(Xuân Tân Sửu) - Khi Cổ Cò được khơi thông toàn tuyến thì câu chuyện quy hoạch kiến trúc xanh, đô thị xanh hai bên bờ trở thành yếu tố quan trọng để một mai không còn nghẽn dòng, sông sẽ được tiếp thêm hấp lực nhằm khôi phục vị thế của một dòng sông huyền thoại.
Xanh, đồng bộ và khớp nối
Dự án nạo vét sông Cổ Cò theo quy hoạch đạt tiêu chuẩn sông cấp IV với phạm vi nạo vét 90m và luồng sông 40m. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khu vực này khoảng 60 nghìn người. Tại hội thảo về khơi thông sông Cổ Cò tổ chức tại TP.Hội An vào đầu năm 2021, TS.Đoàn Ngọc Xuân – Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) đề xuất 4 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội khu vực sông Cổ Cò, bao gồm: khơi thông tầm nhìn chiến lược về tư duy đầu tư phát triển; ưu tiên đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong không gian phát triển; có cơ chế về huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực gắn với khai thác lợi thế của dòng sông; nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế điều phối, quản lý chung.
Thêm một năm trôi đi, cư dân hai bên bờ sông Cổ Cò vẫn khắc khoải về việc dòng sông chưa được khơi thông. Có quá nhiều trở lực trong năm qua khiến dự án ách tắc. Mặc dù vậy, trên thực tế phần lớn diện tích dọc theo con sông đoạn qua TP.Đà Nẵng cơ bản đã được các dự án lấp đầy; còn ở phía Quảng Nam cũng đã có vài đơn vị triển khai để đón đầu con nước từ “dải lụa” này. Đây là tín hiệu tích cực để tạo ra sức bật cho dự án trọng điểm, mang tính liên kết vùng. Tuy nhiên, kèm theo đó là nỗi băn khoăn về tính đồng bộ, khớp nối và tiêu chí xanh một khi các khu đô thị, thương mại - dịch vụ này thành hình hài.
Theo ông Ngô Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong khoảng 1.586ha của toàn khu du lịch và dân cư ven biển theo vệt Cổ Cò từ Điện Bàn đến Hội An thì diện tích không gian xanh được lưu giữ còn rất lớn.
“Ý tưởng thiết kế đô thị tổng thể được định hình toàn bộ theo tuyến ven sông này sẽ là chuỗi công viên văn hóa - lịch sử - sinh thái Quảng Nam với diện tích khoảng 408ha. Trong đó, có 3 điểm nhấn chính là công viên di sản, làng nghề; công viên thiên đường xanh; công viên làng rau Trà Quế” - ông Ngô Ngọc Hùng chia sẻ.
Với định hướng rằng chỉ có sự đồng bộ mới phát huy tối đa giá trị của dòng “Lộ Cảnh Giang” huyền thoại trong quá khứ, các ngành chức năng Quảng Nam sẽ ban hành quy định chung về chiều cao công trình, khối tích, phần mái, tường rào, màu sắc công trình, kè sông và nhiều quy định khác để tất cả chủ thể, nhất là các khu đô thị không phá vỡ sự hài hòa trong bức tranh chung với điểm nhấn chính là dòng sông Cổ Cò.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận, trước đây chúng ta không nghĩ đến việc sông Cổ Cò là chỉnh thể thống nhất không phân chia ranh giới hành chính để xem xét lập quy hoạch, định hướng tất cả yếu tố tác động ngay từ ban đầu khiến các dự án triển khai độc lập, phần ai nấy làm. “Quảng Nam sẽ cố gắng phê duyệt quy hoạch kiến trúc cảnh quan sông Cổ Cò trước Tết Tân Sửu. Trên cơ sở quy hoạch đó, tất cả nhà đầu tư dọc theo và có tác động đến sông Cổ Cò phải xem xét điều chỉnh cục bộ, thậm chí điều chỉnh toàn bộ nếu nó xung đột, không phù hợp với quy hoạch” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Định vị giá trị tăng thêm
Theo GS.Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, với kinh nghiệm từ nhiều đô thị đi trước, chi phí đầu tư khơi thông sông Cổ Cò sẽ được bù đắp lại bằng giá trị đất đai tăng thêm tại vùng đất hai bên sông, vùng đất giữa sông và bờ biển. Hơn nữa, việc khơi thông sông Cổ Cò còn tạo thêm động lực cho phát triển hoạt động du lịch, kết nối Đà Nẵng với hai di sản thế giới của Quảng Nam. Từ nhận định của GS.Đặng Hùng Võ có thể dự báo giá trị bất động sản ở ven sông Cổ Cò sẽ tăng vọt một khi dòng sông được khơi thông. Nhưng từ đòn bẩy đó để tạo ra nhiều giá trị tăng thêm khác là câu chuyện không hề đơn giản.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, giá trị xã hội, giá trị kinh tế, giá trị dịch vụ, và nhất là giá trị tăng thêm từ hoạt động sản xuất kinh doanh - chứ không chỉ giá trị tăng thêm của đất - mới chính là mục tiêu bền vững nhất cần được hướng tới một khi khơi thông sông Cổ Cò. Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D (Công ty DKRA Việt Nam) cũng đặt vấn đề về tính bền vững của chuỗi đô thị, bất động sản ven sông Cổ Cò bởi thực trạng “phân lô bán nền” không phải là câu chuyện riêng của Đà Nẵng hay Quảng Nam nữa.
“Nếu chúng ta chỉ chú trọng tập trung phát triển bất động sản thì sẽ đối mặt với những khu đô thị bỏ không. Đất ven sông Cổ Cò sau này giá trị rất cao, lúc đấy nó sẽ chỉ dành cho người có tiền và rất nhiều tiền nên phương án đối với cộng đồng cư dân sinh sống tại khu vực này từ lâu đời như thế nào cũng là một vấn đề đáng quan tâm” - ông Nguyễn Hoàng chia sẻ.
Cổ Cò với giá trị về vị trí địa lý, dòng chảy, văn hóa nội lực sẽ làm chuyển mình vùng đất hai bên bờ. Điều dễ thay đổi nhất và sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai gần chính là giá trị của đất đai nơi các khu đô thị, dự án thương mại - dịch vụ men theo con sông này rồi sẽ tăng thêm một khi sông chảy thông. Còn việc “thức giấc” lại toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên, xã hội đã bao năm ngủ yên theo thăng trầm của dòng sông có lẽ là câu chuyện dài hơi khiến những ai yêu mến Cổ Cò đều trăn trở.
Ông Lê Minh Phúc - Phó Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch biển Vina Capital Đà Nẵng có một đề xuất đáng suy ngẫm, rằng đi kèm với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ khơi thông dòng sông, chính quyền địa phương cần sớm xúc tiến thu hút dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, hệ thống phòng labs, dự án chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… thì mới là giải pháp bền vững để gia tăng dân số cơ học, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, tạo ra các giá trị tăng thêm toàn diện mà chúng ta kỳ vọng.