Giống keo lai cấy mô phù hợp để trồng rừng gỗ lớn

TRẦN NGUYỄN 24/11/2017 12:52

Nhiều mô hình khuyến lâm thực hiện thí điểm giống keo lai cấy mô đã cho hiệu quả bước đầu trong ứng dụng trồng rừng gỗ lớn.

Chỉ có rừng trồng gỗ lớn mới đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Ảnh: TR.NGUYỄN
Chỉ có rừng trồng gỗ lớn mới đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Ảnh: TR.NGUYỄN

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn loài cây keo lai nuôi cấy mô”, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam nhận định loài giống này sẽ cho năng suất lẫn hiệu quả kinh tế cao hơn các loại keo sản xuất truyền thống. Mô hình trình diễn tại 5 điểm, gồm 15 hộ tham gia với diện tích 35ha tại các huyện miền núi, trung du. Nguồn giống sử dụng là keo lai mô dòng BV10, BV16 và BV32 do Trại Phát triển công nghệ giống cây trồng Tam An (thuộc Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam) cung ứng. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá, cây trồng có tỷ lệ sống cao (hơn 90%), độ đồng đều của rừng tương đối cao, sinh trưởng chiều cao trung bình đạt 4,4m, đường kính gốc bình quân đạt 5cm. So sánh với rừng keo tai tượng (trồng đối chứng) trên cùng một chân đất, biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc như nhau, chiều cao trung bình của cây chỉ đạt 2,8m, đường kính gốc bình quân đạt 3cm. Như vậy keo lai cấy mô phát triển mạnh hơn nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, tuy mô hình mới đang ở trong thời kỳ thiết kế cơ bản nhưng chuyển biến lớn nhất là thay đổi suy nghĩ, thói quen canh tác lạc hậu của đồng bào miền núi như trồng rừng với mật độ cao, không thực hiện chăm sóc rừng, khai thác rừng non…

Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn có chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc. Ưu thế khác, nhu cầu gỗ lớn cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước ngày càng gia tăng nên càng tạo điều kiện, môi trường cho các mô hình trồng rừng gỗ lớn phát triển. Các chuyên gia khuyến cáo, khi trồng rừng gỗ lớn với mật độ hơn 1.000 cây/ha thì không trồng xen kẽ các loại cây khác. Khoảng mấy năm sau, khi tỉa thưa cây ở mật độ 500 - 600 cây/ha mới có thể trồng xen kẽ ba kích, quế và một số cây bản địa khác. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, giải pháp mang tính đột phá là phải thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn, kèm theo đó là chính sách “cởi trói” của Nhà nước, liên kết hợp tác 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Thời điểm này, diện tích rừng trồng gỗ lớn toàn tỉnh gần 2.800ha. Trong đó dự án trồng rừng KFW6 là 594ha; dự án WB3 hơn 719ha; Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam 1.476ha. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh chỉ có hơn 1.800ha được Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế công nhận đạt chứng chỉ trồng rừng quốc tế - FSC.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giống keo lai cấy mô phù hợp để trồng rừng gỗ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO