Giới thiệu sách

TAM MỸ - QUỐC HẢI 06/08/2016 06:48

Chan chứa tình quê

Thả trôi bóng mình là tập thơ thứ ba của Võ Ngột - nhà thơ ở Ninh Bình, vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành 2016. Tập thơ với âm hưởng chung là tiếng lòng người thơ đối với quê hương xứ sở, nơi tác giả sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời. Vì vậy, mỗi bài thơ được viết bằng cảm xúc chân thật, nhiều câu thơ, nhiều bài thơ không trau chuốt nhưng vẫn đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên. Nhớ đồng, Hội làng, Quê ngoại, Con về vườn mẹ trưa nay… là những bài thơ nếu không thực sự yêu quê, không gắn bó với quê thì khó có thể viết được thành thơ.

Lần giở từng trang thơ và lặng lẽ đọc trong đêm khuya vắng, tôi càng Thả trôi bóng mình bởi cảnh quê, tình quê quá đỗi thân thương. Hạt sương sắc màu thật lạ/ Treo trên ngọn cỏ/ Tinh khiết trong lành (Sương sớm). Đêm trăng cởi giấc chiêm bao/ Em thành thiếu nữ ngọt ngào dạ thưa/ Hai nhà cách một màn mưa/ Hoa cau thầm lặng đợi mùa nếp hương (Hương cau). Con đò neo bến Hoàng Long/ Nắng nhàn nhạt nắng bâng khuâng nắng vàng/ Chiều buông chút lạnh đa mang/ Sen hồ còn đọng chút hương cuối mùa (Tràng An). Phải chăng, đó là nguyên do “bỗng dưng mình ở phố” trong giấc chiêm bao, ở trong nhà “cổng hai lần khóa”, tác giả vội “thả trôi bóng mình” để về quê…

Ám ảnh “Miền thương”

Thạch Thảo là bút danh của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy yêu thơ và đến với thơ bằng niềm đam mê mãnh liệt để rồi trở thành hội viên Hội VHNT Bình Dương. Làm thơ và có thơ đăng báo từ năm 2000, đến nay Thạch Thảo đã trình làng 6 tập thơ. Trong đó, Miền thương là tập thơ mới nhất (NXB Hội Nhà văn - 2016) gồm 94 bài và 3 bài bình thơ Thạch Thảo của Diệp Kiếm Anh và Hà Văn Sỹ. Chủ đề của Miền thương là tình bạn, tình yêu và tình quê được tác giả biểu đạt bằng nhiều hình thức thơ, tạo nên sự đa dạng xúc cảm thẩm mỹ đối với người đọc. Và ám ảnh. Nhất là những bài thơ viết về tình yêu.

Miền thương có số bài thơ viết về tình yêu hơi nhiều, điều đó khiến tôi băn khoăn vì “chủ đề muôn thuở” ấy, khó mà viết cho hay, cho mới. Đọc xong tập thơ tôi mới hay rằng, mình quá lo xa! Bởi tác giả là nữ nhà thơ nên rất tinh tế trong quan sát, phát hiện và tự tin chọn hình thức thơ để biểu đạt: “Em ngoan áo lụa dịu dàng/ Lá răm con mắt thơm tràn mùa ngâu” (Lãng đãng hương thầm); “Thông thênh mộng ngõ hoa vàng/ Chiều hun hút tím bạt ngàn đồi sim/ Nỗi buồn nào nhuộm áo em/ Xa xôi quá! Giọt giọt mềm lòng đau” (Bóng lẻ). Ngôn ngữ thơ không mới nhưng tác giả biết chọn lọc khi sử dụng, vì thế nó trở nên thú vị với láy âm điệp vận: Chiều hun hút tím bạt ngàn đồi sim…

Hạ Nguyên với “Bèo không trôi ra biển”

Nhà văn Hạ Nguyên, tên đầy đủ là Phùng Thị Hạ Nguyên, sinh năm 1990, quê Thanh Hà - Hội An, hiện sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh vừa ra mắt giới thiệu tập truyện ngắn đầu tay “Bèo không trôi ra biển” do NXB Văn học ấn hành.

Đây là tập hợp những truyện ngắn mà Hạ Nguyên viết từ năm 17 tuổi đến 26 tuổi, với nhiều truyện để lại ấn tượng trong lòng người đọc như: Bèo không trôi ra biển, Chuyện kể từ ban công, Đồng hồ báo thức, Những giày vò ngày mai, Đưa tang chuồn chuồn,...

“Tôi bắt đầu viết truyện ngắn năm 17 tuổi... Ban đầu, tôi viết chỉ để thỏa mãn những mơ mộng của tuổi mới lớn, dần dần, khi có thêm nhiều trải nghiệm, những truyện ngắn tôi viết bắt đầu mang sức nặng của hiện thực mà tôi sống” - Hạ Nguyên chia sẻ.

Tập truyện ngắn “Bèo không trôi ra biển” của Hạ Nguyên được nhà thơ Ý Nhi viết lời giới thiệu và nhận định là “khiến ta khó dứt khỏi tâm trí”.

TAM MỸ - QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giới thiệu sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO