Giữ an toàn đường thủy

CÔNG TÚ 19/06/2018 12:52

Quyết định tiếp tục duy trì tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh là một trong những biện pháp nhằm lập lại trật tự, siết chặt hoạt động để đảm bảo an toàn sông nước.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại bến Cửa Đại. Ảnh: C.T
Lực lượng chức năng kiểm tra tại bến Cửa Đại. Ảnh: C.T

Nhiều vấn đề nổi cộm

Năm 2017, công tác phối hợp hoạt động kiểm tra liên ngành đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa được triển khai thành 3 đợt để tuyên truyền pháp luật về bình yên sông nước, tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm. Địa bàn thực hiện là thị xã Điện Bàn, TP.Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên và các hồ chứa. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Trương Khuê thông tin, qua kiểm tra 150 lượt phương tiện chở cát, sỏi, tổ liên ngành phát hiện có 4 ghe không làm đăng ký, còn đăng kiểm thì đã hết hạn; 53 phương tiện chở quá tải, quá vạch mớm nước an toàn. Chủ của một phương tiện đã cố tình sơn kẻ số đăng ký hành chính mà Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã cấp cho phương tiện khác để hoạt động (biển đăng ký giả). Cạnh đó, 9 phương tiện khi đóng xong đưa vào hoạt động mà chưa đăng ký, đăng kiểm lần đầu. Kiểm tra 47 lượt phương tiện vận chuyển khách, ca nô cao tốc thì có 2 phương tiện hết hiệu lực về đăng kiểm. Cũng theo ông Trương Khuê, trong 223 người cầm lái được kiểm tra, có 15 trường hợp không sở hữu bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Tổ công tác liên ngành còn kiểm tra 22 bến khách ngang sông; 21 bến, bãi tập kết cát, sỏi; 6 cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu thuyền.

Cơ quan thường trực tổ kiểm tra liên ngành năm nay là PC67. Các lực lượng phối hợp bao gồm: PC67, Đoạn Quản lý đường TNĐ Quảng Nam, Thanh tra Sở GTVT, Văn phòng Ban ATGT tỉnh. Tổ liên ngành sẽ tiến hành biện pháp nghiệp vụ 2 đợt; đợt 1 từ ngày 21.6 đến hết ngày 6.7, đợt 2 từ ngày 27.8 đến hết ngày 16.9. Ngoài ra, các lực lượng phối hợp còn được yêu cầu kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường TNĐ; điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện, nhất là phương tiện chở khách, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu hoạt động từ bờ ra đảo, giữa các đảo. Phối hợp, rà soát, đánh giá xác định các vị trí nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy để tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa.

Qua tiến hành biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng bao gồm Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam (thời điểm chưa cổ phần hóa), Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh (PC67), Thanh tra Sở GTVT, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam, Văn phòng Ban ATGT tỉnh phát hiện 6 giấy phép hoạt động bến khách ngang sông hết hiệu lực, 2 bến khác không có giấy phép. Kiểm tra 21 bến, bãi tập kết cát, sỏi, đa số đều không có giấy phép. Tại 6 cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu thuyền, tổ liên ngành “tuýt còi” 2 cơ sở không được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định hiện hành mà vẫn hoạt động. Tại hồ chứa nước Khe Tân (địa bàn Đại Lộc), kiểm tra 7 lượt phương tiện đều không có đăng ký, đăng kiểm. Với những trường hợp vi phạm, người thực thi công vụ tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính với 91 triệu đồng. Cùng với đó, tổ còn đăng kiểm tại chỗ cho 11 phương tiện hết hạn, chuyển vùng đăng ký, đăng kiểm cho 5 phương tiện khác.

Tiếp tục siết chặt

Để tiếp tục siết chặt hoạt động đường thủy nội địa, hướng đến mục tiêu vì bình yên sông nước, giữa tháng 6.2018, Ban ATGT tỉnh quyết định tiếp tục duy trì tổ kiểm tra liên ngành. “Chúng tôi huy động lực lượng liên ngành phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó tập trung giải quyết vấn đề nổi cộm, phức tạp; đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trên các tuyến đường thủy nội địa. Kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định cho người dân, nhất là những người kinh doanh và tham gia giao thông đường thủy nội địa. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành tổng điều tra số lượng phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải thủy” - Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết lý do.

Trọng tâm nhiệm vụ mà tổ liên ngành thực hiện là tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa. Theo Phó Trưởng phòng PC67 - Thượng tá Lê Đình Xê, lực lượng chức năng sẽ lồng ghép, đưa những dẫn chứng cụ thể qua quá trình tuần tra, kiểm soát để người dân dễ hiểu, nhìn nhận hậu quả nếu không tuân thủ quy tắc an toàn khi tham gia giao thông trên sông nước. Đặc biệt, vấn đề an toàn đường thủy nội địa tại bến Cửa Đại - Cù Lao Chàm phải đảm bảo tuyệt đối, vì khu vực này có rất nhều du khách, nhất người nước ngoài. Theo lãnh đạo Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát tại bến khách Thanh Hà (vào làng gốm Thanh Hà, TP.Hội An), bởi hoạt động đón - đưa khách nơi đây diễn ra bát nháo, rất dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Ông Lê Văn Sinh yêu cầu tổ liên ngành cần phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với những vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Theo đó, các lực lượng phải tập trung vào các chuyên đề như: các vi phạm về hoạt động của bến thủy nội địa; vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm và an toàn kỹ thuật của phương tiện; vi phạm quy định về bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái; vi phạm về chở hàng quá mớn nước, quá số khách quy định đối với phương tiện thủy nội địa… Đặc biệt, tổ kiểm tra liên ngành đề nghị các địa phương trước ngày 1.7 phải xóa xong bến, bãi tập kết cát, sỏi vi phạm pháp luật, góp phần chấn chỉnh, đảm bảo an toàn sông nước.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ an toàn đường thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO