Đứa bạn hồi cấp ba gọi điện, nói được mấy câu, hắn bảo răng giọng mi bữa ni lạ quá, không nhận ra nữa. Ta hơi tự ái: “Ừ thì, giọng ta lạ, mà cái chi của ta hồi ni cũng lạ lắm”.
Hồi nhỏ mỗi năm được mẹ cho đi Đà Nẵng một lần chơi, ở nhà dì, thường vào dịp hè. Mấy anh chị con dì cứ cười ngặt cười nghẽo vì cái giọng quê của ta. Lúc đó trẻ con đâu biết vì sao mấy anh chị cười, cũng nhăn hàm răng sún cười theo. Được dắt đi chơi, mấy người hàng xóm hỏi gì, dì cũng phải “phiên dịch” lại câu trả lời của ta họ mới hiểu, vì xóm dì toàn người Huế. Dượng cũng là người Huế, cứ đem câu “phàng chá, chữa chá” (phòng cháy, chữa cháy) ra để trêu giọng quê ta, mà dù dượng có cố gắng thế nào, ta thấy vẫn không thể giống được, chỉ nghe lơ lớ và ngồ ngộ làm sao.
Ngày đầu tiên nhập học đại học, người bạn mới quen hỏi tên, ta trả lời. Bạn thắc mắc: “Tên gì lạ quá, sao lại có người tên Troang nhỉ?”, ta phải viết ra giấy bạn mới biết tên ta là Trang. Thế mà chỉ ba tháng sau, ta đã là một người có giọng nói khác hẳn, không đặc thù của vùng nào, nhưng rất chuẩn. Ta có thể tự tin để nói chuyện với người khác mà không sợ họ “nghe thì nghe rõ lắm, nhưng không hiểu gì hết” như trước nữa. Rồi ta dùng giọng đó đi dạy kèm, đọc tham luận trước hội nghị khoa, rồi nhỏ to cùng bạn khác tỉnh. Chỉ khi nào hội bạn Quảng Nam ngồi lại với nhau, nói cười rôm rả, thì những người bạn khác tỉnh chỉ biết nhìn nhau lắc đầu: “Chịu thôi, chúng nó nói tiếng Phạn tụi bay ơi”.
Ra trường. Hội bạn Quảng Nam cũng tan đàn xẻ nghé, mỗi đứa mỗi nơi, rải từ Vĩnh Phúc đến Bình Dương. Ta về Đà Nẵng, dạy học trò thành phố, nói chuyện với đồng nghiệp thành phố, phụ huynh thành phố, hàng xóm thành phố, chẳng còn có dịp dùng đến giọng quê ta. Nhiều lúc thèm nói giọng quê quá, ta gọi về nhà nói một hơi một tràng, mẹ hỏi: “có chuyện chi rứa, con?”. Nghe giọng mẹ, ta như được ngồi bên nồi khoai luộc khói bay nghi ngút giữa buổi chiều đông, vừa thổi phù phù vừa đưa mấy ngón tay vò vò dáy tai cho đỡ nóng; như được cùng cô Chín, thím Ba, thằng Thành, con Mai cầm đôi đũa ngồi quanh cái nia gắp múi mít ướt chấm muối ớt rồi há miệng thật to, vừa lừa nhả hột vừa: “chu choa là đã”; như đang cào lúa giữa trưa trên sân gạch, thấy gà là: “hụi hụi hụi hụi hụi” rồi quăng cục đá hay chiếc dép để mấy con gà kêu quang quác, rách cả trưa…
Giọng quê ta là vậy đó, chẳng chút bóng bẩy, mượt mà. Nó thô mộc như chính con người quê suốt một đời cần mẫn với ruộng đồng, vườn tược. Và phải chăng chính vì sự thô mộc ấy mà giọng Quảng có một sức biểu cảm rất cao, không du dương, ngọt ngào nhưng sảng khoái, tràn đầy. Và bạn ơi, ta muốn nói với mi rằng giọng ta lạ vì ta thấy số lạ nên không biết là mi gọi, ta cứ tưởng một người - thành - phố nào đó, nên ta phải nói bằng giọng phố. Mà mi dùng số mô lạ ri, mới đổi số hả? Chừ mi ưa ta nói cái chi, ta nói cho mà nghe, giọng Quảng đặc sệt luôn, cho mi biết là cái khí chất Quảng Nam không dễ gì mất đi đâu, với bất cứ người Quảng nào. Mất tiếng là mất gốc đó, mi ơi!
“Ừ, ta biết rồi, ta cũng thèm nói giọng quê quá nên gọi cho mi đây…”.
TRANG THỤC