18 giờ 30 chiều qua, mạng xã hội Lotus - “mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam được sinh ra với tiêu chí lấy nội dung làm trung tâm” như quảng cáo của nhà sản xuất đã công bố ra mắt. Nhiều hứa hẹn hấp dẫn hơn nữa, như “mỗi người là một nghệ sĩ”, “thỏa sức sáng tạo”, “Lotus đang xây dựng mô hình kiếm tiền khác dựa trên tương tác…”. Trong buổi họp báo, nhà mạng này đưa ra con số phấn đấu có 4 triệu người dùng.
Trước đó 1 ngày, hôm 15.9, nhà cung cấp mạng xã hội (MXH) Gapo cũng công bố mạng này đạt con số 2 triệu người dùng sau 2 tháng ra mắt. Cùng với chiến dịch “500 face plus đồng hành cùng MXH Gapo”, nhà cung cấp đưa ra đích 50 triệu người dùng vào năm 2021. Được không? Thật khó trả lời. Với tôi, hai tháng qua, trừ những thông tin quanh tên gọi ngẫu nhiên giống tên một bệnh lạ hiếm trên thế giới, rồi mạng nghẽn, rồi có những điều luật về chính sách bảo mật na ná của Google thì MXH Gapo với tôi, chỉ đọng lại được đúng… cái tên. Tôi thuộc tuýp người ngại thay đổi, khi một thứ có sẵn vẫn dùng hằng ngày trở nên quá tiện lợi, phục vụ tận giường ngủ như MXH Facebook, thì tôi không tìm kiếm để thử một thứ mới hơn. Trong danh sách hàng trăm bạn trên Facebook và Zalo của tôi, cũng không thấy nhiều người hào hứng rủ rê, như kiểu một hiệu ứng đám đông, để tôi tiện tay cài đặt thử ứng dụng mới từ Gapo.
Theo thống kê năm 2018, Việt Nam có số lượng người dùng MXH Facebook đứng thứ 7 thế giới với khoảng 58 triệu người dùng. Bất chấp những ồn ào, lo ngại về an toàn thông tin, về việc dữ liệu người dùng bị thu thập cho mục đích xấu, lượng người dùng facebook vẫn mỗi ngày một tăng. Nên liệu cú đấm của những MXH “made in Việt Nam” vào gã khổng lồ này có như châu chấu đá xe? Hay cần phải nghĩ một cách lạc quan hơn, là sẽ đứng được trên vai gã khổng lồ Facebook với hàng trăm tỉ đồng huy động từ nhiều nguồn lực để có được một MXH “của người Việt, cho người Việt”. Với cách tiếp nhận của người dùng MXH có thói quen nghi ngờ những gì mới lạ, thì thật khó để có câu trả lời, mạng mới này sẽ phát triển mạnh mẽ hay sẽ chết yểu nay mai.
Điều mà người dùng tìm kiếm ở một MXH nào đó là gì, nếu không phải là được tự do bày tỏ cái tôi, chính kiến và được tôn trọng; nhất là những nhãn quan, cái nhìn, tư duy hoàn toàn độc lập đối với vấn đề nào đó, dù lớn hay nhỏ, dù hệ trọng quốc gia hay góc bếp gia đình. Nếu đáp ứng được những thứ đó, hẳn người tiêu dùng sẽ hào hứng mà tiếp nhận. Nếu không gian ảo kia mà cũng bị giới hạn, thì tất sự tiếp nhận cũng giới hạn theo. Điều này, quay lại với tôn chỉ khi anh cung cấp, thiết lập một MXH nào đó bất kể, là hướng đến người dùng theo kiểu “quản” hay “mở”, là phục vụ cho những mưu đồ kinh tế hay chính trị nào đó cùng với phục vụ cộng đồng hay chỉ rặt mục đích phục vụ cộng đồng. Tất nhiên, sẽ chẳng ai ảo tưởng đến mức ngây thơ mà tin rằng sử dụng hàng không trả tiền mà đòi hỏi độc quyền và độ tin cậy tuyệt đối. Chẳng có bữa trưa nào là miễn phí cả.