Giữ cho được chút hồn quê

LÊ QUÂN 22/06/2023 07:56

(ĐS 21/6) - Buổi chiều muộn nọ, người chị làm dân vận ở thị xã rủ rê về quê ăn hàng... chợ quê. Bằng một chiếc cổng khang trang dẫn lối, chợ bày biện đủ thức hàng của một chợ quê nông thôn mới.

Gò Nổi nhìn từ trên cao. Ảnh: L.T.K
Gò Nổi nhìn từ trên cao. Ảnh: L.T.K

Làng trong tiếng chợ lao xao...

Là tôi đang mải nhớ nhung về buổi chiều cuối tháng 5 ở chợ Phú Bông (Điện Phong, Điện Bàn). Mỗi lần xe qua khỏi Cầu Đen, lại không thôi nghĩ về một miệt xứ yên bình với xanh mướt mát của bờ xôi ruộng mật, với nén tằm con kén cây dâu, với những đường chè tàu tăm tắp.

Cả ba xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang làm thành địa danh Gò Nổi - đã quá dư dả với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM). Ý niệm NTM, ở xứ sở phù sa này, hình như đã từ hơn trăm năm trước... Những con đường bàn cờ vuông vức nối từ trung tâm xã về các thôn, không dích dắc ngoằn ngoèo, mang dáng hình của một không gian như được quy hoạch bài bản từ xa xưa.

Xông xáo trong các phong trào thể thao cơ sở, cũng như là hạt nhân nòng cốt của các hoạt động đoàn thể ở địa phương, bà Dương Thị Thủy (thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong) nói, phần lớn dân cư ở đây là nông dân, nhưng không vì thế mà họ thua thiệt trong các sinh hoạt văn hóa thể thao. Là xã NTM, cũng đồng nghĩa với những sinh hoạt về tinh thần phải mới, hiện đại.

“Cái mới ở đây là không chỉ thanh niên mà phụ nữ lẫn người cao tuổi đều có những sân chơi phù hợp cho mình. Tất cả ngày kỷ niệm truyền thống, cộng đồng cùng tổ chức những hoạt động thể thao văn nghệ” - bà Thủy nói. Trong khu thiết chế văn hóa thể thao xã, chưa chiều nào vắng người đến sinh hoạt thể thao.

Văn hóa Việt là văn hóa làng. Xuất phát từ hình thái làng xã vừa là cái nôi của nông nghiệp nhưng buôn bán cũng có bởi sát bên bến sông, cung cách sống của người Gò Nổi cũng có lẽ là một bản sắc của vùng này.

Họ yêu làng mình với lý lẽ của những người đi ra từ làng, sống trải cùng làng. Họ thấu rằng cái gốc gác, cội nguồn xứ sở mình cư dân nông nghiệp, là sống bằng đối đãi chân thành của giềng mối xóm làng, tình thân. Hẳn đó cũng là lý do xứ đất này là nơi... có nhiều nhà thờ tộc nhất.

Duy trì liên tục những suất học bổng khuyến học, tộc họ của vùng Gò Nổi không chỉ là nơi giữ nguồn cội cho một đời người, mà hơn thế, duy trì và phát triển sự học cho những đứa trẻ của làng.

Nguyễn Phi Trường - con trai bà Thủy, đang lập nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh nói, anh thuận lợi hơn từ những suất khuyến học của tộc mình. Đến khi lập nghiệp xứ lạ, chính những thân thuộc của người trong tộc họ, người vùng Gò Nổi đã giúp anh vững vàng. 

Hợp lòng dân, dân “gật đầu cái rẹt”

Bà Trần Kim Thoa - Trưởng ban Dân vận Thị ủy Điện Bàn nói, người dân ở đây có sự đồng thuận nhất định trong việc nước việc làng, khi việc đó hợp lòng dân. Như, việc thay đổi tập quán mai táng người thân khi qua đời, đây là việc hệ trọng, mang yếu tố tâm linh đã in sâu vào ý thức nhưng khi được tuyên truyền vận động họ hiểu ra và thực hiện.

Đến thôn Phú Văn xã Điện Quang hôm nay, sẽ nhìn thấy khu nghĩa trang nhân dân với những hàng mộ dài thẳng tắp, theo thứ tự, cùng kiến trúc. Rồi Lễ hội Thanh minh, nơi hội tụ con cháu của 97 dòng tộc trên mọi miền đất nước hướng về cội nguồn quê xứ...

“Xây dựng NTM văn minh hiện đại nhưng người dân nơi đây vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của những “đứa con phù sa” vùng châu thổ Thu Bồn” - bà Trần Kim Thoa nói. 

Riêng vùng Điện Trung, người dân đã hiến 31.000m2 đất và đóng góp hơn 10.000 ngày công lao động cùng một khoản tiền không nhỏ để đổ bê tông đường giao thông nông thôn và làm giao thông nội đồng.

Với Điện Phong, tổng cộng 47,8km đường giao thông nông thôn, đến giờ này tất cả đã được bê tông hóa theo tiêu chuẩn NTM. Gò Nổi cũng là vùng có những ngôi làng dân... “gật đầu cái rẹt” để làm du lịch.

Du lịch cộng đồng nằm trong số các tiêu chí để một vùng đất trở thành NTM kiểu mẫu. Những kiến trúc nông thôn đặc sắc vẫn dễ dầu nhìn thấy ở “tao nôi” Gò Nổi. Đó chính là cái nền để bắt nhịp vào cuộc phát triển du lịch cộng đồng, dựa vào tài nguyên bản địa. 

Những gương mặt đàn bà trong buổi chợ chiều Phú Bông, như đã bớt phần nào những toan lo về cái ăn, cái mặc. Trong ánh nắng rớt lại xiên khoai ngay mẹt bánh xèo quê với rau húng lủi, rau hẹ, cải con vườn nhà, bạn đường tôi thốt lên giữa lao xao mùi vị chợ quê, rằng làng ở đây, chứ đâu nữa!

Không biến làng quê thành đô thị 

Quảng Nam dù không phải địa phương có nhiều điều tiếng trong xây dựng NTM, đặc biệt với câu chuyện phá vỡ kiến trúc nông thôn - về làng hệt như ở phố giống những địa phương khác, nhưng những toan lo về một bản sắc nông thôn vẫn hiện diện. 

Hàng loạt khó khăn đã được nêu ra tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác Đoàn giám sát Quốc hội về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến lĩnh vực văn hóa trong xây dựng NTM.

Chẳng hạn, công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tuy đã được chú trọng nhưng nguồn lực đầu tư còn thấp, kinh phí phân bổ hàng năm còn hạn hẹp, không đảm bảo triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy.

Bên cạnh đó, lực lượng nghệ nhân dân gian - những người nắm giữ di sản ngày càng thiếu vắng, lớp người am hiểu về văn hóa của các dân tộc dần mai một, trong khi nhiều di sản không được ghi chép, truyền dạy cho thế hệ sau.

Theo Sở VH-TT&DL, trong các tiêu chí “cứng” của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM không có tiêu chí “hạ tầng du lịch nông thôn”. Do đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng tại các điểm du lịch nông nghiệp chưa phát triển, chưa hoàn thiện, nhất là các công trình vệ sinh, môi trường… chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống các trung tâm, dịch vụ đi kèm còn ít, phát triển thiếu đồng bộ. Nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp. 

Văn hóa được nhìn nhận là một trong những tiêu chí khó khăn nhất khi xây dựng NTM. Nhận thức về văn hóa và tiêu chí về văn hóa ở nhiều nơi còn đơn giản và dễ dãi. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa để NTM vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc rất cần có định hướng cụ thể của cơ quan chức năng trong quy hoạch kiến trúc.

Không biến làng quê thành đô thị với những khối bê tông, vô hồn. Các công trình xây dựng mới, hoặc cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của NTM phải dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc... Đó chính là ý hướng để làng quê NTM, bao giờ cũng neo đậu một tâm thức làng, dù người làng thuộc thế hệ nào...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ cho được chút hồn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO