Giới công nghệ Ấn Độ lo ngại về dự luật mới

QUỐC HƯNG 02/02/2017 10:06

Các doanh nghiệp phần mềm Ấn Độ bày tỏ quan ngại với dự luật mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến thị thực nhập cảnh.

Hai nhân vật quyền lực của Google (CEO Sundar Pichai) và Microsoft (CEO Satya Nadella) đều là những người Mỹ gốc Ấn Độ. Ảnh: Internet
Hai nhân vật quyền lực của Google (CEO Sundar Pichai) và Microsoft (CEO Satya Nadella) đều là những người Mỹ gốc Ấn Độ. Ảnh: Internet

Những ngày qua, việc tân Tổng thống Donald Trump đặt bút ký sắc lệnh về di trú mới gây xôn xao cộng đồng quốc tế, chia rẽ trong lòng nước Mỹ, từ các tầng lớp chính giới đến chuyên gia và người lao động bởi nhiều quan điểm trái chiều nhau. Sắc lệnh trên bao gồm dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm công dân của 7 nước - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa đệ trình một dự luật mới lên Hạ viện Mỹ nhằm hạn chế cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ nhằm mang lại cơ hội việc làm cho người dân sở tại. Điều này khiến các doanh nghiệp phần mềm, nhất là các công ty Ấn Độ tại Mỹ rất dễ bị tổn thương.

Tờ Indianexpress của Ấn Độ trích bài phát biểu của người phát ngôn Bộ ngoại giao Ấn Độ, Vikas Swarup về quan ngại liên quan đến chính sách hạn chế nhập cư của chính quyền Donald Trump, cụ thể là H-1B visa. Chương trình này vốn cho phép doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh lao động nước ngoài làm công việc chuyên môn đến Mỹ để làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học, lập trình máy tính và luật. Do đó, H-1B visa tạo điều kiện cho thung lũng công nghệ Silicon (Mỹ) thu hút nhân tài hàng đầu của thế giới, nhiều nhất phải kể đến từ Ấn Độ. Người được hưởng quy chế H-1B visa hay visa “không định cư” chỉ có thể ở lại Mỹ trong khoảng thời gian nhất định, tối đa có thể lên đến 6 năm. Theo thống kê, mỗi năm nước Mỹ đón nhận 65.000 người lao động và 20.000 cử nhân nước ngoài đến làm việc tại Mỹ bằng visa làm việc H-1B. Phần lớn người được cấp visa này công tác trong lĩnh vực công nghệ. Nay dự luật mới không chỉ hạn chế việc cấp thị thực H-1B mà còn không cho phép các sinh viên nước ngoài được ở lại Mỹ lâu hơn sau khi tốt nghiệp như chính sách dưới thời Tổng thống Barack Obama. Do đó, dự luật mới được cho là sẽ gây tổn hại cho nhiều lao động hiện tại của hãng công nghệ Ấn Độ, gây khó khăn cho các công ty trong việc sử dụng lao động nước ngoài, bao gồm cả công ty và người lao động từ Ấn Độ.

Do đó, nhiều chuyên gia lo ngại dự luật mới trên của chính quyền Donald Trump có thể khiến chương trình H-1B bị “xóa sổ”, hay ít nhất bị siết chặt và hạn chế. Ông chủ mạng xã hội Facebook nổi tiếng Mark Zuckerberg và nhiều lãnh đạo các công ty phần mềm tại của Silicon lên tiếng kêu gọi Tổng thống Donald Trump không nên hạn chế nhập cư theo chương trình H-1B để Mỹ nói chung và thung lũng Silicon có thể tuyển dụng người nước ngoài có nghiệp vụ xuất sắc trong tin học. Được biết, có hơn 50% công ty kỹ thuật cao ở Mỹ là do nhân tài nhập cư xây dựng, phát triển và mang lại thành công cho ngành công nghệ Mỹ. Trong đó những nhân vật nổi tiếng phải kể đến Sundar Pichai, hiện là Giám đốc điều hành của gã khổng lồ tìm kiếm Google hay Satya Nadella - Giám đốc điều hành của hãng Microsoft. Ngoài ra, một nửa số doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ ở Mỹ là do những người nhập cư thành lập. Do đó, với mô hình làm việc ở nước ngoài, cụ thể tại Mỹ của nhiều doanh nghiệp phần mềm Ấn Độ có thể gặp rủi ro với chính sách hạn chế nhập cư của Mỹ.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giới công nghệ Ấn Độ lo ngại về dự luật mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO