Rồi tôi cũng lê được dấu chân mình dọc ngang đèo Cả; được ngồi nghe những cơn gió thổi qua miền Đá Bia - ngọn núi cao nhất trong khối Đại Lãnh quanh năm mây phủ trắng mờ từ một làng chài cũ mèm và hoang sơ. Rất ấn tượng, người Pháp gọi núi Đá Bia là “Ngón tay của Chúa”. Nhưng tôi thích hơn cả cách gọi của người Chăm còn lưu trong bia ký, rằng Đá Bia là Đại sơn thần Linga - một khối linga khổng lồ giữa lưng chừng trời.
Đại sơn thần Linga trên núi Đá Bi.Ảnh: Tư liệu |
Mờ ảo dấu xưa
Non nước Việt mình, hiếm có ngọn núi nào lại phủ đầy huyền thoại như Đá Bia, bắt đầu từ tên gọi. Người Việt gọi đó là núi Đá Bia, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thánh Tông “bình Chiêm” dựng bia phân định biên giới. Người Chăm xa xưa, theo một số bia ký thì họ gọi núi Đá Bia là Lingaparvata - Đại sơn thần Linga, vì hình dạng khối đá như một linga khổng lồ. Nhưng một tài liệu khác, sách “Các truyền thuyết huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử và danh thắng Phú Yên” của Đào Minh Hiệp và Đoàn Việt Hùng, người Chăm gọi Đá Bia là Hduơn Ktol, có nghĩa là núi Cùi Bắp, vì trông hình dạng rất giống cái cùi bắp cắm trên cao. Truyền thuyết kể, một ngày kia, thủ lĩnh của bộ tộc Chăm ra lệnh toàn bộ các chiến binh phải thử cung tên của mình để kiểm tra hiệu quả của loại vũ khí này. Tất cả đều leo lên ngọn núi cao Chư Sê và giương cung nỏ, nhắm vào tiêu điểm là núi Cùi Bắp để bắn. Tất cả mũi tên đồng loạt bật khỏi dây cung và xuyên thủng núi Cùi Bắp tạo thành một đường hầm chạy thẳng ra biển. Ngày nay người Chăm vẫn tin rằng dưới chân núi Đá Bia, đoạn từ quốc lộ ra biển có một đường hầm rộng, thẳng tắp. Đó là đường hầm do tổ tiên họ thử cung tên ngày xưa.
Theo chuyện kể của người Ê Đê, họ gọi núi Đá Bia là Kút H’Phil. Đó là tên người vợ thứ 3 (dân tộc Ê Đê) của vua Chăm Poromê (có 3 người vợ: vợ cả người Chăm, vợ hai người Kinh, vợ ba người Ê Đê), khi bà chết được chôn tại đây, mộ đắp… cao thành núi. Trong khi đó, các nhà hàng hải Pháp gọi núi Đá Bia là Ngón tay Chúa. Là bởi khi đi ngoài biển nhìn vào, tảng đá trên núi dựng cao giống ngón tay chỉ lên trời. Đó là tiêu điểm để chỉ hướng cho tàu chạy dọc theo Biển Đông. Sau này, năm 1890, một sĩ quan hải quân người Pháp tên Varella cho xây một ngọn hải đăng tại phía đông núi Đá Bia để định vị cho tàu bè qua lại. Dân địa phương gọi nơi đó là Mũi Điện, còn trong sách địa lý hàng hải thì gọi Mũi Varella.
Truyền thuyết cũng kể rằng năm xưa vua Đường bên Tàu sai Cao Biền sang nước Nam yểm long mạch để triệt hiền tài. Sau khi trấn yểm thành Đại La, họ Cao đi thuyền dọc theo bờ biển đến đất này và thấy huyệt đế vương có thể lấn át cả nước Tàu cùng câu sấm lưu truyền trong dân gian “Bi Sơn sanh thánh chúa/ Đà thủy xuất hiền thần”, ông đã chặt đứt vượng khí nơi đây bằng 2 thanh kiếm, 1 trên đỉnh núi và 1 dưới chân núi. Trong khi đó các sách của người Trung Hoa như các quyển: Quảng Châu ký, Tùy thư, Thông điển, Tân Đường thư, Tần Thư địa lý chí, Nam Việt chí, Thái Bình ngự lãm đều cho rằng Đá Bia là nơi viên tướng nhà Hán là Mã Viện đã cho trồng cột đồng để phân ranh giới: phía Bắc là đất Nhật Nam thuộc nhà Hán, phía Nam là đất của nước Tây Đồ Di.
Trong tiến trình mở đất về phương Nam, Thạch Bi Sơn có một dấu ấn lịch sử rất lớn, từng đóng vai trò phân ranh giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành. Dân gian tương truyền - thật ra đây cũng là một nghi án của lịch sử khi nhiều tác phẩm biên khảo cho rằng vào năm 1471 vị vua trẻ tài ba Lê Thánh Tông trong một lần “bình Chiêm” đã tiến quân đến tận chân núi Đèo Cả và sai lính khắc bia ghi niên hiệu Hồng Đức để làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Nội dung của văn bia là: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong/ An Nam quá thử, tướng tru binh chiết”, nghĩa rằng: “Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất/ An Nam qua đây, tướng chết, quân tan”. Song nội dung văn bia đó chỉ là truyền khẩu, bởi vết tích lưu lại thì không thấy được gì ngoài một tảng đá cao sừng sững bám quanh là những loài cây ký sinh cùng những đụn mây trắng xốp ôm quanh.
Gió vấn vít quanh ngàn lời thêu dệt…
Với ông Sơn và người dân bản địa dưới chân núi từ ngàn đời nay, núi Đá Bia là một “ông Bia” – một vị thần tôn kính và linh thiêng “chỉ cần thấy ở đó có sấm chớp tức là một cơn dông lớn sắp đến”. Mà dông và gió ở xứ này là đặc sản, một kiểu gió phóng túng cứ vấn vít lấy người lạ để khơi gợi những huyền thoại được thêu dệt từ ngàn đời. Kiểu gió mà nhà thơ Trần Mai Ninh nhắc đến trong bài “Nhớ Máu” được viết vào năm 1946: “Ơ cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng”.
Và ông Sơn làm tôi rưng rưng khi nhắc chuyện cách đây hơn 63 năm, khi có mặt trong đoàn quân Nam tiến hướng vào mặt trận đèo Cả, thi sĩ Hữu Loan đã để lại cho đời bài thơ “Đèo Cả” nổi tiếng bậc nhất trong đời thơ của ông và được chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất trong thế kỷ 20: “Đèo Cả! Đèo Cả!/ Núi cao ngất/ Mây trời Ai Lao/ Sầu đại dương… Những người đi Nam tiến/ Dừng lại đây giữa đèo núi quê hương/ Tóc tai trùm vai rộng/ Không nhận ra người làng/ Rau khe cơm vắt áo pha màu sa trường/ Ngày thâu vượn hót/ Đêm canh gặp hùm lang thang…”. Là cảm giác “Chạm bia người đã vắng/ Hành khách chạnh lòng thương” như của Phan Thanh Giản thời nhà Nguyễn khi đi ngang qua Thạch Bi Sơn từ mấy trăm năm trước.
Hình như lịch sử đã chọn đèo Cả, chọn núi Đá Bia này để giằng co uy quyền khi đây luôn là vùng đất phên giậu, là miền biên viễn giao tranh ác liệt từ thuở Đại Việt cho đến những cuộc kháng chiến sau này.
Đi với nó là máu của lê dân. Bỏ qua những huyền thoại rêu mờ, chỉ tính một chặng đường hơn 400 năm kể từ ngày chúa Nguyễn Hoàng đặt tên cho Phú Yên, mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm máu của lớp lớp người Việt. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp, đèo Cả là lá chắn không cho giặc Pháp tiến quân từ Nha Trang ra đánh chiếm Phú Yên, tạo nên vùng tự do Liên khu 5 và hình thành một hậu phương cho Tây Nguyên cùng các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô dưới chân núi Đá Bia là nơi đón những con tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lăk…
Có thể vua Lê Thánh Tông thời ấy đã đặt chân đến Đại sơn thần Linga và khắc bia phân định chủ quyền nhưng cũng có thể chỉ là huyền sử mong ước. Nhưng tư tưởng “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái tổ để lại” của vua Lê Thánh Tông là có thật và đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Cảm giác đớn đau lẫn cùng dịu ngọt khi ngắm Đại sơn thần Linga thần thánh, khi đứng trên ngọn hải đăng Đại Lãnh nhìn ra bao la bốn bề, tôi lại khao khát có chuyến phiêu bồng ra Hoàng Sa, Trường Sa, hay làm thêm cuộc đi như những lần đầu đặt chân đến địa đầu Sa Vỹ ngoài Móng Cái, hoặc thò chân xuống rẽ nước giữa hai bờ biển Đông - Tây ở cuối trời Cà Mau…
Nhà văn Pháp Roland Dorgelès trong cuốn ký sự “Trên đường cái quan” hồi đầu thế kỷ trước đã mô tả đèo Cả: “Những hòn đá cao quá bắt ngộp, nghiêng mình mà trầm tư mặc tưởng, những cái thác nhỏ trắng phau, chảy từ cao xuống hố thẳm, những cây suôn đuột lên trời, bốn bên dây lá leo phủ, thật là một cảnh cỏ cây chen đá lá chen hoa…”. Bây giờ lang thang qua chốn này, chỉ là không qua những ngôi làng trong hóc núi, dễ gì còn cảnh “Ngày thâu vượn hót/ Đêm canh gặp hùm lang thang” như Hữu Loan dạo trước. Nhưng vẫn còn đó “những hòn đá cao quá bắt ngộp, nghiêng mình mà trầm tư mặc tưởng, những cái thác nhỏ trắng phau, chảy từ cao xuống hố thẳm…”. Và gần như vẹn nguyên sự hoang sơ với những bãi biển cát mịn trắng tinh, nước luôn xanh một màu ngọc lục bảo hòa với nước suối ngọt mát đổ xuống từ các chân núi. Và ở một trong những làng chài cổ xưa nhất có tên là Vũng Rô, lâu lắm tôi mới nghe thấy một mùi gió biển nguyên chất mặn tanh đến nôn nao xộc thẳng vào mũi. Thứ mùi biển của “quê mình” thời còn chưa có dấu chân của những người thành thị. Ở đây lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức món thịt nướng từ con heo rừng nằm ngủ mê ngoài suối, rau củ hái ngoài vườn, mực cá tươi xanh thở phì phò thì luôn có sẵn dưới biển. Trưa nằm trên võng còn được khuyến mại món gió núi ngả nghiêng cây rừng cùng một màu xanh vàng hanh hao sau ống kính máy ảnh…
Bây giờ Đại sơn thần Linga vẫn là một vị thần, một “ông Bia” trong tâm thức người bản địa. Nhưng biết đâu đấy ngày mai, ai đó ngang qua đây và bất chợt nhận ra ngọn núi này là một… mỏ khoáng sản theo nhiều nghĩa. Và thế là những cơn gió thổi qua Đại sơn thần Linga huyền thoại là một thứ gió khác…
Ghi chép của TƯỜNG MINH