Gió tự ngàn xa

ĐÌNH QUÂN 01/02/2014 21:42

(Xuân Giáp Ngọ) - Tự bao giờ thân tâm nổi gió. Gió cuốn tầng cao, gió sà lớp thấp. Gió lướt chênh sông, gió tràn nghiêng biển... Để một đêm kia hơn ngàn năm trước nhà thơ Trương Kế nằm thao thức: Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ và hơn ngàn năm sau một chiều xưa ấy thi sĩ Phạm Hầu khẽ hỏi: Chẳng biết xa lòng có những ai? Gió tự ngàn xa kéo về réo gọi, cũng là dấu hỏi lớn trong hành trình kiếm tìm của nhân sinh.

Bến sầu

Chúng tôi đến Tô Châu (Giang Tô - Trung Quốc) vào tiết Lập thu. Theo lịch trình chúng tôi tham quan chùa Hàn San - một ngôi chùa cổ, đặc biệt nơi đây có dấu tích bài thơ Phong kiều dạ bạc nổi tiếng của Trương Kế thời thịnh Đường (713-756):

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Hơn ngàn năm qua, bao người đã tốn khá nhiều giấy mực giải mã bài thơ ấy, nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Trong bài thơ có người cho chỗ khó hiểu là “đối sầu miên”. Trong Đường thi tam bách thủ, Tân Cương Thanh thiếu niên 1997 chú rằng, sầu miên chỉ du khách mang nỗi sầu lữ thứ nằm thao thức trên thuyền (dẫn GS. Kiều Thu Hoạch). Còn bản Đường thi tam bách thủ, Thượng Hải cổ tịch 1999, sầu miên chỉ người đêm buồn rầu không ngủ được. Như vậy các nhà chú giải đều viết sầu miên chỉ lữ khách buồn rầu không ngủ được. Chính không ngủ được lữ khách mới nghe thấy và cảm nhận những điều hư hư thực thực quanh đây. Nhà thơ thấy trăng lặn, nghe tiếng quạ kêu, cảm nhận sương phủ đầy trời, thấy cây phong bên sông, thấy lửa thuyền chài le lói, cảm thức thời cuộc ngoài thành Cô Tô trải qua bao lớp sóng phế hưng dâu bể, khổ đau của kiếp người. Nhận diện cuộc đời như lớp ba lan vỗ bờ mãi mãi, như con người nhỏ bé phải đối mặt với nỗi sầu bất tận, mờ mịt sương giăng của đêm thu. Trương Nhược Hư cảm thức trong Xuân giang hoa nguyệt dạ: Bạch vân nhất phiến khứ du du/ Thanh phong phố thượng bất thăng sầu (Một mảnh mây trắng trôi đi dằng dặc không lúc nào nghỉ. Hàng phong xanh bên bến sông khiến khách buồn không sao kể xiết) cũng dặn lòng mình như thế! Khung cảnh bài thơ Phong kiều dạ bạc còn vẽ nên nỗi u hoài, nỗi u sầu, nỗi cô đơn bởi vì nhà thơ cũng là nhà họa sĩ không thể vẽ nên vẻ đẹp đầy đủ nếu thiếu nỗi buồn (E.M.D’Jakonova). Kawabata cũng nói: “Người lữ khách ưu sầu đi tìm cái đẹp”.

Duy khi tiếng chuông ngân vọng mới xua tan những bến sầu miên man mà con người vốn nặng mang và giằng níu cho mình một điều gì riêng - nhất. Phật giáo Tây Tạng tin rằng, khi niệm chú, nhờ sức vang của tiếng chuông mà các câu thần chú sẽ đi muôn nơi vạn hướng, làm nhẹ vơi nỗi khổ đau của cuộc đời... Đâu biết rằng tâm hồn thi nhân Trương Kế lúc ấy cũng rẫy đầy phiền não. Chợt nghe tiếng chuông vọng vang trong đêm thanh vắng như một thông điệp thiết tha gửi đến nhà thơ hãy quay về một nơi nương tựa(!). Có bài kệ: “Nghe chuông phiền não nhẹ/ Trí huệ giác ngộ sanh”. Về thỉnh chuông có 4 thời khắc tý ngọ mão dậu.  Có thể dạ bán chung thanh rơi lúc nửa đêm 3 giờ (?). Hay tiếng chuông là tự thỉnh của lòng mình? Tiếng chuông gióng lên 3 tiếng và  kết thúc 2 tiếng hoặc 3 hồi 9 tiếng bắt đầu cho những cuộc hành trì. Số lượng thỉnh chuông thường 18, 36 hoặc 108. Thỉnh 18 tiếng là biểu thị sự thanh lọc của 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý); 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và 6 thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý). Thỉnh 108 tiếng biểu thị nỗ lực của hành giả làm vơi cạn đi 108 loại phiền não nơi nội tâm (ứng với các con số 12 tháng, 24 tiết khí và 72 thời hậu)...

Tháp chuông chùa Hàn San.                                                    Ảnh: Đ.Q
Tháp chuông chùa Hàn San. Ảnh: Đ.Q

Kinh Thủ Lăng Nghiêm còn tán dương 14 món công đức vô úy, trong đó: “Hễ quán nghe âm thanh, liền đặng giải thoát”. Bởi nên nghe tiếng chuông (chung thanh) có thể làm chúng sinh (khách thuyền) hốt ngộ mà xả bỏ những phiền não của thế gian.

Đài lòng

Khi xưa, chàng thi sĩ Phạm Hầu (1920 - 1944) hẳn đã nhiều lần lên vọng hải đài để ngắm, để nhìn, để cảm và để vẽ khoảng không vô tận chỉ một màu xanh biếc. Trời xanh, biển xanh và cả lòng xanh của trang thiếu niên đang hớn hở ôm ấp nhiều dự định về cuộc đời. Có lẽ từ khi trái đất có loài người là con người đã biết buồn: Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người (Trịnh Công Sơn). Nỗi buồn luôn hiện hữu với thi nhân. Chàng viết bài Chiều buồn thấy nỗi buồn man mác, buồn len lỏi, buồn tái tê... Đến khi bước 108 bậc chạm vọng hải đài chàng mới nhận ra khoảng trời mênh mông xa vắng. Cũng là lớp buồn trên biển xa: Muôn đời em vẫn còn vương vấn/ Một sắc không bờ trên biển xa. Nhưng hơn hết, những khi ý thức bùng vỡ để chàng kịp phóng bút thành tuyệt tác Vọng hải đài: “Chẳng biết trong lòng ghi những ai?/ Thềm son từng dội gót vân hài/ Hỡi ôi! người chỉ là du khách/ Giây phút dừng chân vọng hải đài/ Cơn gió nào lên có một chiều/ Ai ngờ thổi tạc mối tình kiêu/ Tháng ngày đi rước tương tư lại/ Làm rã chân thành sắp sửa xiêu/ Trống trải trên đài du khách qua/ Mây ngày vơ vẩn, gió đêm là/ Muôn đời e hãy còn vương vấn/ Một sắc không bờ trên biển xa/ Lòng xiêu xiêu, hồn nức hương mai/ Rạng đông về thức giấy hoa nhài... Nhưng chừng đó chẳng đủ để chàng trẻ tuổi trải lòng ra tất cả, chỉ khi: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận, thì chàng mới ngộ ra rằng, một sinh linh nhỏ bé chẳng thể làm được gì trong khoảng không vô biên kia. Cảnh lòng trống vắng. Gió ngoài u u... Gió tự ngàn xa thổi qua bao thác ghềnh, khe đá, cành lá, bể dâu của đời và dời tràn lên ngọn thi sơn ngàn năm sóng vỗ. Chàng tự vấn: Chẳng biết xa lòng có những ai? và chàng cũng biết chẳng có ai giải nổi. Nguyễn Du từng tâm sự: Tẻ vui bởi tại lòng này đó sao? Bởi tâm hồn chàng thi sĩ quá đa cảm, quá mỏng manh và cũng quá cô đơn với những bước chân đi không để dấu trên đường (Hoài Thanh). Chắc lòng chàng sợ sự đổ vỡ, một điều chàng không dám nghĩ. Hay tại lòng chàng cũng cảm thức như Tố Như tiên sinh: Ba trăm năm nữa ai người khóc Tố Như đấy chăng?Chẳng biết xa lòng có những ai? - Tin rằng khi lòng cô đơn thì vẫn sẽ còn mãi ở chỗ này ngày đêm vỗ sóng liên hồi. Đấy là những hồi quang đưa tay ta vẫy để dội vào tâm thức nơi ngoài vô tận kia bật thành những phản chiếu quang vào căn thức không cùng tận... Nhà thơ Tế Hanh giải thích xa lòng là cùng một tấm lòng nay đã cách xa. Nhưng theo GS. Phạm Công Thiện: “Lúc Nguyễn Du còn là một chàng trai ở tuổi xuân tình lai láng thì chúng ta thấy gặp lần đầu tiên chữ lòng trong mấy câu thơ: Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/ Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu. Đấy là lòng Bồ Đề; đây là cách dịch của người xưa một chữ Phạn quan trọng trong Phật giáo Đại thừa Bodhicitta. Không có lòng Bồ Đề thì chẳng những Phật giáo sụp đổ mà cả vũ trụ cũng sụp đổ”. Thi sĩ Phạm Hầu đã gửi hết cả đài lòng Bồ Đề vào chùa Linh Ứng, ngọn Hạ Thai có Vọng hải đài (Thủy Sơn có 3 đỉnh Thượng Thai, Trung Thai, Hạ Thai) nằm trong danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế ngày nay đã tạc vào bia đá với thư pháp của Khang Hữu Vi, đặt ở chùa Hàn San, tạo hiệu ứng khám phá cho du khách cũng chính là sự thành tựu của du lịch văn hóa  tâm linh ở Trung Quốc. Còn ở nước ta, ví như Hoài Thanh sống dậy - vì ông là người có công rất lớn phát hiện ngọn “thi sơn” Phạm Hầu khi nhà thơ đang còn rất trẻ vào trứ tác Thi nhân Việt Nam - có lẽ ngành văn hóa - du lịch xứ Quảng sẽ mời ông thảo ngay bút tích bài thơ Vọng hải đài để khắc vào bia đá, đặt trang trọng trên ngọn Thủy Sơn  ngàn đời sau tìm đến chiêm ngưỡng?

 Gió tự ngàn xa có về đánh thức những lớp rêu phong?

ĐÌNH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gió tự ngàn xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO