Người dân trên đảo Hòn Chuối (tổ 1, khu vực 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đang trăn trở, đau đáu đầu tư nuôi cá bớp, tìm sinh kế ổn định nơi đảo xa.
Mô hình nuôi cá bớp ở đảo Hòn Chuối. Ảnh: Q.VIỆT |
1. Sau khi leo con dốc dựng đứng lên thăm cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 615, Đồn Biên phòng 704 đóng quân nơi đỉnh đồi cao hơn mặt nước biển 300m, chúng tôi tranh thủ ngược xuống khu dân cư để tìm hiểu rõ hơn đời sống của 54 hộ dân cư trú trong những ngôi nhà chơ vơ nơi góc đảo Hòn Chuối. Ông Lê Văn Phương - Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản Hòn Chuối cho biết, ở đây người dân nghèo lắm, ngay đến sách vở, bút mực đến lớp của trẻ em cũng do bộ đội biên phòng trợ giúp. Ông Phương còn cho hay, nhân dân ở đây kinh tế chủ yếu dựa vào việc nuôi cá bớp lồng bè. Vốn liếng huy động không đủ thì người dân vay mượn thêm để đầu tư với kỳ vọng sẽ thoát được nghèo bằng nuôi cá. Họ cũng biết rằng, chỉ khi đời sống chuyển biến, kinh tế ổn định thì mới có thể đưa con vào đất liền ăn học đàng hoàng được.
Chỉ tay ra những lồng cá trên mặt biển đang ầm ào sóng vỗ, ông Phương bảo: “Trong số 54 hộ dân ở đây thì đã có 48 hộ dân nuôi cá bớp lồng bè. Mọi người vẫn đang ngày đêm nghiền ngẫm có cách gì để nuôi cá thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất”. Việc gì chứ nuôi cá trong lồng bè thì không xa lạ với tôi nhưng ở đây phải tìm hiểu cho bằng được, vì lòng hiếu kỳ và xa hơn là thôi thúc biết rõ về cuộc sống của những người dân không quản ngại gian lao, “cắm dùi” ở đảo. Nghe tôi hỏi mướn ghe ra thăm các hộ dân đang nuôi cá ở biển, người chủ phương tiện lạ lẫm nói: “Tìm hiểu nuôi cá gì mà ngộ vậy cha. Chở ra đó rồi tôi đi có việc, xong thì alo nghe. Coi bộ kỹ thử có giúp gì cho dân nuôi cá ở kia không”.
Theo lời giới thiệu của ông Phương, tôi đến bè nuôi cá của ông Kim Ngọc Tính, người đầu tiên nuôi cá ở đảo Hòn Chuối và đặt nền móng phát triển sinh kế cho người dân ở đây. Sau hồi hỏi han xã giao, ông Tính chia sẻ: “Trước đây, tôi làm nghề thu mua cá ở các đảo vùng biển thuộc khu vực tây nam này chở vào đất liền bán lại cho tư thương ở các chợ. Sau nhiều chuyến đi, tôi quan sát thấy ở các đảo thuộc tỉnh Kiên Giang cũng như Cà Mau có nhiều người nuôi cá bớp thu lợi lớn. Học theo người ta, tôi muốn thử vận may bằng cách đổi nghề, chọn đảo Hòn Chuối làm nơi cư trú, đầu tư nuôi cá bớp từ 3 năm nay. Ban đầu nuôi thử nghiệm một lồng trong bè nhỏ với chỉ 250 con. Vụ đầu đã có dư dôi chút đỉnh nên tôi mạnh dạn mở rộng quy mô và sản xuất đến thời điểm này”. Hiện tại, ông Tính đang đầu tư nuôi 4 bè cá với tổng cộng 16 lồng nuôi. Mỗi lồng có thể tích 75m3, ông Tính thả nuôi 250 con. Ông Tính cho biết, mỗi năm gia đình chỉ nuôi một vụ, từ lúc thả nuôi cho đến khi thu hoạch thời gian cũng gần cả năm. Năm trước, đầu vụ ông Tính thả nuôi 4.000 con cá bớp, đến cuối vụ thu hoạch được hơn 3 nghìn con, mỗi con đạt trọng lượng từ 1kg trở lên. Với giá cá bớp thương phẩm thời điểm đó 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí nuôi cá, kể cả khấu hao tiền đầu tư làm lồng bè, ông Tính lãi khoảng 100 triệu đồng.
Nghe có người lạ đến hỏi han nuôi cá bớp, anh Trần Văn Úc nuôi cá ở bè nuôi bên cạnh ông Tính ghé đến bắt chuyện. Anh Úc vốn là người dân ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), ra định cư ở đảo Hòn Chuối và nuôi cá từ 2 năm nay. Anh Úc tự nhận là “đàn em” của ông Tính vì anh nuôi cá được đến thời điểm này cũng nhờ sự mách bảo, giúp đỡ ban đầu của ông Tính. Anh Úc bảo, có lẽ năm nay nuôi cá không đạt bằng năm trước vì cá nuôi phát triển chậm hơn, một số con đã có dấu hiệu bị bệnh. Nhưng dù sao thì thành quả thu được đến thời điểm này cũng đã giúp cho gia đình anh đầu tư, xoay xở, trang bị được nhiều thứ trong nhà.
2. Chúng tôi tìm hiểu bệnh phát sinh trong nuôi cá bớp qua lời nói của anh Úc là bệnh mù mắt, do tấn công của các ký sinh trùng như sán lá đơn, trùng quả dưa. Nguyên nhân sâu xa là môi trường cá nuôi bị nhiễm bẩn. Tôi đem vấn đề này trao đổi lại với ông Phương. Ông Phương vừa là Tổ trưởng tổ tự quản đảo Hòn Chuối lại vừa là Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá bớp Hòn Chuối. Ông Phương bảo: “Qua kiểm tra bước đầu, chúng tôi chỉ mới biết môi trường cá nuôi bị nhiễm bẩn là do thức ăn nuôi cá tồn đọng khiến cho các loài ký sinh trùng tập trung và tấn công cá nuôi. Việc này đã được chúng tôi kiến nghị, mong ngành thủy sản của thị trấn Sông Đốc ra lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán bệnh và hướng dẫn cách khắc phục trước mắt cũng như có giải pháp lâu dài, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Cán bộ phụ trách thủy sản chưa đến lấy mẫu vì bệnh này mới phát sinh và thông báo của hợp tác xã cũng mới chỉ được gửi về đất liền chưa lâu. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người nuôi cá bớp quản lý chặt chẽ thức ăn nuôi cá, hạn chế việc dư thừa thức ăn, đồng thời tìm cách di chuyển bè nuôi cá đến nơi nước biển có tốc độ chảy vừa phải, tránh tù đọng khi nuôi cá.
Ông Kim Ngọc Tính - người đặt nền móng phát triển nghề nuôi cá bớp cho người dân Hòn Chuối. |
Nuôi cá bớp trong lồng bè ở đảo Hòn Chuối phát triển bước đầu trong thời gian qua, được người dân địa phương xem như “cần câu” giúp thoát nghèo, ổn định hơn cuộc sống. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy nuôi cá bớp ở đây vẫn còn ở tính tự phát, nhỏ lẻ. Ông Văn Ngọc Lý, một trong số các hộ nuôi thu được thành công bước đầu trong vòng 3 năm qua cho biết, thời gian gần đây đầu ra bị ép giá, mỗi ký cá bớp từ 150 nghìn đồng giảm xuống 130 nghìn và hiện “dậm chân” ở mức 100 nghìn đồng. Vào cuối vụ, tư thương từ đất liền ra đảo hỏi mua và thu gom đồng loạt, như nhiều nơi, các hộ nuôi cá ở đây cũng mang tâm lý lo sợ khi mọi người đã bán hết mà mình giữ vì giá bán thấp, lỡ tư thương không ra đảo nữa thì biết bán cho ai, trong khi chi phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Lý, bây giờ chỉ còn cách đầu tư thêm lồng bè mới để nuôi gối vụ; việc luân phiên xuất bán cá sẽ phần nào giúp người dân tránh bị ép giá đầu ra. Tuy nhiên vấn đề đầu tư lồng bè nuôi cá không phải do người nuôi quyết định mà phụ thuộc vào nguồn vốn. Ông Lý tính toán, chi phí đóng một bè để nuôi 4 lồng cá bớp tốn khoảng 150 triệu đồng. Với lượng cá nuôi đó, chi phí từ lúc bắt đầu nuôi cho đến khi thu hoạch tốn thêm khoảng 180 triệu đồng nữa, tổng cộng hơn 300 triệu đồng, nếu không vay được vốn thì không thể sản xuất được. “Cái khó gặp phải hiện nay của người dân trên đảo Hòn Chuối là nhà đất không có giấy chủ quyền nên hầu như không thể vay vốn của ngân hàng. Trong khi hợp tác xã đứng ra vay giúp thì nhiều nhất cũng chỉ khoảng 100 triệu đồng, không thấm vào đâu so với nhu cầu đầu tư nuôi cá. Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn đặc thù để phát triển mạnh việc nuôi cá bớp của nhân dân trên đảo” - ông Lý nói.
Ông Lê Văn Phương khẳng định, để nuôi cá bớp trong lồng bè ở đảo Hòn Chuối, nhiều hộ dân đã phải chạy vạy vay vốn của tư nhân trong đất liền với lãi suất cao. Dù cho bán cá thu được lợi nhuận lớn thì trả lãi nặng cũng khiến người dân thu nhập không nhiều nhặn gì. Ông Phương cho biết, Hợp tác xã Nuôi cá bớp Hòn Chuối đang đề nghị Sở NN&PTNT Cà Mau tham mưu UBND tỉnh có cách thức giúp người dân là thành viên hợp tác xã được vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất. Đó là nguyện vọng chung của tất thảy những ai nuôi cá bớp ở đảo nghèo Hòn Chuối. Họ đang khó khăn tìm hướng phát triển sinh kế ổn định để mà còn gắn bó, giữ gìn đảo Hòn Chuối thân thương.
Nhân nói đến sinh kế ở Hòn Chuối, trở lại câu chuyện ở đảo Thổ Chu để thấy sức sống mãnh liệt của biển đảo quê hương.
____________________
Bài 4: Sức sống Thổ Chu
Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT