Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai với tinh thần nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo thời gian đề ra.
Chọn những người ưu tú nhất
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị hướng dẫn cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị được phân bổ, giới thiệu người người ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 về các nội dung, trình tự, tổ chức các hội nghị để giới thiệu người ra ứng cử. Theo đó, để giới thiệu người ra ứng cử, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện theo trình tự 3 bước. Thứ nhất là tổ chức hội nghị ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức về dự kiến người được giới thiệu ra ứng cử. Tiếp đến là tổ chức hội nghị cử tri cử cơ quan, tổ chức, đơn vị để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm đối với người được ban lãnh đạo dự kiến giới thiệu ứng cử. Sau đó, trên cơ sở tín nhiệm của cử tri nơi công tác, tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để quyết định giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử.
Cơ quan giúp việc của Ủy ban Bầu cử tỉnh phát tài liệu tập huấn công tác bầu cử cho đại diện Ủy ban Bầu cử các địa phương vào sáng 10.3. Ảnh: H.GIANG |
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, theo phân bổ, tại đơn vị bầu cử ĐBQH Quảng Nam, có 9 cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu 11 người ra ứng cử (chưa tính 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu) để bầu 8 ĐBQH khóa XIV. Đối với bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, có 50 cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu ít nhất 101 người ra ứng cử, để bầu 60 đại biểu HĐND tỉnh khóa IX. Qua theo dõi cho thấy, việc tổ chức giới thiệu người ra ứng cử tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các nội dung, trình tự và tiến độ theo đúng quy định Nghị quyết số 1134 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ông Hùng nói: “Đến giờ này, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã gửi biên bản các hội nghị giới thiệu người ra ứng cử về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Qua theo dõi, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ra ứng cử đã nghiêm túc lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất để giới thiệu ứng cử. Theo thời gian ấn định, chậm nhất đến 17 giờ ngày Chủ nhật 13.3 sẽ hoàn thành việc gửi biên bản các hội nghị giới thiệu người ứng cử về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng với thời gian kết thúc hạn nộp hồ sơ ứng cử và tự ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX”.
Ông Hùng cho biết thêm, sau khi tiếp nhận các biên bản này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ứng cử để chuẩn bị trình tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 18.3. Trong giai đoạn này, người tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh sẽ nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ thuộc Sở Nội vụ - cơ quan thường trực của Ủy ban Bầu cử tỉnh. Đối với trường hợp tự ứng cử, việc lấy ý kiến nhận xét của cư tri nơi công tác sẽ được thực hiện sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú theo đúng luật định với những người tự ứng cử.
Ngày 13.3 kết thúc nhận hồ sơ ứng cử
Theo ghi nhận của chúng tôi, công tác giới thiệu và lập hồ sơ người ứng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại một số địa phương trong tỉnh đã và đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc để chọn lựa ra những người xứng đáng đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Để đảm bảo việc giới thiệu người ra ứng cử đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, Ủy ban Bầu cử các cấp ở mỗi địa phương đã vào cuộc để giám sát, hướng dẫn các quy trình giới thiệu và làm hồ sơ người ứng cử.
Tại Phú Ninh, Ủy ban Bầu cử huyện cho biết những ngày qua liên tục tiếp nhận hồ sơ người được giới thiệu ứng cử gửi về. Ông Nguyễn Thanh - Trưởng phòng Nội vụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Bầu cử huyện Phú Ninh cho hay, hồ sơ gửi về Ủy ban Bầu cử huyện liên tục tăng, đến nay đã đạt gần 50% số lượng. Để đảm bảo đúng tiến độ trước 17 giờ chiều ngày 13.3 phải hoàn tất việc nộp hồ sơ, Ủy ban Bầu cử huyện, xã đã tích cực đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, khẩn trương nhắc nhở ứng cử viên hoàn tất hồ sơ. Ông Thanh nói: “Qua kiểm tra những hồ sơ đã gửi về Ủy ban Bầu cử huyện đến nay, nhìn chung đều đảm bảo quy định, ít có sai sót và đầy đủ thủ tục về sơ yếu lý lịch, đơn ứng cử, kê khai tài sản… Những trường hợp có sai sót nhỏ, Ủy ban Bầu cử đã hướng dẫn sửa chữa kịp thời”. Mặc dù vậy, qua thực tế vẫn phát sinh một số vướng mắc nhỏ. Ông Thanh chia sẻ: “Việc làm hồ sơ đối với các ứng cử viên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể ít gặp vấn đề, tuy nhiên một số trường hợp là những ứng cử viên thuộc tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thì gặp vướng mắc vì họ ngại việc kê khai tài sản dẫn đến lúng túng khi làm hồ sơ”. Được biết, Huyện Phú Ninh có 60 người được giới thiệu ứng cử để bầu 30 đại biểu HĐND cấp huyện và 574 người được giới thiệu ứng cử để bầu 289 đại biểu HĐND cấp xã, thị trấn. Toàn huyện có 11 đơn vị bầu cử cấp huyện và 85 đơn vị bầu cử cấp xã.
Tại Quế Sơn, qua hội nghị hiệp thương lần thứ nhất cũng đã thống nhất giới thiệu 60 người ứng cử để bầu 30 đại biểu HĐND cấp huyện và giới thiệu 698 người ứng cử để bầu 361đại biểu HĐND cấp xã. Ủy ban Bầu cử huyện đã ấn định 8 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND huyện và 97 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Đến nay, công tác giới thiệu người ứng cử và làm hồ sơ nộp về Ủy ban Bầu cử huyện đang diễn ra khẩn trương. Ông Võ Văn Thái - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Quế Sơn cho biết, nhờ triển khai tốt theo các văn bản hướng dẫn, cụ thể yêu cầu về thủ tục hồ sơ cũng như giải đáp kịp thời các thắc mắc nên việc làm hồ sơ của ứng cử viên diễn ra thuận lợi, chưa có phát sinh vướng mắc gì. Dự kiến, đến trước ngày 13.3 toàn bộ hồ sơ các ứng cử viên sẽ nộp về Ủy ban Bầu cử huyện đúng thời gian.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban bầu cử tỉnh nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của trung ương, của tỉnh là tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong không khí dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự trở thành ngày hội của toàn dân. Do đó, ngoài việc tăng cường đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ người ứng cử nộp về Ủy ban Bầu cử tỉnh, đối với trường hợp tự ứng cử, nếu xét thấy mình đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có nguyện vọng ứng cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND tỉnh khóa IX thì làm hồ sơ thủ tục ứng cử theo đúng quy định, đúng trình tự thủ tục và thời gian nộp hồ sơ như đã ấn định.
Tìm hiểu pháp luật về bầu cử - HỎI: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương cho người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành hội nghị? - TRẢ LỜI: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử. Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam triệu tập và chủ trì hội nghị. Thành phần triệu tập và mời dự cũng như thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương là để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Hội nghị gồm những nội dung sau: - Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; việc điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị; căn cứ vào sự thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và các biên bản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến, Ban Thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để hội nghị thỏa thuận về việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. - Bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người trong danh sách sơ bộ những người ứng cử. - Biên bản hội nghị ghi rõ thành phần, số lượng người được triệu tập, số người có mặt, diễn biến và thỏa thuận cuối cùng của hội nghị. - Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam gửi biên bản và danh sách những người ứng cử đến Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. - HỎI:Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành hội nghị? - TRẢ LỜI: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị, cơ quan triệu tập, chủ trì cũng như hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nội dung hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khoản 2 và khoản 3, Điều 44 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Biên bản hội nghị hiệp thương phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Bầu cử ở tỉnh. |
HÀN GIANG - VINH ANH