Từ sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an và các tổ tự quản về an ninh trật tự (ANTT) ở vùng giáp ranh, tại nhiều địa phương, ANTT cơ bản được giữ vững.
Từ quy chế phối hợp
Tại vùng giáp ranh các xã Cẩm Thanh (Hội An), Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), khi cầu Cửa Đại hoàn thành, đường giao thông nối liền Hội An qua địa bàn các xã Duy Hải, Duy Nghĩa và các địa phương khác được thông suốt, lượng người và phương tiện lưu thông qua khu vực này ngày càng nhiều. Lợi dụng địa bàn hở, một số thanh niên đã tổ chức đua xe, vượt ẩu, gây tâm lý bất an trong nhân dân và du khách. Để lập lại ANTT, tạo môi trường du lịch trong lành, đại diện cấp ủy, chính quyền 3 xã Cẩm Thanh và Duy Hải, Duy Nghĩa đã tổ chức họp, thống nhất chủ trương thiết lập quy chế phối hợp tạo điều kiện cho lực lượng công an các xã làm tốt công tác quản lý, kiểm soát địa bàn. Kể từ khi ký kết quy chế phối hợp, lực lượng công an các xã phối hợp trao đổi, xác minh thông tin, phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT.
Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa lực lượng công an 3 xã Cẩm Thanh, Duy Hải, Duy Nghĩa. Ảnh: LÊ HIỀN |
Vùng giáp ranh 2 xã Đại Hiệp (Đại Lộc) và Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng) nổi cộm là địa bàn phức tạp về ANTT. Xã Đại Hiệp với 2 thôn Đông Phú, Phú Hải và xã Hòa Khương với thôn Phú Sơn Nam tiếp giáp nhau bởi đồi núi, có nghĩa địa rộng hàng chục héc ta, có những tuyến đường dẫn ra đồng trống nên các đối tượng hình sự thường hay lợi dụng địa bàn này để lẩn tránh, ẩn nấp. Khu nghĩa địa Miếu Vàng - Gò Cao cũng từng xảy ra nạn “xin đểu”. Trước tệ nạn trên, lực lượng công an hai địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nạn “xin đểu” gần như đã được triệt xóa. Hay từ sự phối hợp của lực lượng công an và nhân dân, một số vụ cắt trộm cáp viễn thông tại vùng giáp ranh Đại Hiệp - Hòa Khương từng bị phát giác, đối tượng bị bắt và xử lý. Đại úy Phạm Ngọc Hùng - Trưởng Công an xã Đại Hiệp cho hay, sau nhiều năm triển khai công tác phối hợp, ANTT vùng giáp ranh giữa 2 địa phương Đại Hiệp - Hòa Khương cơ bản được giữ vững. Mỗi năm, Công an xã Đại Hiệp và Hòa Khương đều giao ban về tình hình, sơ kết, tổng kết công tác phối hợp, triển khai rút kinh nghiệm. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ tự quản ANTT của 2 xã giáp ranh, việc kiểm soát, quản lý vùng giáp ranh có phần thuận lợi hơn trước.
Phường Điện Dương (Điện Bàn) với diện tích rộng 1.563ha, có hơn 4.000 hộ dân sinh sống cũng là một địa bàn trọng điểm về ANTT. Trung tá Hà Phước Dũng - Trưởng Công an phường Điện Dương cho hay, do đây là vùng tiếp giáp với những vùng trọng điểm kinh tế, khu công nghiệp; sự xuất hiện nhiều dự án du lịch sinh thái và biệt thự ven sông, ven biển trên địa bàn; có tuyến đường ven biển 603A nối từ Hòa Vang - Điện Dương - Hội An - Quảng Ngãi. Tội phạm tù đặc xá về nhiều, án treo từ các nơi dạt về đây dễ dàng câu móc với các đối tượng hình sự trên địa bàn. Kinh tế phát triển, lượng người đến giao lưu, làm ăn trên địa bàn đông đúc, kéo theo đó là tình hình phức tạp về ANTT. “Để kiểm soát địa bàn, công an phường đã ký kết quy chế phối hợp giữ vững ANTT vùng giáp ranh với Đồn Biên phòng Cửa Đại (Hội An), Đồn Biên phòng Non Nước, Đồn biên phòng phường Hòa Hải (Đà Nẵng), Công an phường Điện Ngọc (Điện Bàn). Mỗi tháng, các đơn vị phối hợp tuần tra 4 đêm, tổ chức giao ban định kỳ, phối hợp điều tra, xác minh thông tin” - Trung tá Dũng nói.
Đến mô hình tự quản
Cũng từ sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức mặt trận - đoàn thể, nhiều mô hình tự quản về ANTT đã ra đời và phát huy hiệu quả ở những vùng giáp ranh. Ví như, mô hình tự quản “3 trong 1” ở thôn Đông Phú là điển hình (kết hợp cả mô hình tự quản về ANTT, tiếng kẻng, tiếng mỏ an ninh). Bà Nguyễn Thị Điền - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Hiệp cho biết: “Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Hiệp sẽ phối hợp với các hội, đoàn thể 3 thôn giáp ranh giữa Đại Hiệp - Hòa Khương, sẽ là lực lượng nòng cốt trong phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTT”. Đồng thời làm tốt công tác tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng công an cơ sở xây dựng tốt thế trận an ninh nhân dân, tiếp tục xây dựng vùng giáp ranh an toàn - đoàn kết, không để xảy ra “điểm nóng” mất ANTT. “Các tổ tự quản ANTT ở vùng giáp ranh sẵn sàng phối hợp tuần tra khi có động, cũng như sẵn sàng phối hợp với lực lượng chính quy tuần tra, kiểm soát địa bàn, nỗ lực đó rất đáng ghi nhận” - Trưởng Công an xã Đại Hiệp Phạm Ngọc Hùng nói.
Tại phường Điện Dương, lực lượng công an phường đã phối hợp với chính quyền phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “2 giữ” (giữ người và giữ tài sản) trong nhân dân, thông qua các đợt tập huấn, phát tờ rơi đến từng hộ. Tại 10 khu dân cư, 10 tổ tự quản về ANTT đã ra đời. Các tổ được giao việc cụ thể, giúp công an phường tổ chức hòa giải, giải quyết một số vụ việc ban đầu, riêng những vụ việc lớn sẽ báo cáo cho công an phường xử lý. Ra đời từ năm 2012, mô hình “Tiếng kẻng - hàng rào an ninh” ở khối phố Tân Khai là điểm sáng về mô hình tự quản ANTT ở Điện Dương, được biểu dương tại hội nghị sơ kết 4 năm khu dân cư điển hình ở tỉnh. Với mô hình này, khi có trộm cắp xảy ra, người dân đánh kẻng báo động, các cổng barie - “cửa ngõ” giao thông được đóng lại, tổ tự quản cùng với người dân vây bắt đối tượng...
BÍCH LIÊN