Giỗ truyền thống

TƯỜNG LINH 10/11/2018 00:12

Với người đã từ trần, ông bà ta xưa có dạy rằng: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, có nghĩa là sự chết như sự sống, sự mất như sự còn. Ngẫu nhiên mà người phương Tây cũng quan niệm về người đã chết rằng: “họ chỉ vắng mặt chứ không phải mất”.

Ở Quảng Nam, đám giỗ truyền thống gần như gia đình nào cũng giống nhau.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ở Quảng Nam, đám giỗ truyền thống gần như gia đình nào cũng giống nhau.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

1. Về linh hồn, có người tin nhưng cũng nhiều người không tin nhưng nhớ về người chết thì ai cũng nhớ.

Đám giỗ người từ trần chủ yếu là sự hoài niệm.

Làng tôi cũng như ở Quảng Nam, đám giỗ truyền thống gần như gia đình nào cũng giống nhau. Trước hết là mâm tế phẩm để cúng. Một vài món ăn mà lúc sinh thời người từ trần thích ăn thì gia đình phải nhớ để có bên cạnh các món khác. Mâm cúng giỗ vẫn là một mâm cơm nhưng thịnh soạn hơn lúc thường để tiền cáo hậu cấp, tức là trước cúng sau thết đãi bà con.

Đám giỗ được gọi là đám kỵ hay kỵ cơm. Con nít mà nói ăn giỗ là bị la rầy.

Hồi còn nhỏ, tôi thường đứng bên bàn thờ để rót rượu, châm trà cho cha tôi cúng. Đám giỗ nào tôi cũng nghe cha tôi khấn mở đầu: Quảng Nam tỉnh, Quế Sơn huyện, Trung Lập tổng, Trung Phước xã, Trung Hạ thôn. Gia chủ (họ tên cha tôi), thành tâm cung thỉnh linh hồn (họ tên người đám giỗ)…

Sau khi cha tôi làm lễ xong, bà con và khách mời hiện diện mỗi người thắp cây hương, xá hay lạy rồi cắm vào bình hương. Tôi rót đủ ba lần rượu, ba lần trà là lễ tất.

Đám giỗ thường cúng đúng ngày mất của người từ trần nếu người ấy mất vào buổi chiều hay đêm hôm ấy, tức là lúc họ còn sống. Nếu họ mất lúc sáng sớm thì cúng nhỏ vào chiều hôm trước gọi là tiên thường.

Hồi tôi còn nhỏ, xóm tôi có một ông mà ngày nào nhà nào có đám giỗ ông cũng đều biết. Ông tên là Hai Tơ. Ông cũng đến nơi thắp hương cho người quá cố rồi ngồi lại kể về lai lịch, sở thích, sở trường sở đoản và những đóng góp của người quá cố với bà con, làng xóm. Kể xong, uống một chung rượu nhỏ rồi ông đi. Không bao giờ ông chịu ngồi lại “ăn giỗ” với mọi người dù gia chủ luôn mời chí tình.

2. Cách đây mấy năm, vào mùa đông, tôi từ Sài Gòn về quê có việc cần. Sáng sớm hôm sau, có nhiều người đến gặp tôi và mời tôi đến dự đám giỗ tại nhà họ vào trưa hôm ấy. Có đến… ba chục gia đình mời tôi.

Lương tâm không cho phép tôi vin vào bất cứ lý do nào để khỏi tự trách mình đã quên cái ngày giỗ mong là độc nhất vô nhị này. Đó là ngày mùng Sáu tháng Mười âm lịch. Đây là ngày đã xảy ra trận lụt lịch sử hãi hùng năm Giáp Thìn 1964.

Trưa hôm ấy, tôi lần lượt đến mỗi nhà thắp hương. Về thăm quê gặp mùa lụt lội, sao tôi lại quên cái ngày đau buồn ấy nhỉ? Thật đáng trách.

Ở Sài Gòn, năm nào tôi cũng đến dự một đám giỗ cũng vào ngày mùng Sáu tháng Mười âm lịch. Bạn tôi, anh Ngân đã gọi điện thoại mời tôi và nhắc tôi từ hai ngày trước. Anh Ngân cùng tuổi tôi và nhà ở cùng xóm. Anh là bác sĩ trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Vợ anh người Sài Gòn, giáo viên cấp ba trung học phổ thông.

Ngày xảy ra trận lụt lịch sử Giáp Thìn 1964, anh Ngân còn học tại Sài Gòn. Hồi ấy không có máy bay dân sự để mua vé về quê, anh phải thuê một chiếc ô tô con tự lái về. Tới nhà, anh không còn thấy mặt mẹ vì đã mai táng. Cả làng, cả một địa phương rộng lớn hầu như không còn gì cả. Mẹ anh ra đi thê thảm vì trận thiên tai quái ác ấy. Nhà anh lại trôi mất.

Ở quê anh Ngân chỉ còn thấy một vật dụng duy nhất còn lại. Đó là chiếc cối đá xay bột mà sinh thời mẹ anh thường xay bột gạo để bà làm các món như đúc bánh xèo, mỳ (mỳ Quảng), bánh nậm…Anh Ngân bê chiếc cối đá đặt lên xe chở vào Sài Gòn.

Đám giỗ mẹ lần nào, khi khách ngồi quanh bàn ăn, anh Ngân cũng chỉ vào mấy món mẹ anh thường làm và nói rằng chính tay anh xay bột bằng chiếc cối đá ấy để làm ra các món bánh giỗ mẹ.

Có lần tôi hỏi vợ anh Ngân:

- Chị là tiểu thư Sài Gòn chính cống đâu biết làm những thứ bánh xứ Quảng phải không?

Chị đáp:

- Do anh Ngân chỉ bảo, tôi làm còn giỏi hơn ảnh. Tuy vậy, mỗi lần giỗ mẹ, anh đều giành làm các món bánh này còn tôi làm các món khác.

Quê tôi còn một loại đám giỗ không kém ý nghĩa. Đó là giỗ “hết khó”. Gia đình nào có người thọ đại tang như con với cha mẹ, vợ với chồng hay ngược lại thì phải để tang đến ba năm. Quan niệm xưa cho rằng hễ tang là khó. Đủ ba năm là đám giỗ đầu. Đám giỗ này gia chủ mời đông người để đền ơn mọi người đã thăm viếng, tiễn đưa, mai táng, chia buồn hồi ba năm trước. Những năm sau đó là giỗ bình thường.

TƯỜNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giỗ truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO