Hơn 40 năm làm thơ, Nguyễn Tấn Sĩ đã xuất bản 3 thi phẩm: Mặt trời và cơn khát, Lời hát khẽ, Màu rêu lục bát. Dẫu bận rộn với công tác quản lý ở trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ) nhưng anh vẫn dành thời gian cho thơ, vẫn có thơ đăng trên các báo, tạp chí...
Nguyễn Tấn Sĩ trở thành nhà thơ mặc áo lính ngay sau khi thống nhất hai miền Nam - Bắc, đất nước ta lại phải tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhân ngày thành lập QĐND Việt Nam 22.12, Quảng Nam cuối tuần xin giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ.
Mộ gió
Mẹ ru cho đến bao giờ
Đồng xanh tháng bảy gió vơ vét buồn
Mơ hồ trăng ấy đã suông
Gió là hội ngộ của cuồng điên xưa
Lạy trời tháng bảy đừng mưa
những ngôi mộ vẫn đong đưa gió trời
Có người áo lính đem phơi
Còn có người nữa rong chơi chưa về
Đừng dừng tao võng chiều quê
Để con nghe được sơn khê gọi mình
Chiến trường lùi tận vô minh
Mà sao ngọn lửa chiến chinh chưa tàn
Nấm mồ, giọt lệ nghĩa trang
Vàng tro thưở ấy mênh mang chân trời
Những ngôi mộ gió không lời
Làm mây vô định giữa đời, lang thang
Thao thức trăng suông
Ba người bạn ngồi thui con cá
chiều mỉm cười trên đầu lưỡi lê
đứa bảo - cá tràu, đứa kêu - cá quả
lại có thằng cứ cá lóc gọi tên
Chiều đi qua giữa đổ nát chùa chiền
Có ba nỗi niềm riêng giờ hóa một
Ba chiếc võng thành hình tam giác
Tam giác đều hơi lửa cũng chia ba
Lửa đã tàn và chiều đã đi qua
Ngồi uống nước cả ba đều “nhớ nước”
Chẳng cần phải “đau lòng con quốc quốc”
Ba nỗi buồn đều có mẹ bên trong
Đất quê nhà ở phía mọc vầng trăng
Ở phía ngực mỗi người đang nhức nhối
Là lính trận chẳng ai cần phải dối
Sương đêm gầy trăng đọng ở vành môi
Ba dáng nằm như thể để đêm trôi
Đêm dài lắm chẳng ai buồn ngủ cả
Và như thế suốt mùa trăng mệt lả
Có ba người thao thức với đêm suông
Ở đồng dương
Sadi xưa rửa mặt chốn nào
Giờ còn lại nỗi đau hình viên gạch
Chiều nghiêng ngả lời chào chim khách
Đêm chực hờ sao bủa bủa câu kinh
Đêm chực hờ ngọn gió vô danh
Thổi qua gạch, thổi hoài tre nứa hát
Lũ đom đóm đốt đèn soi đất Phật
Đã bao khuya chờ thắp sáng cho mình
Sadi ơi thuyền bát nhã thôi đành
Trời đất rộng nghìn năm gang tấc
Có con dế đêm muộn phiền câu kệ
Ao thì vuông khổ ải nhốt sao vừa
Tôi đứng đây như một ngọn tháp thừa
Bỏ nhân thế một ngày nghe đã nhớ
Về gõ cửa thời gian mà cứ ngỡ
Ai giấu chiều trong tấm áo cà sa
Sadi ơi, những tháp đã qua đời
Còn vương vãi nỗi buồn vuông như gạch
Nghìn năm trước giữa ráng chiều đỏ quạch
Bức tranh vân cẩu vẽ xong rồi…
Thành phố bên sông
Rút ruột thời gian biết bao nhiêu lần
Mơ về một dòng sông nước không chảy xiết
Mùa mưa sưa bay vàng cả chân trời
Chưa hề đi hết được bến xưa tôi
Ngày phố lớn khúc sông quê nhỏ lại
Nỗi nhớ, trời ơi khản đặc giọng Tam Kỳ
Ai đứng đợi đầu cầu sợ người xa quê đi lạc
Chiều xanh rêu náu bóng tháp Chàm một tiếng
từ qui
Bần thần lần theo một tiếng thơ xưa
Con đường thắt đai mùa vàng Kim Đới
Khúc ca xanh nằm nghe biển gọi
Giấc mơ Trường Giang ra bể lại lên nguồn
Làm một chiếc gương soi đèn đêm phố mới
Ký ức nương cánh diều trẻ con
Chấp chới bay lên giữa trời thành phố
Mùa quê kiểng lấm láp bùn non hoa cỏ
Ngày xưa qua như một tiếng còi tàu
Như tiếng gã tha phương úp mặt vào thời gian
mà khóc
Những tầng cao
đan dệt những con đường
còn hẻm ngách nào lời rao bánh ú
vang vọng tù oa con tu hú gọi cá chuồn
sóng - gió - cát Tam Thanh còn nhớ
và tôi bắt đầu làm một kẻ biết quên
những con đường nín thở
leng keng vỏ lon, gai kẽm trói chặt trời chiều
máu chảy ngoằn nghèo trời đêm màu hỏa pháo
(lúc ấy có người ươm mầm cây xanh trong lòng
địa đạo)
Thành phố bây giờ mang nỗi nhớ Tam Thăng
Đêm Tam Kỳ nhặt một ánh trăng
Vầng trăng hẻm phố
ở đâu đó có tiếng dòng sông thở
có thành phố đang mơ khoe áo mới xuân về
Nhiều khi xuân như thế...
Đôi khi ta thấy cần xem lại
Mình phải hồn nhiên như thể xuân
Như bữa em là hoa cỏ dại
Ghim vào quần, cứ vậy, thảnh thơi đi
Không có xuân chẳng thể có điều chi
Gió sẽ thôi bay và suối nguồn quên chảy
Anh yêu em mà bao giờ được thấy
Sau làn da ấy có trái tim
Không có xuân không có kẻ đi tìm
Không người trốn cuộc chơi như chẳng có
Ai sẽ hát lại bài ca quan họ
Để mê vui quên lối ở không về
Nhiều khi xuân cũng rất nhiêu khê
Muốn được hồn nhiên phải mươi lần được khóc
Đời bị trói bằng ba nghìn sợi tóc
Giữa mịt mùng trừ tịch của em cho
Cứ mong xuân như một cuộc hẹn hò
Những vụng dại không bao giờ trở lại
Rồi hết làm con trai, rồi thôi làm con gái
Sẽ bần thần ngoảnh lại phía xuân đi
Ngày Vat Phu
Chiều biên cương ngọn gió trốn sang Lào
Nương vách núi phượng hồng Chămpasak
Đá ghè đẻo thuở phiêu bồng cõi Phật
Đá chất chồng lên đá dấu can qua
Ngày Vat Phu nắng gió và hoa
phượng cứ cháy mắt vương triều đỏ lệ
những linga nói điều không có thể
mặt trời thiêu khát vọng ở đâu rồi
Mekong hồn nhiên nghìn năm trôi
Ta, một kẻ tha phương cùng ngọn gió
bầy voi đá thét gào đêm rạn vỡ
những đoàn quân mờ ảo giữa phù vân
Ta gặp gỡ một Vat Phu phong trần
Lưng tựa núi nuôi niềm đau cát cứ
nét phù điêu bao trầm luân thế sự
Một ngày không chinh chiến Krishna buồn (*)
Bao nỗi niềm cuồng nộ một dòng Khon
về phương nam hoá dòng sông chín cửa
Champasak còn gì cho ta nữa?
Cõi vô thường ngọn gió vẫn đi theo
(*) Phù điêu sự tích
Krishnavatara (sử thi Ấn độ) khắc trên dầm đá ở Vat Phu
Thủy mạc sông Tranh
Nhà tranh ở dọc sông Tranh
Thủy mạc đất - đá và xanh của rừng
Tango khúc thác Năm tầng
Suối lưng chừng núi lưng chừng mây bay.
Cho anh cầm với đôi tay
Mắt môi của suối vết chai của rừng
Hoa gùi nở chậm trên lưng
Và con ong mật chưa từng yêu ai.
Trà Mi rất vội chiều phai
Sẽ còn ở lại mốt mai chưa về
Đêm xin đốt lửa uống thề
Vít cong trời thuở chưa hề được say.
Cầm tay cầm nữa đôi tay
Cồng chiêng thức trọn đêm này với ta
Ngọc linh nhớ núi Hòn Bà
Đêm trầm gọi quế đêm ta gọi người.
Gởi ai nguyên vẹn nụ cười
Bức tranh em giữa suối - trời - sông Tranh...
NGUYỄN TẤN SĨ