Gió ngược chiều

NGUYỄN PHƯƠNG DUNG 17/12/2023 11:00

Rồi đây con nhỏ sẽ khổ cho xem. Bà mụ vườn, cũng là bà chị họ của bà nội vừa lẩm bẩm cho mình bà nghe nhưng mẹ cũng nghe được, vừa mang em đỏ hỏn ra góc buồng để tắm.

Mẹ quay vô vách như để giấu giọt nước mắt rồi quay ra nhìn, miệng mẹ cười hơi méo vì chưa hết cơn đau. Ở đó ba đã pha sẵn một thau nước ấm, có một tấm khăn mới to ba mua được dùng quấn từ đầu đến chân em. Nhà không có cái cân để biết em nặng bao nhiêu nhưng bằng kinh nghiệm bà mụ nói cũng được, chắc non 3 ký, cố mà gánh vác.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Ba với mẹ như cái rổ cái rá bung vành gãy nan cạp lại thành một, em ra đời làm sợi dây buộc yếu ớt. Nói yếu ớt vì từ khi em lớn hơn chút, hiểu vị trí của mình trong căn nhà gạch tí xíu chỉ có hai căn buồng cũng tí xíu không tô tường láng nền có đến sáu người này, hai người một anh một chị đâu để yên cho em buộc.

Chỉ có bà nội thương em nhưng bà như nhánh tầm gửi già quéo tàn sức, không giúp gì được. Mỗi lần em thấy ba ngồi gần mẹ, em liền bỏ hết mọi thứ đang mê như trò bày đồ hàng ra chơi một mình bằng mấy cái vỏ sò vỏ hến, chạy sà vào lòng mẹ rồi trườn người qua nhổ râu cho ba nũng nịu bằng cái giọng ngọng đớt con “xương” ba “xương” ba.

Anh Hai từ đâu xông vào kéo tay em ra, mặt anh ngầu phải biết, anh hét lên ba của tau ba của tau. Còn chị Ba chắc cũng muốn làm như thế lắm, cũng muốn nói mẹ của tau mẹ của tau, nhưng chị hiền hơn, chợt nghĩ dầu gì thì mẹ của mình cũng là mẹ nó mà, nên chị đứng xa háy nguýt em thôi.

Từ đó em kinh nghiệm là muốn ở trong lòng ba mẹ thì phải đi quanh nhà quan sát trước. Bịnh xương khớp cột thân bà vô cái gường tre lên nước bóng loáng ở buồng trong rồi nên khi nghe ồn ào vọng vào là bà hiểu. Bà thều thào Út vào đây với bà.

Ba là thợ mộc nổi tiếng làng Kim Bồng nhưng ba không làm nghề tại quê. Ngày trẻ ba thường vác vai cưa khoác tay đục cùng bè bạn đi qua làng khác tỉnh khác làm ăn. Có khi ba đi tuốt vô miền Tây ở cả năm trời vì hết nhà này đặt hàng đến nhà khác.

Những nhà giàu mê tay nghề của ba với bộ trường kỷ tủ thờ khắc chạm tinh xảo. Chuyến đi dài nhất của ba đem về rất nhiều tiền nhưng đổi lại ba mất thứ quý giá hơn là má cả.

Không biết vì lẽ gì mà má bỏ anh Hai mới biết bò mà đi biệt tăm. Bà nội phải bỏ hàng trầu cau của bà ở chợ để chăm anh Hai đợi ba về. Mới đầu ba dấm dẳng với bà nội rằng tại mẹ gay chua quá vợ con ở không được chứ chi. Bà nội khóc, may mà hàng xóm qua cho sữa nói mi làm con mà không biết tính mẹ mi thì tệ quá đi.

Hình như con vợ mi không chịu nổi cảnh nghèo, không chịu phải xa chồng biền biệt hay mèo mả gà đồng nên bỏ đi chứ lý do chi khác đâu. Ba ôm hận đành tìm vui trong công việc, lại cưa đục lên đường. Bà nội không cản được, bà già theo nỗi buồn ngày mỗi đầy lên.

Mẹ không phải người xứ này, mẹ ở tận bên kia đèo Hải Vân theo dòng người tản cư, giọng mẹ còn nặng trịch khó nghe nên khi mẹ rao hàng ai cũng mắc cười. Hàng của mẹ nằm phơi rõ ràng trên hai đầu thúng mà đi qua mặt ai cũng hỏi chị bán chi đó chị.

Hỏi cho mẹ nói rồi cười, cười mẹ nhưng vẫn mua vì các loại rau củ mẹ bán rất tươi, nhẹ giá hơn ở chợ, phần vì thương con bé lẽo đẽo theo sau mỗi khi mẹ hạ gánh xuống bán, con bé dỡ cái nón trên đầu xuống quạt cho mẹ vừa quẹt mồ hôi trên trán mình.

Một hôm mẹ dừng lại trước cửa nhà bà nội vì nghe tiếng khóc của trẻ con ngằn ngặt như đang cơn nguy kịch. Mẹ đặt gánh một bên cửa rồi hỏi bác ơi có cần cháu giúp gì không. Mẹ đón lấy thằng bé nóng hổi trên tay nội nói phải đi trạm xá ngay, mẹ bảo con bé ngồi yên bên gánh rau đó, bà nội khép cửa chạy theo mẹ.

Lần ấy mẹ đã kịp cứu thằng bé. Ba vẫn không hay vì nội có biết ba đang ở nơi nào mà báo mà kể. Từ đó mỗi sáng trên đường bán hàng mẹ hay tạt qua nhà nội một chút để hỏi han sức khỏe hai bà cháu, để lại bó rau trái bí cho nội nấu canh. Hai người như đã thân quen từ lâu qua cảnh ngộ được tâm sự.

Mẹ tâm sự rất thật tình với nội là con không có chồng mà có con, con yêu anh hàng xóm, khi con biết có bầu thì trận Mậu Thân nổ ra, chẳng biết ảnh đi đâu, sống chết ra sao, lâu rồi không tin tức chi. Con chạy vào đây tá túc nhà bà con rồi hai mẹ con tự sống như vầy

Bà nội nói con ai cũng được, có được đứa con là quý hóa rồi. Chứ cái đứa nhà này, có chồng con đàng hoàng mà chối bỏ. Bà nội kể xong rồi khóc rấm rứt mãi làm mẹ khó quảy gánh lên đi bán tiếp.

Ba về đúng lúc mẹ đang ở trong nhà nội, mẹ ghé vào xin miếng nước rồi tiện tay ngồi tước luôn cho nội mấy đọt bí đỏ để nội luộc. Ba ngạc nhiên khi nghe nội nói cô này mẹ quen mấy tháng rồi, tội lắm, mẹ ước chi... Chẳng biết ý bà nội nói gì nhưng ba mẹ lúng túng khi chạm ánh nhìn của nhau.

Bà nội nói mãi, thôi con đừng đi làm ăn xa nữa, đã mất vợ không khéo còn mất nhiều thứ quý giá khác. Ở nhà với mẹ, mẹ già lắm rồi, mẹ thương cái cô Huế bán rau, con xem có được mẹ rước cổ về...

Ba ngó lên ngọn tre đầu ngõ nói như nói thầm. Mẹ làm như người ta chịu liền á. Người ta là gì thì cũng có cái giá của người ta chứ, đâu phải mớ rau củ khoai mà mua nhanh được. Bà nội cười tít mắt để tau để tau...

Mẹ chịu lấy ba một phần vì thương bà nội, ba chịu lấy mẹ vì nhớ ơn ngày trước mẹ cứu kịp anh Hai. Em ra đời, em lớn lên, mẹ bảo gọi con trai ba là anh Hai, gọi con gái mẹ là chị Ba, dù chị Ba lớn hơn anh Hai mấy tuổi. Em lớn thêm chút nữa thấy mình ở giữa, không dưng mà có một anh một chị đáng lẽ ra được thương lắm nhưng mà có ai biết em khổ đâu.

Chưa bao giờ anh Hai nhẹ nhàng với em được nửa câu, giáp mặt em là anh quát giặt đồ cho tau chưa. Còn chị Ba cũng không thân thiện mấy, chị phần chị em phần em. Có hôm em vò nát tờ giấy gì đó trong túi áo anh Hai khi giặt mà quên lấy ra, ảnh xông vô đánh em, chị Ba không bênh mà còn nói như đổ dầu vô lửa. Con này rứa đó, có mắt như đui, hôm trước...

Chị chưa nói hết em đã ăn roi rồi, thằng Tí trong xóm đi ngang qua thấy được la lên. Ối trời, con anh với con em oánh con của chúng mình nè. Câu này là nó học lại của người lớn trong xóm. Em buồn nhưng không dám kể cho ba mẹ vì sợ ba mẹ lo lắng khó xử.

Chỉ có bà nội ở nhà nên bà nghe được, bà cũng buồn, bà không khuyên bảo được anh Hai đâu, ảnh hung hãn cứng đầu lắm chẳng nghe lời người lớn bao giờ. Còn chị Ba lẽ ra phải thương em mà chị cũng thờ ơ như em không có mặt trên đời, bà nội lại không dám nói nặng với chị.

Khi anh chị đi hết rồi em mới dám thập thò cửa buồng bà, đợi bà ngoắt tay là em chạy sà vào lòng bà mà khóc. Bà nói mãi, bà hiểu bà hiểu. Bàn tay xương xẩu của bà lùa vào mái tóc cụt ngủn của em khiến em thấy dễ chịu. Việc cứ thế mà lặp đi lặp lại cho đến ngày em lớn thêm chút nữa.

Chị Ba về quê cũ để tìm lại ông bà và cha rồi theo mai mối lấy chồng ngoài đó không vô nữa. Ngày cưới chỉ có đầy đủ cả nhà em ra đưa dâu, bà nội em đeo vào tay chỉ một chiếc nhẫn rồi ôm chỉ khóc miệng nói mãi câu cảm ơn cháu. Em chưa hiểu bà cảm ơn chỉ vì điều gì, lúc này em mới thấy chỉ ôm lại bà nội mắt rơm rớm.

Rồi đến lượt anh Hai, anh Hai trước đó theo bạn vô miền Nam làm ăn. Khi anh đi chừng vài tháng thì bạn ảnh, cái chị ở xóm trên đến nhà nói ảnh bỏ con rồi, chừ con tính sao với cái bụng gần sinh này hả cô chú.

Bà nội đang bịnh nặng mà ba phải chạy vô Nam tìm ảnh. Anh Hai không chịu về, nói không biết có phải cái bầu của con không. Ba bất lực trở lại quê, quay qua quay lại chưa hết năm học của em thì ba mẹ phải đưa chị ấy đi sinh. Sinh xong chỉ bỏ con lại bệnh viện trốn mất, mẹ em phải bồng đứa nhỏ về nuôi. Bà nội buồn rầu cũng qua đời sau đó không lâu. Ba cũng chán đời đâm ra rượu chè.

Một hôm ba đi xiêu vẹo từ quán về bị đám thanh niên đua xe vượt qua tông ba ngã xuống đường bất tỉnh. May mà ba không mất nhưng ba tàn phế rồi. Năm đó em phải bỏ thi đại học, em không còn cách nào khác.

Chừ em thế nào, anh hỏi em đó? Thì anh thấy rồi đấy. Em đi làm công nhân, phụ với ba mẹ nuôi con cho anh Hai. Ở quê chừ phát triển mạnh, có nhiều khu công nghiệp cũng không xa nhà lắm, sáng đi tối về chứ trình độ em đến đó biết làm chi hơn.

Nhà còn bốn người nương vào nhau mà sống. Anh Hai thì khỏi nói tới rồi, chị Ba thỉnh thoảng có gởi cho em phụ tiền thuốc thang chợ búa. Chị có vẻ hối hận vì ngày còn nhỏ đã ghét em, ghét mẹ, ghét cả nhà nội. Cũng may, dù mộng học hành của em không thành nhưng em chưa đến nỗi đói anh ạ.

Em không định lấy chồng? Ôi, em đi lấy chồng rồi thằng bé này ai nuôi. Anh có nghe nó đang gọi em không. Cô Út ơi!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gió ngược chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO