không là để phòng ngừa cho tiết tháng hai giáp hạt hãy còn những cơn gió cơ hàn. Và như thế, làm gì có cái thói quen của tháng giêng là tháng ăn chơi, như giọng lưỡi kiêu ngạo của giới thừa tiền lắm bạc từ bòn rút mồ hôi nước mắt của nhân dân. Ngày xưa, học giả Lê Quý Đôn đã từng chép lại điều này, về một bài thơ miêu tả việc sứ thần nước ta khi đến Tây Hồ ở Hàng Châu, chứng kiến cảnh rượu chè nơi ấy, đã có thơ (bản dịch): “Mỗi cành dương liễu (tài tử) mấy cành hoa (giai nhân)/ Say khướt bên hồ, quán rượu ra/ Dân Việt ăn chơi đâu có thế/ Trời xuân canh cửi khắp gần xa”. Thời ấy, sinh hoạt và lao động của người người Việt chăm chỉ chuyên cần là thế. Còn giờ đây? Tất nhiên, không phải cái gì cũ cũng là hay là tốt, nhưng sao lại vắng vẻ dần những “đẹp xưa” mà thay vào đó, chỉ nghe chỉ thấy rền vang những hét hò “điệu đàng, thần tượng, sành điệu, thời trang...”.
Cuối năm, gió. Trên những bến xe đò dọc ngang, trên những toa tàu vội vàng chen chúc của những kẻ tha hương muốn tìm về với chút hơi ấm nhớ nhung của chốn quê nhà trong thời khắc tết đến xuân về. Không còn là gió ngoài trời nữa, mà là miên man gió trong bao tính toán ngổn ngang của đồng tiền bát gạo vắt ra từ mồ hôi và nỗi cực nhục bẽ bàng...
Dẫu sao, thì còn biết làm gì hơn, ngoài việc ấp ủ dưỡng nuôi niềm hy vọng. Của gió. Và như gió. Ơi hỡi, gió ơi!...
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT