Trẻ em nơi đảo nghèo Hòn Chuối (tổ 1, khu vực 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) sẽ thiếu học nếu không có sự tận tình, lòng yêu thương con trẻ của những chiến sĩ biên phòng.
|
1. Đảo Hòn Chuối chỉ vỏn vẹn 54 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống, cách đất liền gần 20 hải lý. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến đây là hình ảnh những căn nhà nằm chơ vơ nơi đảo vắng. Những căn nhà lụp xụp, tạm bợ như chòi canh, lưng bám vào núi, mặt hướng ra biển cả. Trong màu xanh như bất tận của rừng, của biển vây lấy những căn nhà, vọng ra tiếng ê a học bài của trẻ nhỏ. Hỏi ra thì được biết, em Ngô Vĩnh Kỳ, con của chị Trần Thị Thạnh, tự học bài ở nhà vì ốm, không leo nổi 300 bậc thang để đến lớp học nơi đỉnh đồi cách mặt nước biển gần 300m. Chị Thạnh bảo, gia đình chị cũng như người dân ở đây nghèo lắm, không làm sao dành dụm đủ để có thể đưa con vào đất liền theo học, khỏi phải thiệt thòi với bạn bè cùng lứa mà sau này còn có vốn liếng để có nghề nghiệp hẳn hoi, sống đàng hoàng hơn chị. Người dân định cư ở đảo Hòn Chuối, cứ mỗi sớm ra là quay quắt trong đầu câu hỏi quen thuộc, hôm nay đi biển không biết có đánh lưới được gì không. Sinh tồn đã quá khó khăn rồi, họ không đi xa hơn được trời biển nơi đảo, niềm trăn trở cho con ăn học nên người vì thế mà cứ xa xôi. Suốt cả câu chuyện, người đàn bà đứng tuổi kể về điều kiện sống khắt nghiệt với người dân địa phương, không điện, đài, trường, trạm, nhìn đâu cũng thấy vất vả rồi tóm gọn bằng câu nói chân chất: May mà trên đảo còn có lớp học tình thương.
Phóng viên báo đài trung ương và địa phương trên hành trình thăm, chúc tết các đảo ở vùng biển tây nam Tổ quốc. Ảnh: Q.VIỆT |
Chúng tôi leo 300 bậc thang dốc đứng lên đỉnh đồi nơi có lớp học trên đảo Hòn Chuối nghe xây xẩm, vậy mà Ngô Vĩnh Kỳ cùng các bạn đồng lứa vẫn ngày ngày miệt mài đến lớp nếu không bị ốm đau, kể cũng trân quý niềm ham học của các em. Lớp học tình thương trong lời kể của chị Thạnh hiện ra trước mắt chúng tôi là căn nhà ọp ẹp rộng chừng 50m2. Lớp học có đến 4 tấm bảng đen, bàn ghế cũ kỹ. Thượng úy Trần Bình Phục, thầy giáo đứng lớp là cán bộ của Đồn Biên phòng Hòn Chuối, người cao lớn nhưng dáng vẻ thanh thoát, giọng nói ồm ồm mang âm hưởng của gió rừng và sóng biển. Đặc biệt là đôi tay, mềm mại như bàn tay phụ nữ, thanh thoát nắm lấy tay các em nhỏ, chỉ bày tập viết hay làm phép toán. Lớp học có cả thảy 21 học sinh, chia thành 5 nhóm lớp, từ 1 đến 5 nên thầy giáo Phục phải luôn loay hoay, trở người liên tục từ tấm bảng dạy cho nhóm này đến nhóm khác. Thầy Phục bảo, nếu nghĩ đến mệt mỏi khi dạy học cho các em thì chẳng ai có thể làm được. Thượng úy Trần Bình Phục dạy các em bằng lòng yêu trẻ, hăng hái và nhiệt huyết. Thầy muốn góp một chút sức nhỏ, giúp đôi chân các em vững chãi hơn ở những chặng đường dài sắp tới. Cứ nhìn ánh nhìn trìu mến, nghe lời dặn dò ân cần, chỉ bảo nhẹ nhàng của người thầy không chuyên dành cho lũ trẻ mà cảm động. Từ môn Toán, cho đến môn Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, bài giảng của thầy Phục được các em đón nhận với niềm vui mở mang tri thức. Gặp anh Phục, tôi càng hình dung rõ hơn hình ảnh người thầy giáo mang quân hàm xanh mà chị Thạnh nói trước đó. Người thầy mà sáng sớm nào cũng đứng chờ lũ học trò ở chân núi, gom đủ 21 em, dắt tay đưa lên lớp học, đến khi tan lớp lại dẫn từng em xuống chân đồi, sợ đám học trò nhỏ tinh nghịch gặp nguy hiểm trên đường đi.
Lớp học của thầy giáo mang quân hàm xanh Trần Bình Phục. Ảnh: Q.VIỆT |
2.Thầy Phục bảo, không phải tôi là người đầu tiên dạy học ở đảo Hòn Chuối. Lớp học đầu tiên của các thầy giáo quân hàm xanh mở trên đảo này có từ năm 1995, khi bắt đầu có người dân ra đây sinh sống. Nhưng có một thời gian dài lớp học gián đoạn vì cán bộ biên phòng phải luân chuyển nhận nhiệm vụ mới mà người khác đến thay lại không thể cáng đáng việc đứng lớp. Cho đến nay, lớp học của thầy Phục là đều đặn và liên tục nhất. Chính thầy Phục đã phải tự lo liệu mọi chuyện, giúp trẻ em đến lớp từ sách vở cho đến áo quần, lại thêm đồ dùng học tập. Thầy Phục bảo, nhiều khi đồng lương không đủ, phải vận động thêm qua các đoàn thể, nhất là thanh niên ở đất liền. Căn nhà đang dạy học ở đảo vốn là cơ sở cũ của trạm kiểm lâm địa phương. Qua mưa nắng, gió bão, căn nhà bằng tôn lá xập xệ thêm, chính anh Phục đã huy động chiến sĩ của Đồn Biên phòng Hòn Chuối cùng chung tay vá víu, sửa chữa.
Những bài học đầu tiên mà trẻ con trên đảo học được không phải là tập đọc, tập viết mà là những bài học làm người. Khi chúng tôi đến thăm, trẻ em ríu ra, ríu rít, vòng tay chào: Thưa chú ạ! Vậy mà, nghe chính người dân trên đảo bảo rằng, trước đây, có rất nhiều trẻ em vô lễ với người ở xa ghé đến hỏi thăm. Thời gian đầu đứng lớp, thầy Phục dạy các em cách chào hỏi ân cần, cách hỏi han lễ phép, cả cách đi đứng, tác phong chỉn chu, ngay ngắn. Bằng sự kiên trì và lòng nhiệt thành, thầy Phục đã uốn nắn các em học sinh đi vào nền nếp. “Bây giờ các em siêng học lắm, cái gì chưa hiểu cặn kẽ là phải hỏi thầy cho rành rõ. Nhiều em thắc mắc quá mà mình lại dạy nhiều nhóm lớp học, giải thích cho hết cũng mệt nhưng rất vui. Các em tìm hiểu kỹ mới tiếp thu bài vở thấu đáo. Học trò siêng lên lớp lại học hành chăm chỉ. Tối đến các em chong đèn dầu học bài ở nhà. Có những hôm thời tiết bất thường, cho nghỉ học nhưng các em vẫn í ới gọi nhau đến lớp. Lúc đó thật bất ngờ, có mệt đến mấy cũng gắng lên lớp giảng bài cho các em” - thầy Phục bảo.
Suốt cả câu chuyện, người đàn bà đứng tuổi kể về điều kiện sống khắt nghiệt với người dân địa phương, không điện, đài, trường, trạm, nhìn đâu cũng thấy vất vả rồi tóm gọn bằng câu nói chân chất: May mà trên đảo còn có lớp học tình thương. |
Dạy học ở đảo với người chiến sĩ quân hàm xanh không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà cũng là nghĩa vụ với biển đảo thiêng liêng. Trong việc dạy học của thầy giáo Phục có cả niềm hạnh phúc lắng đọng, bởi các em có được nền tảng ban đầu để có thể học tốt hơn, cao hơn khi có điều kiện mới. Anh Phục đã dạy ở Hòn Chuối được 5 năm. Ở đảo, trong điều kiện cái gì cũng thiếu thốn, vất vả, người khác muốn trở vào đất liền công tác thì cán bộ biên phòng Trần Bình Phục lại muốn gắn bó thêm với nơi này để có thể đồng hành với trẻ em của đảo. Trăn trở và niềm mong mỏi lớn nhất của người thầy giáo trẻ là điều kiện sống cho người dân trên đảo được tươm tất hơn. Các gia đình được khá giả hơn để đủ điều kiện cho con vào đất liền học hành nên người và lập nghiệp trong tương lai.
Và hướng phát triển kinh tế để người dân đảo Hòn Chuối có thể sống tốt hơn, khá giả hơn chính là nuôi cá bớp lồng bè. Tuy nhiên, mưu sinh ở đảo không phải là chuyện giản đơn.
Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT
Bài 3: Sinh kế ở Hòn Chuối