Giữ chân người tài

ĐIỆN NAM 03/08/2013 07:14

Khát khao có người tài ra tay giúp việc kinh bang tế thế nên bao đấng minh quân thời xưa luôn chú trọng tìm người tài. Lịch sử Việt Nam từ ghi chuyện vua Lê Thánh Tông sai vị đại thần Thân Nhân Trung soạn bia tiến sĩ, viết lời minh có giá trị cho mọi thời đại: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…”. Triều Tây Sơn, vua Quang Trung cũng sai Ngô Thì Nhậm soạn “Chiếu cầu hiền”, khích lệ người tài ra giúp nước: “Sao che mất ánh sáng thì sẽ mất đi vẻ đẹp, người hiền mà không đem tài ra dùng là trái mệnh trời”.

Xem thế có bao điều suy ngẫm về lẽ tồn sinh của đất nước, thời nào có nhiều người tài sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho bánh xe lịch sử tiến lên phía trước. Và,  cần có người - biết - dùng - người - tài  thì đất dụng võ cho hiền tài mới được thông tỏa.

Những năm gần đây, ở cấp độ quốc gia hay địa phương, vấn đề tìm người tài cũng được đặt ra. Nhiều địa phương đã hoạch định cơ chế khuyến khích, ưu đãi trong đào tạo, tuyển dụng người tài. Ví như Đà Nẵng đã thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Quảng Nam cũng triển khai cơ chế thu hút người có trình độ sau đại học về công tác, hoặc đưa đi đào tạo sau đại học cho công chức đủ năng lực và điều kiện. Mặt khác, Quảng Nam thực hiện luân chuyển cán bộ trẻ về đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt ở địa phương, hay triển khai đề án đào tạo và tuyển dụng cán bộ xã phường. Mới đây nhất, Quảng Nam cho phép ứng thí để tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo như trưởng, phó phòng (và tương đương) tại các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố; giám đốc và phó giám đốc các sở; hiệu trưởng, hiệu phó các trường học từ cấp mầm non đến THPT…

Dù có những động thái tích cực như vậy nhưng nhìn toàn cục thì “nhân tài như lá mùa thu”, đặt ra cơ chế thu hút thì dễ nhưng để có người tài không đơn giản. Bởi trước hết, việc xác định tiêu chí người tài như thế nào, dựa vào bằng cấp, hay năng lực thực tế, ai sẽ là người nhìn nhận đánh giá cho đúng... thật nan giải. Tìm được người tài rồi thì việc giữ chân họ cũng gian nan. “Chiêu dụ” bằng tiền tài vật chất, danh vọng không bao giờ đủ bởi điều quan trọng hơn là tạo đất dụng võ để người tài thi triển tài năng. Ngay như Đà Nẵng, mất 10 năm mới thu hút được hơn 700 người có trình độ học vấn khá giỏi, song một số được hỗ trợ đào tạo sau đại học về công tác mấy năm đã xin nghỉ việc. Vụ việc trở nên lùm xùm khi UBND thành phố yêu cầu gia đình các học viên  Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không thực hiện đúng cam kết phải hoàn trả kinh phí. Ngẫm câu nói của ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, bàn về việc này sao mà hữu lý: “Làm sao cho người ra đi cảm nhận được chính quyền thành phố không quá sòng phẳng chi li từng đồng, từng hào trong chế tài tài chính, rất day dứt về việc chưa đủ sức thuyết phục để giữ chân họ và sẵn lòng mở rộng cửa đón họ quay lại. Đây là bản lĩnh và là cái tâm của người lãnh đạo, quản lý”.

Đúng vậy, cầu người tài, sử dụng người tài, giữ người tài, suy mọi nhẽ có hiệu quả hay không trước hết cần cái TÂM và TẦM của người lãnh đạo, quản lý.

ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ chân người tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO