Thu được kết quả cao khi phục hồi du lịch mà vẫn đúng định hướng phát triển du lịch xanh không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh người làm du lịch địa phương quá chật vật thời gian qua.
Ngày 20.4, tại TP.Hội An diễn ra sự kiện “Ấn tượng Việt Nam trên ruộng đồng miền di sản” do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Tại đây, tọa đàm về cơ hội và thách thức cho Quảng Nam và doanh nghiệp triển khai du lịch xanh nhận được nhiều quan tâm.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội), trước đây ở thời điểm du lịch tăng trưởng nóng, xu hướng xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm bước đầu hình thành ở một số đơn vị tại Quảng Nam.
Với sự trợ lực, định hướng của địa phương, các cá nhân, tổ chức du lịch Quảng Nam đang phát triển ở một cấp độ cao hơn, có thể xem là bước đầu của xu hướng du lịch bền vững. Ở đó việc bền vững phải ngay từ tâm thức của người cung cấp dịch vụ du lịch.
Dù vậy, xu hướng phát triển du lịch bền vững trong thời điểm sắp tới được dự báo sẽ vấp phải khó khăn phát sinh. Du lịch xanh là loại hình mang lại lợi ích có tính lâu dài.
Trong bối cảnh ngành du lịch mới chớm phục hồi, lượng khách chưa duy trì số lượng tương đối một cách thường xuyên, trong khi hầu hết doanh nghiệp du lịch lại rất cần số lượng để bù đắp chi phí vận hành thì việc buộc phải tạm gác lại toan tính đường dài nhằm “ăn đong” là điều tất yếu.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhận định, điều cần thiết lúc này là sự cân bằng. Các chủ thể làm du lịch cần có kế hoạch dung hòa nguồn lực phân bổ phục vụ cho cả lợi ích trước mắt và lâu dài.
Kịch bản về việc tái diễn nhiều “hạt sạn” trong ngành du lịch như giai đoạn trước dịch Covid-19 luôn hiển hiện, nhất là với điểm đến hấp dẫn như Hội An. Nếu không có giải pháp quản lý chặt chẽ ngay từ thời điểm mở cửa hiện nay, thì tình trạng đề cao “lượng” mà ít chú trọng đến “chất” sẽ lặp lại. Rải rác đã có những phản hồi tiêu cực về việc bất nhất trong giá cả, chất lượng cung cấp dịch vụ du lịch, môi trường du lịch...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, đẩy nhanh chuyển đổi số là yêu cầu quan trọng để thúc đẩy du lịch xanh ở Quảng Nam phát triển. Trong đó, “xanh hóa” môi trường du lịch số cũng là một giải pháp lan tỏa thương hiệu điểm đến rộng rãi hơn, đồng thời giảm áp lực bào mòn tài nguyên du lịch.