Giỗ quê

PHI KHANH 24/08/2018 00:30

(QNO) - Ở quê bây giờ, đám giỗ đã… lai phố khá nhiều. Nào là che rạp, kêu thợ nấu, chủ nhà không phải lo đi quanh xóm mượn bàn mượn ghế, hay đi chợ trước đó một vài hôm.

Bây giờ, đàn bà con gái đi đám giỗ, chân tay rảnh rang, ngồi lại “tám” là chính. Hiếm nhà nào làm giỗ lớn mà tự bày nấu nướng.

Thường thì tổ chức giỗ nhỏ, mới tự nhà làm, bởi vài ba bàn, chẳng thợ nào hứng thú nhận nấu. Mà nấu vài ba bàn, với đàn bà quê như trở bàn tay.

Đám giỗ nhỏ, chủ yếu bà con thân thuộc, có khi trách nhiệm phải đến, nên chẳng cần đợi mời. Người dự giỗ, ít ai vác thùng bia tới như ở phố, mà thường là mang bánh trái đến cúng, mà bánh tự làm; cũng có khi mang vài ký thịt heo, con gà, hay ký đường, bột ngọt, để chia sẻ tấm lòng với gia chủ. Mọi thứ liên quan đến giỗ, đều đậm chất quê.

Ở những đám giỗ nho nhỏ mà tôi hân hạnh được mời dự, thấy vẫn còn nhiều món cúng, món dọn ăn, và cách bày biện rất xưa.

Quê tôi, có món giá đậu xào với mì xắt, món măng trộn, mít trộn, hay món canh củ, quả, mà phần lớn thành phần đều “cây nhà lá vườn”, đến bây giờ vẫn còn ưa chuộng, nhất là với người già. Tất cả được bày biện trong những cái dĩa nhỏ, cái tô nhỏ.

Chủ nhà không phải là người chưa từng rời làng để tiếp thu cái… dĩa to, tô to, với món ăn và cách trang trí hiện đại. Chủ nhà là người ở phố về, có lẽ đã chán chường với những đám tiệc xô bồ, thức ăn sang trọng, thừa mứa, nên tổ chức bữa giỗ như để hoài niệm về người đã khuất, để người dự giỗ cùng trở về những ngày xưa cũ, với cuộc sống còn nhiều khó khăn mà ấm áp.

Tôi đến dự đám giỗ ở nhà đôi vợ chồng chừng ba mươi tuổi, họ dọn ăn “xưa” thôi rồi. Chén đất, dĩa sành, tất cả đều nho nhỏ, từ thời bà nội họ để lại.

Mấy món cúng chân chất, giản dị như món ăn ngày thường. Họ không phải nghèo tới độ không sắm được vài chục chén dĩa mới, mà đơn giản là muốn lưu giữ tất cả những gì của nội.

Vậy nên, những món nội nấu, cũng được tái hiện lại trong đám giỗ này, từ bàn tay đảm đang của cô cháu dâu.

Giỗ quê. Dạo một vòng xuống bếp, nhìn gương mặt đỏ hồng của những người đàn bà đang nấu nướng, nghe họ hỏi han sức khỏe, chỉ vẽ cho nhau cách nấu món này món kia, rồi tiếng nước rửa rau, tiếng giã tiêu giã hành.

Những tạp âm rộn rã ở giỗ quê cho tôi cảm giác được sống lại những ngày gian khó, chỉ chực có đám giỗ, là theo mẹ đi cùng.

Không ít người bạn, người anh em của tôi ở thành phố, cứ nhà có giỗ, là tranh thủ xách va ly lên đường. Với họ, về quê dự giỗ vừa thể hiện lòng thành, trách nhiệm, vừa muốn được sống trong không khí gia đình, bà con dòng tộc, hàng xóm láng giềng đã từng gắn bó. Với họ, ngay cả khi thuê thợ nấu, thì giỗ quê vẫn cứ ấm áp.

Đàn bà con gái khi ấy, rảnh rang để “tám” chuyện, chứ không quá vất vả chuyện bếp núc. Đàn ông, chẳng cần phải chạy bàn, không cần phải để mắt xem bàn này còn thiếu món gì, bàn kia đã đủ chén đũa chưa, mà mọi thứ đã sẵn sàng từ dịch vụ.

Cả năm, có khi tới ngày giỗ mới được gặp lại nhau, nên những câu chuyện kéo dài không dứt. Nào chuyện mẹ cha, chuyện chồng vợ, chuyện con cái, chuyện nhà nông, giòn dã như bắp rang.

Không khí giỗ quê luôn cho người ta cảm giác ấm áp. Giỗ quê, sân vườn mát mẻ, phía trước hiên cũng thấy vài ba người nói chuyện, ra gốc chuối cũng có người lót dép hàn huyên…

PHI KHANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giỗ quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO