Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo do Hội đồng Đội Trung ương phát động đang được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ và triển khai rộng rãi trong học sinh.
Giờ ra chơi là quãng thời gian thư giãn của các em học sinh sau những tiết học căng thẳng. Đổi mới nội dung sinh hoạt giờ ra chơi, tại Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ (huyện Nông Sơn), mỗi tuần nhà trường tổ chức một lần “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”.
Theo đó, gần 300 học sinh chia nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên tham gia trang trí lớp học, tập võ cổ truyền, chăm sóc cây xanh, hát múa dân vũ. Đặc biệt, hoạt động vệ sinh trường lớp giúp các em biết yêu thiên nhiên, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi.
Em Đỗ Mai Kha - học sinh lớp 5B Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ thổ lộ: “Giờ ra chơi vô cùng sinh động giúp chúng em có cơ hội mở mang kiến thức, khám phá điều thú vị xung quanh và rèn luyện sự tự tin, mạnh dạn trước đông người”.
Từ năm học 2021 - 2022, Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (Nông Sơn) cũng đã triển khai mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”.
Cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng Đội các cấp, mô hình đã thu hút đội viên hưởng ứng tích cực, tạo không khí vui tươi, rèn luyện tính linh hoạt, trí thông minh, tinh thần học tập tự giác, xây dựng môi trường học đường thân thiện.
Tương tự, với cách làm phong phú, giờ ra chơi ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Thăng Bình) sôi động hẳn lên qua nhiều phần việc ý nghĩa, như sinh hoạt câu lạc bộ, trải nghiệm một ngày làm mẹ, một ngày làm chiến sĩ. Thầy Trần Văn Nhàn - Tổng phụ trách Đội của trường cho hay: “Ngoài việc bồi dưỡng tri thức, truyền năng lượng tích cực, sân chơi này còn kịp thời phát hiện nhân tố điển hình trong nhà trường”.
Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song việc tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp cho các cấp học luôn được Phòng GD-ĐT huyện Nam Giang quan tâm đầu tư đúng mức.
Thầy Trần Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Zơ Nông cho biết, nhà trường phối hợp với các bộ phận liên quan tổ chức sân chơi trải nghiệm phù hợp với tình hình địa phương, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi bằng nhiều hình thức như: trò chơi dân gian, đọc sách, đan lát, hát múa cồng chiêng. Qua đó, rèn luyện kỹ năng sống, khơi nguồn sáng tạo, phát triển khả năng tư duy cho các em.
“Nhìn chung học sinh đều tỏ ra hứng thú với các nội dung đề ra. Đổi mới nội dung sinh hoạt giờ ra chơi nhằm khích lệ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, các em được trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Đồng thời quan hệ thầy trò, bạn bè thêm gắn kết, góp phần xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc” - thầy Tiến nói.