Quá nhiều thách thức đặt ra với các tiêu chí “mềm” để nông thôn mới thực sự trở thành chương trình phát triển bền vững. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cùng lúc nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần cho người dân vùng nông thôn là điều được đặt ra.
Từ văn hóa truyền thống
Thống kê từ Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL), hiện Quảng Nam có 441 di tích được xếp hạng, trong đó có 342 di tích được xếp hạng các cấp nằm ở địa bàn nông thôn.
Đại diện Phòng Quản lý văn hóa cho biết, trong số các di tích này, có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 40 di tích quốc gia và 299 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích trong đó gắn với các thiết chế văn hóa của cộng đồng như đình làng, nhà thờ tiền hiền của làng và được xem như biểu tượng văn hóa làng xã của vùng đất Quảng Nam.
Cơ sở vật chất văn hóa là một trong những tiêu chí quan trọng để xét công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Cụ thể: nhà văn hóa và khu thể thao xã phải đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL, tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định phải 100%. Chính quy định này đẩy các công trình di tích lịch sử, văn hóa tại nông thôn không nằm trong tiêu chí bắt buộc phải thực hiện, trong đó có hệ thống đình làng.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ Phòng Quản lý văn hóa, hệ thống đình làng lại là nơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng gắn với đời sống xã hội như một dạng thiết chế văn hóa đa chức năng ở làng xã.
Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng như nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa dân gian, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đất và người địa phương, là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và điều chỉnh các hành vi ứng xử trong cộng đồng.
Chính vì những chức năng như vậy, công cuộc xây dựng nông thôn mới đòi hỏi cần thiết phải bảo tồn và phát huy các thiết chế mang tính cộng đồng như đình làng.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng phòng Văn hóa huyện Phước Sơn cho rằng, ở miền núi, việc phục dựng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là điều sống còn trong hành trình phát triển bền vững của nông thôn mới nói chung và miền núi nói riêng.
“Tại Phước Sơn, người Bh’nong với nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào sinh sống trên dãy Trường Sơn. Tuy nhiên, do quá trình du nhập của các trào lưu văn hóa trong nước cũng như thế giới, sự tác động của khoa học công nghệ và mặt trái của cơ chế thị trường nên một số nét văn hóa đã bị mai một” - ông Nguyễn Thế Thọ nói.
Hiện tại, giống như các địa phương khác đang gặp phải, tình trạng các nhà làng của người Bh’nong cũng như của đồng bào các dân tộc miền núi tại Quảng Nam đang phải bê tông hóa do quy định người dân không được khai thác gỗ.
Cùng với đó, ông Nguyễn Thế Thọ cho rằng, lâu nay riêng tại Quảng Nam, các huyện miền núi vẫn chờ đợi đề án bảo tồn văn hóa miền núi được triển khai, tuy nhiên, đề án này đã nhiều lần bị bác bỏ.
Môi trường văn hóa
Khó khăn về nguồn vốn đầu tư kể cả ở văn hóa vật thể lẫn công cuộc bảo tồn phi vật thể buộc các địa phương gần như chỉ làm cầm chừng. Thậm chí, theo lời nhiều cán bộ văn hóa, đôi lúc việc bảo tồn là làm theo cảm hứng.
“Hiện nay, người am hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc ngày càng mất đi, do vậy, cần thường xuyên tổ chức hội thảo về bảo tồn, các kiểm kê để phần nào giữ lại vốn quý của người miền núi” - ông Nguyễn Thế Thọ nói.
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020, Quảng Nam đã triển khai và hướng dẫn các địa phương thực hiện thành công 2 tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí văn hóa. Các thiết chế văn hóa được hoàn thiện từ trung tâm văn hóa thể thao xã, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi...
Bên cạnh đó, việc thực hiện các tiêu chí văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tiêu chí số 6 và 16, nhiều địa phương phải đối diện với nhiều khó khăn. Từ quy mô diện tích cơ sở vật chất không đảm bảo, đội ngũ cán bộ lúng túng trong việc xây dựng phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cho đến tình trạng mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, ô nhiễm tiếng ồn ở nông thôn ngày càng phổ biến” - ông Tào Viết Hải nói.
Nhận diện khó khăn để đề ra giải pháp thích hợp và dài hơi cho quá trình xây dựng nông thôn mới là điều mà ngành văn hóa cần khảo sát, đánh giá kỹ càng. Đầu tiên, phải giữ bằng được những di sản, linh hồn của làng quê. Làm sao để bộ mặt nông thôn mới hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, giữ được hồn cốt của làng quê trong không gian sống và không gian văn hóa của vùng nông thôn xứ Quảng là điều không dễ.