Từ thăm thẳm cát và nắng, sau mấy bận thốc lên qua những phận đời đầy kham khổ, vùng ven Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) giãn dần những vết chân chim, để rồi hôm nay, đã thấy những ánh cười trên từng khuôn mặt...
Hàng nghìn công nhân đến làm việc tại khu công nghiệp mỗi ngày.Ảnh: THỌ CÔNG |
Mới nhớ, có bữa cà phê ở đây vào dịp khởi công khu công nghiệp dệt may Tam Thăng, gặp ông Lê Tú (90 tuổi, thôn Vĩnh Bình) bộc bạch, rằng dạo trước, dân dưới ni “mang tiếng” là thành phố, nhưng cực khổ lắm, chứ đâu phải như bây chừ…
1. Cái nhớ kéo về đột ngột ấy, thôi thúc chúng tôi trở lại Tam Thăng tìm gặp ông Tú. Trong ký ức của vị lão thành cách mạng này, hình ảnh về vùng cắt trắng một thời khốn khó vẫn còn. Ở đất Tam Thăng, một vài thôn gần sông Bàn Thạch, may ra còn “ké” được chút nước để làm ruộng, và từ đó thấy đôi chút màu xanh. Còn phần lớn, chỉ màu trắng bạc thếch của cát, và như để minh họa thêm cho sự héo hon ấy, những mảng phi lao xám ngắt như bơ vơ trong cái hơi nóng bốc lên. Trong cái nhớ của vị nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng này, những năm tháng đấu tranh anh dũng vẫn nguyên niềm tự hào. Nhưng bây giờ, có lẽ không phải là lúc để lần giở lại ký ức này. Mà ông nói ra, chỉ để khẳng định rằng, dân xứ này kiên cường trong chiến tranh bao nhiêu, thì hậu chiến, cũng sẽ cần mẫn bấy nhiêu.
Lời ông Tú nói, chẳng khác chi trước đó vài tiếng đồng hồ, khi chúng tôi ngồi trò chuyện cùng ông Châu Ngọc Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng. “Nhưng, như các anh thấy đấy. Vùng này toàn cát, nên công cuộc khôi phục đất đai sau chiến tranh đầy gian nan. Và trên nền cằn cỗi ấy, nỗi lo về cái ăn, cái mặc luôn thường trực. Nếu phải chọn một cột mốc thời gian nào đó, để đánh dấu sự đi lên, ý tôi là thoát khỏi cái oằn mình quá lớn vì khổ cực, thì có lẽ đó là từ năm 1997” - ông Cảnh nói. Câu chuyện này của Tam Thăng, chẳng khác mấy những vùng cát của tỉnh, nhất là những nơi từng xảy ra chiến sự ác liệt. Nơi vùng đông đầy cát, những câu chuyện cũng nhuốm một màu ký ức như thế. Rồi tựu trung, thấy rằng từ trong gian khó ấy, con người học cho mình kỹ năng tồn tại với sự khắc nghiệt, và tự hun đúc cho mình ý chí vươn lên. Những vết chân trên cát, sau bước người đi, sẽ được xóa dấu vết bởi chính cát. Nghĩa là họ bước qua, để đi về phía trước, chứ không quanh quẩn với dấu chân trên cát của mình.
“Nhưng tại sao phải lấy năm 1997 làm cột mốc đánh dấu sự đổi thay của vùng này?” - chúng tôi hỏi. Ông Cảnh ngả lưng về phía sau, mắt lim dim như đang lục lọi trí nhớ về những nẻo đường trần ai đã đi qua đời mình, một người sinh ra từ vùng cát, bám cát mà đuổi kẻ thù, rồi bám cát để đổi thay cuộc sống. Ông nói rất nhiều về “cột mốc” thời gian ấy, rằng từ năm 1997, vùng này bắt đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, tức là biết chọn giống tốt, biết chọn phân tốt và quan trọng, là dẫn nước từ sông Bàn Thạch về để mà tưới tiêu, chứ không còn… ngửa cổ mà trông ngóng ông trời.
2. Nhưng nông nghiệp, dù có nhiều thành quả hơn trước, thì bất quá cũng chỉ xua dần đi nỗi lo lắng về cái ăn. Mà người dân Tam Thăng muốn nhiều hơn thế. Chúng tôi lại hỏi: “Nếu lấy cái năm 1997 làm cột mốc trở mình, thì đâu là thời điểm đánh dấu sự đổi thay kỳ diệu của Tam Thăng?”. Ông Cảnh, vẫn thái độ từ tốn: “Đâu chừng năm 2010, khi vùng này bắt đầu có dấu hiệu của công nghiệp, vốn được quy hoạch từ năm 2006. Còn điểm nhấn khiến Tam Thăng “lột xác” như bây giờ, là phải tính từ năm 2015, khi Khu công nghiệp Tam Thăng bắt đầu xây dựng rồi đi vào hoạt động, thu hút cả hàng nghìn lao động. Từ đó đến nay, vùng cát ni nghe như cứ chuyển động từng ngày”.
Khu công nghiệp Tam Thăng được hình thành, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của đất Tam Thăng. |
Từ vùng ven, làn gió công nghiệp thổi vào cái chuyển mình thật sự. Và như để thêm phần… chắc chắn cho điều mình vừa nói, ông Cảnh đưa ra số liệu về mức thu nhập bình quân đầu người mỗi năm: “Năm 2010, thì khoảng 9 triệu đồng mỗi người. Đến nay, thì đã đạt 24 triệu đồng mỗi người”. Động lực thúc đẩy để đi đến thành quả ấy, không gì khác ngoài bệ phóng là Khu công nghiệp Tam Thăng. “Làm nông, thì cùng lắm cũng chỉ đủ ăn” - ông Cảnh nhắc lại! Hỏi thêm mới biết, lương công nhân trong khu công nghiệp này, tính ra bình quân đầu người, là hơn 4 triệu mỗi tháng. Ông Cảnh lại tiếp tục nhẩm tính: “Với mức thu nhập đó, thì sống được ở đây”.
Vậy là, chỉ trong vài năm, bài toán về giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập được giải quyết gần như cơ bản cho Tam Thăng. Song, điều vui mừng hơn, là nơi này trở thành nơi để trở về. Những năm trước, người trẻ, mà phần lớn là sinh viên ra trường thất nghiệp, bèn bắt chuyến xe vào Nam ôm giấc mơ mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Nay quê nhà có cơ hội, là tất tả trở về. Chị Trần Thị Bông (SN 1982, ở thôn Vĩnh Bình), kể, sau nhiều năm vất vả ở Sài Gòn với nghề may, đầu năm nay chị trở về quê, đầu quân vào Công ty Panko. “Cực chẳng đã mình mới tha phương cầu thực, giờ ở quê, ngay gần nhà cũng có khu công nghiệp, thì mình về thôi”. Cũng theo chị, nếu xét về thu nhập, thì ở đây không bằng trong đấy. Nhưng tính ra làm việc ở đây thì dư dả hơn, vì chẳng phải mất tiền thuê nhà, chí phí ăn uống và sinh hoạt cũng thấp hơn nhiều. Dẫu vậy, điều mừng hơn cả, là mỗi ngày được tắm táp cái không khí quê nhà. Chớ không đeo mang nỗi nhớ mỗi chiều, hay mỗi khuya trở mình rồi không thể nào chợp mắt bởi hình ảnh quê nhà quẩn quanh.
3. Khu vực quanh khu công nghiệp bây giờ, chẳng khác gì thành phố, nhiều người gọi đùa là “thị xã của… Tam Thăng”. Buổi sáng ở đó, ngày mới bắt đầu rất nhộn nhịp. Hai bên đường, hàng quán ăn sáng, cà phê… đầy khách. Ghé quán cà phê gần đấy, mới hay chủ quán không phải là người địa phương. Chị bắt được thời cơ Tam Thăng đang sôi động, nên xuống thuê đất mở quán. “Ổn chứ chị” - chúng tôi bắt chuyện. Cơ chừng hiểu điều vừa được hỏi, chị gật đầu: “Ừ, cũng được em. Dù sao thì cũng khá hơn trên Tam Kỳ. Ở đây công nhân rất nhiều, mình cũng như nhiều người khác “ăn theo” khâu dịch vụ mà thành nhộn nhịp ri đây” - chị chủ quán tên Thanh trả lời.
Bệ phóng từ khu công nghiệp, là cơ hội không chỉ cho những người vào trong đấy làm việc, mà còn cho cả những người như chị Thanh. Nhưng câu chuyện bây giờ, là sự hưởng lợi của người dân địa phương ở xung quanh đó. Chắc chắn là có! Mà nói một cách thẳng thắn rằng, nếu họ nắm bắt cơ hội tốt, thì phần đời còn lại của họ, đỡ cơ cực hơn nhiều. Như câu chuyện của anh Lê Văn Hạnh (47 tuổi, thôn Vĩnh Bình). Anh vốn nông dân chính hiệu, đất đai thì nhiều nhưng trên nền cát, nên làm cật lực mới “sống” được. Công nghiệp về, nhận 300 triệu tiền đền bù đất đai, anh vay mượn thêm, đầu tư xây khu trọ gồm 16 phòng cho công nhân thuê. Hôm đến, dòm vô phòng thấy cũng khá khang trang và rộng rãi. Anh khoe, dãy trọ xây hồi giữa năm 2016 và đến nay, đã cho thuê được 15 phòng. “Mỗi phòng rộng khoảng 18m2, vệ sinh khép kín. Giá thuê là 700 ngàn đồng/ tháng. Tính ra tiền lãi và trả theo hạn, mỗi tháng cũng kiếm được khá hơn nhiều so với làm nông” - anh Hạnh cho hay.
Nói vậy, không có nghĩa là anh bỏ nghề nông. Chỉ là anh tranh thủ cơ hội để thay đổi cuộc sống của gia đình mình. Những phần đất còn lại, anh vẫn tiếp tục với đồng áng. Ở đây còn có rất nhiều người như anh Hạnh. Họ đón lấy làn sóng lao động kéo đến đất này, như một vận hội mới cho chính cuộc sống của mình, thoát khỏi quãng đời cơ cực tưới đẫm mồ hôi mà vẫn trơ màu với cát xám… Khu công nghiệp mở ở Tam Thăng, như luồng gió tươi mát thổi về vùng ven, chắp cho những cánh diều chở đầy ước mơ bay lên cao xanh trong. Đổi thay, từ chính những đôi bàn tay bớt chai sần mưa nắng, từ những ngõ, những làng nay đã rộn ràng chút hơi thở thị thành…
Ghi chép của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