Giữ biển trời tây nam - Bài 5: Bí ẩn quần đảo Hải tặc

Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT 01/02/2016 09:13

Đảo Hòn Đốc (xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) thuộc quần đảo Hải tặc đẹp đến nao lòng. Nơi đây còn lưu lại những câu chuyện kỳ bí của một thời về nạn cướp biển.

Biển trời Hòn Đốc nhìn từ Sơn Hòa tự. Ảnh: Q.VIỆT
Biển trời Hòn Đốc nhìn từ Sơn Hòa tự. Ảnh: Q.VIỆT

1. Khi đặt chân lên đảo Hòn Đốc, chúng tôi tìm ngay đến UBND xã Tiên Hải. Ông Nguyễn Hồng Phúc - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Đúng là tại Hòn Đốc cũng như toàn thể quần đảo Hải tặc trước đây nạn cướp biển tràn lan. Đỉnh điểm là thời kỳ cha con Mạc Cửu - Mạc Thiên Tích (1706 - 1780) cai quản vùng đất này đã áp dụng một số chính sách tự do, coi trọng thương mại nên tàu thuyền buôn bán qua lại rất nhiều nên bọn cướp biển tìm đến. Một số hậu duệ của những người tham gia cướp biển vốn còn sinh sống ở đây nhưng qua thời gian đã lưu lạc ít nhiều. Chứng cứ thì mông lung lắm”.

Hòn Đốc có chiều dài chừng bảy cây số. Quanh đảo, cát trắng phẳng lỳ và mặt nước xanh thẳm như gương. Cảnh trí ấy mời gọi quyến rũ đã tạo nên thương cảng, nơi giao lưu hàng hóa sầm uất trước đây. Trong mênh mông của sóng biển bất tận và đỉnh đồi cao ngất, Hòn Đốc mang dáng vẻ hùng vĩ đến kinh ngạc. Màu đen của đá, màu xanh thẫm của biển và cả tiếng ầm ào của những con sóng bạc đầu như khứa sâu vào mọi giác quan khiến tôi lặng người đi như mộng mị. Ngày nay, Hòn Đốc vẫn tráng lệ, tàu thuyền đánh cá vẫn vào ra thường xuyên, có điều việc trao đổi, mua bán hàng hóa không còn nhộn nhịp, hấp dẫn như thuở trước - theo lời cư dân trên đảo. Hòn Đốc có 2 ấp là Hòn Tre và Hòn Giang với 1.842 hộ dân sinh sống quanh các chợ đầu mối, trường học, trạm y tế và bưu điện. Mỗi ngày, nơi đây đón 2 chuyến tàu từ thị xã Hà Tiên cung ứng hàng hóa cũng như đưa du khách đến tham quan đảo.

Ở quần đảo Hải tặc vẫn còn lưu truyền câu chuyện vào năm 1983, có hai người nước ngoài mang quốc tịch Anh và Mỹ mang theo hải đồ, ống nhòm, máy bộ đàm lén lên Hòn Đốc. Sau khi bị vây bắt, họ khai rằng có mang theo bản đồ được vẽ 300 năm trước về kho báu cất giấu vàng bạc, châu báu của bọn cướp biển…

Hòn Đốc cũng như 16 đảo khác thuộc quần đảo Hải tặc đều còn rất hoang sơ. Có lẽ chính vì vẻ đẹp giản dị mà hút hồn người. Một số dịch vụ, mô hình du lịch homestay đã bước đầu manh nha hình thành ở xã Tiên Hải. Cũng bởi còn mang tính chất thăm dò nên du lịch ở đảo vẫn đầy hấp dẫn đối với những người ưa khám phá, mạo hiểm, thử thách. Nhiều người dân ở quần đảo Hải tặc chia sẻ với chúng tôi, họ tin rằng kho báu của cướp biển trước đây vẫn đang tồn tại đâu đó ở Hòn Đốc cũng như rải rác khắp quần đảo Hải tặc. Trên đảo vẫn còn lưu truyền câu chuyện vào năm 1983, có hai người nước ngoài mang quốc tịch Anh và Mỹ mang theo hải đồ, ống nhòm, máy bộ đàm lén lên Hòn Đốc. Sau khi bị vây bắt, họ khai rằng có mang theo bản đồ được vẽ 300 năm trước về kho báu cất giấu vàng bạc, châu báu của bọn cướp biển… Cách đây chưa lâu, người dân trên đảo phát hiện được nhiều tiền cổ nằm rải rác ở một số điểm hẻo lánh trên đảo. Khi nghe chúng tôi hỏi về dấu tích của nạn cướp biển trước đây, mọi người bảo biến thiên nhiều rồi, dấu thời gian còn lại chỉ là một… ngôi chùa, tên gọi Sơn Hòa tự. Lạ, chùa vốn là nơi bình yên tĩnh tại sao lại gắn liền với cướp biển?

