Người ta ví quần đảo Nam Du như nàng tiên cá mơ màng bởi vẻ đẹp mộc mạc mà duyên dáng, e ấp mà mặn mà. Khai thác sức mê hoặc của Nam Du, người dân xã An Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) đã thiết kế tour du lịch gia đình thu hút bởi nhiều trải nghiệm thú vị.
|
Một góc quần đảo Nam Du. |
1. Quần đảo Nam Du nằm ở phía đông nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cách đất liền khoảng 60km, gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời giữa vịnh Thái Lan. Vẻ đẹp ở đây sang trọng mà lặng lẽ, với biển xanh, cát trắng, gió cũng lành hiền. Người dân của đảo thật thà, hiếu khách. Khi chúng tôi mới đặt chân xuống cầu cảng đã có người đón mời. Người đàn bà có làn da sạm màu nắng gió của biển không nề hà câu nệ, hỏi ngay: “Chị thiết kế tour tham quan cho, mê hoặc lắm, không kỳ thú thưởng ngoạn chị không nhận tiền. Ưng không?”. Trước vẻ nhiệt tình của chị, tôi nói thật rằng mình và các đồng nghiệp còn việc, hẹn chị vào sáng hôm sau. Chị hỏi tên, xin số điện thoại và nói chắc nịch, tầm 9 giờ chị sẽ gọi, dậy sớm và chuẩn bị tinh tươm cho chuyến dã ngoại nghe. Tôi chưa kịp hỏi tên thì chị đã đi mất, nhanh hệt như không hẹn mà chị đón tôi nơi cầu cảng.
Sáng hôm sau, đúng như lời hẹn, chị điện cho tôi: “Sẵn sàng rồi chứ!”. Chị xưng tên là Trương Bé Sáu, cùng chồng đợi tôi bên chiếc tàu chở khách, có thêm 5 người tham gia. Anh Đỗ Văn Có, chồng chị Sáu, người gầy đen, chỉ có ánh cười là tươi rói. Tàu nhổ neo khởi hành.
Ở quần đảo Nam Du, vách đá núi sừng sững như dát vàng lung linh trong nắng, sóng biển biếc xanh mềm mại vờn quanh… Cảnh vẻ thảnh thơi, nhà cửa nơi chân đảo không tráng lệ gì nhưng vững chãi tựa lưng vào núi, cư dân của đảo sống êm đềm đối diện sóng biển ầm ào. Vẻ yên ả ánh lên cuộc sống an nhàn. Sức sống của vùng quê biển đảo này có lẽ vì thế mà bền bỉ, đằm sâu. |
Lúc cùng chúng tôi ngồi câu cá ở hòn Hai Bờ Đập, giữa biển trời khoáng đạt, anh Có chia sẻ, cuộc sống còn cơ cực nhưng gắn chặt với quần đảo Nam Du cũng thấy nhẹ nhàng, không gò bó như thuở còn sống ở TP.Rạch Giá. Năm 30 tuổi, cách đây chừng 10 năm, anh Có quyết định định cư ở xã An Sơn. Lúc đầu cũng đi đánh bắt cá quanh đảo, đời sống không khấm khá mấy. Muốn thay đổi không khí cho người nhẹ nhõm đi, anh đóng chiếc ghe nhỏ, đón khách chở đi thăm thú các hòn nhỏ ở quanh quần đảo Nam Du còn vợ thì buôn bán nhỏ, chắt chiu dành dụm từng đồng vốn. Cuộc sống nhẹ nhàng trôi đi cho đến năm 2013 khách du lịch đến đảo đông hơn, đòi hỏi tham quan cũng khắt khe hơn, vậy là gia đình quyết định đóng tàu gỗ lớn, chuyển hẳn sang làm du lịch. Anh bảo vay mượn 500 triệu đồng lúc đó là bước ngoặt lớn, bởi mọi người đều cho rằng quá mạo hiểm, để trả hết được nợ nần là chuyện gian nan. “Hồi đó ai cũng bảo tôi liều mạng. Còn bây giờ đã có thêm hai người đóng tàu du ngoạn lớn gấp đôi tàu của tôi. Gia đình tôi cũng sắp trả xong được món nợ lớn trong đời rồi” - anh Có cả cười.
Chúng tôi thưởng ngoạn ở Hai Bờ Đập rồi túc tắc chuyển sang Hòn Dầu, Hòn Mấu, Hòn Bỏ Áo, thư thái thăm thú rồi tắm biển, câu cá, bắt hàu, bắt ghẹ… Anh Có bảo tôi cứ yên tâm, ăn trưa xong sẽ về trước 13 giờ kịp cùng đoàn công tác rời xã đảo An Sơn. Suốt buổi thưởng ngoạn thiên nhiên hoang sơ, chúng tôi cảm nhận được khá đầy đủ vẻ đẹp thơ mộng ở các hòn đảo. Vách đá núi sừng sững như dát vàng lung linh trong nắng, sóng biển biếc xanh mềm mại vờn quanh… Cảnh vẻ thảnh thơi, nhà cửa nơi chân đảo không tráng lệ gì nhưng vững chãi tựa lưng vào núi, cư dân của đảo sống êm đềm đối diện sóng biển ầm ào. Vẻ yên ả ánh lên cuộc sống an nhàn. Sức sống của vùng quê biển đảo này có lẽ vì thế mà bền bỉ, đằm sâu.
Tàu thuyền đưa khách tham quan quần đảo Nam Du. Ảnh: N.Q.Việt |
2. Định cư ở xã An Sơn nơi quần đảo Nam Du giàu tiềm năng du lịch, anh Có, chị Sáu thiết kế tour du lịch gia đình từ hơn 3 năm nay, không chỉ đưa du khách du ngoạn quanh đảo mà còn phục vụ du khách tại nhà bằng dịch vụ homestay. Chị Sáu bảo, qua 3 năm triển khai thực hiện homestay, du khách rất thích thú. Cái được lớn nhất khiến du khách ưa thích là họ được “hóa thân” vào chính cuộc sống của người dân bản địa, được tận hưởng văn hóa giao tiếp qua sinh hoạt trực tiếp với cư dân địa phương. Qua một đêm và gần một ngày ở Nam Du, chúng tôi nhận thấy khách du lịch trẻ tuổi rất mặn mà với loại hình này, bởi họ “thèm” khám phá. Du khách đến đây không chỉ hòa vào nhịp sống của cư dân cùng bản sắc văn hóa mà còn được thưởng thức những món đặc sản biển chỉ người dân địa phương mới biết chế biến thế nào là phù hợp nhất. Điểm nữa, chi phí du lịch ở đây không cao khi du khách chỉ phải chi trả 100 nghìn đồng cho dịch vụ homestay một ngày một đêm.
Trào lưu thiết kế tour du lịch gia đình với dịch vụ homestay và đưa du khách thăm thú các hòn đảo quanh quần đảo Nam Du trở nên phổ biến ở cả 3 ấp Củ Tron, Bãi Ngự và An Cư của xã An Sơn. Theo UBND xã An Sơn, hiện tại ở đây có khoảng 20 hộ thiết kế tour du lịch gia đình với dịch vụ homestay. Ở những ngôi nhà có không gian rộng rãi, du khách có thể tụ tốp chơi bóng chuyền, đá cầu, bóng rổ để thư giãn. Những người trẻ tuổi lãng mạn, nhất là nữ giới có thể hái hoa, hái lá thuốc nam về nấu uống, giải nhiệt sau hành trình vất vả từ đất liền ra đảo. Theo bà Võ Thị Gái - Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, mô hình du lịch gia đình tạo được sự thân thiện, cảm giác thoải mái, dễ chịu giữa khách và chủ nhà. Nhờ vậy, không ít du khách đã giới thiệu thêm gia đình, bạn bè đến đây nghỉ ngơi, vui chơi, trải nghiệm và thư giãn. Phát triển du lịch gia đình, người dân ở xã An Sơn đã nâng cao hơn ý thức về gìn giữ, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên của quần đảo.
Theo thống kê của UBND xã An Sơn, trong năm 2015, toàn xã đón hơn 24.380 lượt khách đến đảo tham quan. Hoạt động du lịch đã tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế của xã đảo An Sơn. Tuy nhiên, xã vẫn chưa có quy hoạch cụ thể, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống điện và nước phục vụ du lịch vẫn còn nhiều hạn chế… nên dịch vụ du lịch ở đây vẫn còn phát triển một cách tự phát. Ðiện chỉ được cấp theo khung giờ từ 7 giờ 30 đến 13 giờ 30 và 14 giờ 30 đến 23 giờ hàng ngày; nước sạch thì phải nhờ vào trạm bơm giếng khoan. Yếu tố hạ tầng chưa đủ đáp ứng nhu cầu khai thác du lịch quy mô lớn là lý do khiến các nhà đầu tư chưa mấy mặn mà với Nam Du. Nhưng dù doanh nghiệp không tham gia khai thác thì người dân vẫn sẽ tiếp tục cung ứng dịch vụ du lịch, dù mô hình nhỏ lẻ của họ mới chỉ có thể thỏa mãn phần nào sở thích khám phá của du khách chứ chưa khai phá được tiềm năng phát triển nói chung. Bà Võ Thị Gái cho hay, trong thời gian đến, xã sẽ đề xuất lên huyện có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho xã đảo, trong đó coi trọng phát triển du lịch. Địa phương sẽ mở thêm các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đưa đón khách cũng như quan tâm chu đáo trong dịch vụ homestay cho các chủ hộ tham gia. Các yếu tố hạ tầng như điện, đường cũng sẽ được đề xuất cấp trên hoàn thiện thêm.
Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT