(QNO) - Trải qua mấy trăm năm, ở TP.Hồ Chí Minh đã hình thành nên 4 khu vực tập trung đông người Quảng. Đó là khu vực Bảy Hiền (quận Tân Bình), khu vực Xóm Củi (quận 8); khu vực xã Tam Bình (quận Thủ Đức) và khu vực phường 11 (quận Gò Vấp). Đến nay, số lượng người Quảng ở Sài Gòn ngày càng gia tăng, phân bố sinh sống xen kẽ trong các khu dân cư ở khắp các quận huyện trong thành phố. Nhiều thế hệ hậu duệ của những người con xứ Quảng được sinh ra và lớn lên trên vùng đất mới và trở thành “dân Sài Gòn” chính hiệu. Nhiều người Quảng rời quê hương, thuê hoặc mua nhà ở hẳn, nhập hộ khẩu thành phố hoặc kết hôn với dân tứ xứ tạo nên một lớp người mới và họ cũng là dân “Sài Gòn” hay người ở “Sài Gòn”.
Dù ở đâu, làm gì, hễ nơi nào có người nguyên quán xứ Quảng, thì chúng ta cũng có thể nhận ra họ không chỉ bởi những nét văn hóa đặc thù trong sinh hoạt hằng ngày qua các khu ẩm thực, nghi thức tín ngưỡng thờ cúng, mà phổ biến và thường nghe nhất là giọng nói mộc mạc, chân tình, thậm chí những lời càu nhàu, cãi cọ, gắt gỏng,… cũng rất Quảng Nam.
Giọng điệu ngôn ngữ Quảng Nam rất đặc biệt không giống với một giọng điệu của vùng nào. Đối với nhiều người lớn tuổi thuộc thế hệ 5x, 6x thì vẫn giữ được chất giọng rất “Quảng”, nhưng đến thế hệ 7x trở đi thì nhiều người không còn giữ được chất giọng Quảng mà pha nhiều thứ ngôn ngữ khác bởi quá trình giao lưu, tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ ở các vùng miền khác nhau trong cả nước. Dù vậy, nhưng giọng Quảng rất khó phai trong ký ức mỗi người xa quê, mỗi khi bắt gặp ai đó trên đường, dùng những từ ngữ như “mô, tê”, “ri”, “rứa”, “ni, nớ”, “mi, tau” với giọng nói thuộc về phương ngữ Nam, thì ắt hẳn đó là người Quảng (người Huế cũng dùng các từ “mô, tê”, “ri”, “rứa”, “ni, nớ”, “mi, tau”… nhưng giọng nói, âm điệu khác hẳn). Những âm điệu thân yêu đó, cho dù đã nghe thân quen đến mức như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Mỗi lúc gặp ai đó, nghe giọng nói là nhận ra ngay “đồng hương”, lân la hỏi liền: “Anh chị ở Quảng Nam phải không?”. Nghe câu trả lời; “Dạ, tôi ở Đại Lộc” (hay Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng…”), là thấy vui, gần gũi và thân thiết.
Cách phát âm người Quảng nghe hơi lạ, dù không chuẩn như giọng Hà Nội, nhưng viết thì chẳng mấy khi sai như lúc phát âm. Nhiều người bạn nước ngoài học tiếng Việt ngạc nhiên hỏi: “Sao người Quảng nói thì khác mà hát thì phát âm chuẩn, nghe giống như giọng Hà Nội thế?”. Nghe họ nói như: “Mi đi mô rứa?” (Mày đi đâu vậy?), “Mi lồm chi kỳ lọa rứa?” (Mày làm gì kỳ vậy?), “Reng rứa hè?” (Sao vậy?), “Lồm ăn chẳng ra reng, tiền bạc bí rị” (Làm ăn chẳng ra gì, tiền bạc khó khăn), “Thằng nớ chớ khó lắm, hén núa mà hồm reng hắn khít rịt” (Thằng đó nó coi bộ khó lắm, nó nói mà hàm răng khít rịt), “Ớn quá, mi lồm chi chi mô!” (Ngán quá, mày làm gì gì đâu!), “Đù đù” (Ngu dốt)…
Phương ngữ và giọng Quảng thật dân dã, bình dị và rất gần gũi, với những người xa quê, gặp nhau giữa Sài Gòn, ngồi lại bên nhau và nói bằng chính giọng xứ Quảng mà sao lại cảm thấy buồn cười nhưng cũng vui tai quá đỗi! Chúng tôi thường hay chế giễu nhau bằng cái giọng pha tạp nửa quê, nửa phố do cách phát âm không chính xác như: “cái chắn” (cái chén), “trái chưới” (trái chuối), “boa ngàn đồng” (ba ngàn đồng)… hoặc nhại lại giọng quê mình mà nghe nặng trĩu, ngô nghê đến lạ!
Điều lạ là sau chừng ấy năm, tư chất người Quảng vẫn không bị hòa lẫn. Bởi vì, người Quảng họ quen với ngôn ngữ địa phương, nơi họ sinh sống lâu năm. Họ cảm thấy giọng nói gần gũi, thân quen rồi. Điều này không chỉ gặp ở người Quảng Nam mà ta có thể quan sát thấy ở các vùng miền khác (đặc biệt là khu vực miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…). Các thế hệ 5x, 6x vẫn còn giữ được chất giọng đặc sệt xứ mình, những thế hệ 7-8-9x thì pha tiếng nhiều, thậm chí không còn nhận ra chất giọng để biết họ là người vùng nào. Có những người lớn tuổi hay trẻ tuổi đã nói giọng Sài Gòn nhưng khi gặp đồng hương hay nói chuyện điện thoại với gia đình, họ lại quay trở lại với giọng nói quê gốc. Như vậy cho thấy, giọng nói, âm điệu phương ngữ đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người. Có muốn thay đổi cũng phải tập luyện và phải trải qua một thời gian lâu dài.
Hơn nữa, khu Bảy Hiền tập trung đông người Quảng, có cả khu chợ Bà Hoa, nhiều khu ẩm thực xứ Quảng như mì quảng, bún chả cá, bánh bèo, bánh đập… Nhờ sống gần gũi, tương trợ nhau trong nghề nghiệp và cuộc sống, có cơ hội hàng ngày tiếp xúc với nhau nên cộng đồng người Quảng vẫn duy trì được giọng nói, cách sinh hoạt đời thường và các hoạt động văn hóa khác.
NGUYỄN THỊ HOÀI HƯƠNG