Người dân đảo kể, theo giai thoại truyền lại, trước kia ở quần đảo Hải tặc có trùm cướp biển tên Nguyễn Thanh Vân. Ông được biết đến là người lặn biển như rái cá, tính khí ngang tàng, ngổ chướng nhưng lại đầy lòng nghĩa hiệp. Một lần, nghiệp cướp biển đưa chân đến Thái Lan, ông Vân gặp người con gái tuyệt sắc giai nhân, rồi dắt díu nhau về Việt Nam sinh sống. Họ định cư ở đảo Hòn Đốc một thời là đại bản doanh của trùm cướp biển. Ông Vân bỏ nghiệp cướp biển từ đó và sinh được người con tên là Nguyễn Thị Gái. Theo thời gian, bà Gái lớn lên ở đảo và được người dân Hòn Đốc kính trọng gọi là Bà Mười bởi đã có công xây dựng ngôi chùa duy nhất để thờ tự ở đảo. Người cao tuổi nhất ở Hòn Đốc bây giờ cũng không nhớ rõ ngôi chùa được xây dựng năm nào, chỉ áng chừng đâu những năm 60 của thế kỷ trước. Hỏi bà Mười hiện giờ ở đâu, còn sống hay đã mất, mọi người bảo bà đã vào định cư ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ lâu lắm rồi, bà còn sống hay đã mất khó có thể xác thực. Chỉ còn ngôi Sơn Hòa tự tịch lặng trong gió biển được người dân chăm lo hương khói cúng bái cầu mong cuộc sống an lành. Câu chuyện bảng lảng như sương, được người dân truyền tích qua bao thế hệ, kể lại cũng mơ hồ. Có điều Sơn Hòa tự thì hiển hiện trước mắt chúng tôi, lưu lại những dấu tích thời gian về một thời sơ khai ở đảo.

2. Ở đảo Hòn Đốc còn lưu lại cột mốc chủ quyền được xây bằng bê tông cốt thép đã hoen gỉ, sứt mẻ theo mưa nắng thời gian. Nét chữ cũng dần nhòa theo năm tháng. Chúng tôi đọc những dòng chữ: “Quần đảo Hải tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’8; kinh tuyến 104 độ 20’0”. Ở phần đế của trụ bê tông có dòng chữ ghi rõ: “Quần đảo Hải tặc gồm có các đảo sau: Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước Non, Hòn Bô Dập, Hòn Đồi Mồi…”. Cuối các dòng chữ có chú thích: “Phái bộ quân sự thị sát và nghiên cứu, đến viếng quần đảo ngày 28.7.1958, dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Từ thời Việt Nam Cộng hòa đến nay, đã 58 năm trôi qua, cột mốc chủ quyền vẫn sừng sững nơi đất trời biển đảo.

Chiến sĩ Hải quân bên cột mốc chủ quyền quần đảo Hải tặc ở Hòn Đốc.  Ảnh: Q.VIỆT
Chiến sĩ Hải quân bên cột mốc chủ quyền quần đảo Hải tặc ở Hòn Đốc. Ảnh: Q.VIỆT

Tại sao, cả một vùng sơn thủy hữu tình, quyến rũ đến nao lòng lại có tên là quần đảo Hải tặc? Khu vực này thuộc vùng biển Hà Tiên - mắt xích quan trọng trên tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan, đến Việt Nam rồi tràn sang Quảng Châu (Trung Quốc) tiếp đến Luzon (Philippines). Nơi đây trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền từ bán đảo Mã Lai, Ấn Độ, Myanmar... Thực tế thì vào các thế kỷ XVII, XVIII, khu vực quần đảo Hải tặc từng là “thủ phủ”  của cướp biển. Các tàu buôn lớn của Trung Quốc và phương Tây thường xuyên bị các toán cướp thoắt ẩn thoắt hiện lao đến từ quần đảo Hải tặc khống chế tàu, bắt người, cướp tài sản. Bọn cướp biển này hoạt động trên một vùng rộng lớn, từ Hà Tiên qua Rạch Giá (Kiên Giang) đến vịnh Thái Lan và nối sang cả Campuchia. Theo tài liệu của nhà sử học Trương Minh Đạt - người chuyên nghiên cứu lịch sử vùng Hà Tiên nói riêng, Kiên Giang nói chung thì các toán cướp biển làm ăn “thịnh đạt” nhất quanh khu vực quần đảo Hải tặc vào thời gian từ năm 1718 đến 1781. Đây là quãng thời gian Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh đại đô đốc cai quản vùng này nhưng bị quân Xiêm đánh bại khiến cho cả vùng Hà Tiên loạn lạc, không có chính quyền quản lý. Thời gian này, tàu bè nước ngoài vẫn ra vào đây tự do, trong số đó nhiều tàu cướp biển trà trộn, cướp phá.

Chuyện xưa đã đi vào dĩ vãng. Nhiều người bảo, có thể vì ẩn chứa bao điều kỳ bí nên quần đảo này ngày càng thu hút du khách đến tham quan khám phá. Chúng tôi đến Hòn Đốc, cảm nhận cuộc sống mới đang rộn ràng, chuyển biến. Ông Nguyễn Hồng Phúc cho biết, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư, để vùng biển đảo ngày một phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với xã để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Trong số đó, một doanh nghiệp có trụ sở ở Kiên Giang thuê 6 hòn đảo lớn nhỏ để đầu tư du lịch sinh thái. Một doanh nghiệp khác ở TP.Hồ Chí Minh thuê diện tích lớn ở Hòn Đốc để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng. Trước đó, chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái ở Hòn Tre và Hòn Đước. Tại đây, nhiều dự án khác đang được khởi động để xây khu nghỉ dưỡng, thể thao biển và các dịch vụ văn hóa, giải trí, thưởng ngoạn khác kèm theo.

----------------
Bài 6: Du lịch gia đình ở Nam Du

Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ biển trời tây nam - Bài 5: Bí ẩn quần đảo Hải tặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO