Giống lúa nếp than - đặc sản của xã Dang nói riêng, huyện Tây Giang nói chung cần được bảo tồn, phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp người vùng cao thoát nghèo.
Theo người dân xã Dang, giống lúa nếp than ở vùng là giống lúa bản địa, thuộc dòng lúa hạt đen, dẻo, thơm ngon, giàu dinh dưỡng, có chứa nhiều hoạt chất kháng oxy hóa cao, có tác dụng trong điều trị bệnh. Lúa nếp than chủ yếu được trồng trên nương rẫy, một ít diện tích trồng tại các ruộng lúa nước, chủ yếu dựa vào tự nhiên, trình độ canh tác, thâm canh còn lạc hậu nên năng suất còn thấp. Diện tích được trồng chủ yếu ở xã Dang, còn rải rác, manh mún, khó tạo thành sản phẩm hàng hóa. Trước nguy cơ giảm sút nghiêm trọng về diện tích, nhằm bảo tồn nguồn gen quý, huyện Tây Giang phối hợp với Sở KH-CN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Nếp than Tây Giang” theo Luật Sở hữu trí tuệ. Phía Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Dang triển khai đề tài “Xây dựng mô hình trồng nếp than ở ruộng nước tại xã Dang (Tây Giang) trong năm 2017, nhằm ứng dụng kỹ thuật nhân giống nếp than, hướng dẫn người dân canh tác giống nếp trên ruộng lúa nước tạo vùng sản xuất hàng hóa...
Mô hình trồng nếp than ở ruộng nước tại xã Dang (Tây Giang) triển khai trên tổng diện tích 2.500m2, tại thôn A Đâu, thu hút 5 hộ dân tham gia. Người dân tham gia được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh cây lúa nếp than, kỹ thuật ngâm ủ giống, gieo mạ, cấy mạ, làm cỏ, sục bùn; điều tiết nước, làm cỏ, chăm sóc và thu hoạch, kỹ thuật phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh tại đồng ruộng, được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón… Tuy nhiên, mô hình triển khai gặp nhiều khó khăn do phần lớn các hộ tham gia mô hình vốn chưa quen với một số yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong sản xuất: làm đất, lên luống, chế độ tưới tiêu; bà con nông dân vẫn còn nặng phương thức canh tác truyền thống (chọc tỉa, ngại sử dụng phân bón); giai đoạn lúa trổ gặp mưa lớn, gây ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng...
Theo ông Ngô Văn Luận - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tây Giang, về kỹ thuật trồng cây nếp than, trước hết là khâu làm đất, ruộng cấy, sạ phải yêu cầu cày bừa thật nhuyễn, làm sạch cỏ dại, lên luống, mặt luống rộng 1 - 1,2cm, cao 20 - 25cm, rãnh rộng 25 - 30cm. Cấy lúa đúng theo tiêu chuẩn tuổi của mạ sau 12 - 15 ngày tuổi (từ 3 - 4 lá thật), khi nhổ mạ không làm tổn thương cây như: gãy dập thân, lá, làm đứt bộ rễ dẫn đến đình sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Người dân cần có sự thâm canh, bón phân chuồng, lân, NPK, u rê, kali theo đúng hướng dẫn của kỹ thuật. Mô hình từng bước giúp người dân làm chủ, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô, tạo sinh kế bền vững. Đề tài cũng là cơ sở khoa học để người dân trong huyện, vùng lân cận, doanh nghiệp tiếp nhận nhân rộng hình thành vùng chuyên canh giống lúa nếp than. Diện tích nếp than xã Dang chừng 40 - 50ha, phân tán ở các thôn.
Ông Bríu Cành - Bí thư Chi bộ thôn Z’lao, xã Dang cho biết, giống lúa nếp than hiện có nhiều ở Z’lao và các thôn lân cận như Alua, A Đâu... Thời vụ gieo trồng bắt đầu từ tháng 5 và thu hoạch vào 11 dương lịch hằng năm. Song, đến nay không nhiều hộ trồng hoặc chỉ trồng để sử dụng trong gia đình. “Người dân ngại trồng nhiều vì không biết bán cho ai, trong khi thực tế hiện nay là muốn mua nhiều cũng không có. Vì vậy, cần phải tạo vùng sản xuất hàng hóa, có liên kết bao tiêu sản phẩm thì người dân mới yên tâm sản xuất” - ông Bríu Cành nói.
HOÀNG LIÊN