Cơn lốc đô thị hóa mang đến nguy cơ làm biến dạng làng quê sông nước Hội An.
Nhiều năm qua, những vùng quê Hội An được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và kinh tế được xây dựng nhiều hơn, quy chuẩn cao hơn.
Các tuyến kè bảo vệ bờ sông Thu Bồn đã được xây dựng, nâng cấp đảm bảo ổn định đời sống cho dân cư dọc bờ sông và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Phần lớn diện tích tự nhiên của Hội An được bao bọc bởi hệ thống sông lớn nhỏ, mương lạch chằng chịt và bị chia cắt bởi những bãi, nổng, trảng, dốc, cồn cát; những bàu, đầm, hói, vũng, ao… và hệ rừng dừa nước ngập mặn.
Ông Nguyễn Chí Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Điều kiện đó đã tạo cho Hội An sự đa dạng về phát triển kinh tế cũng như đa dạng về các loại hình văn hóa, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng cửa sông ven biển đặc thù này.
Cùng với quá trình bảo tồn phát triển, hiện nay những giá trị văn hóa, cảnh quan sông nước còn khá nguyên vẹn. Các nhà du lịch học cho rằng hiếm ở đâu như Hội An có một không gian không rộng (khoảng 60 cây số vuông) mà có đầy đủ yếu tố du lịch sinh thái, văn hóa”.
Kết quả nghiên cứu của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy, hệ sinh thái vùng ngập mặn Cửa Đại – Hội An thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách đến từ nhiều quốc gia, nhất là các nhà nghiên cứu sinh vật, môi trường và thiên nhiên bởi tính đa dạng và hiếm lạ sinh học.
Thế nhưng tiếc rằng, mức độ khám phá, quảng bá chưa thật nhiều như mong muốn để kết hợp phục vụ tham quan du lịch. Đáng quan ngại là trước cơn lốc “đô thị hóa”, cảnh quan làng quê, sông nước Hội An đang dần bị biến dạng. Nếu không kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh thì vẻ đẹp truyền thống đặc trưng của những vùng sinh thái này có nguy cơ biến mất...
Kiến trúc, xây dựng ở các vùng quê dường như chưa được quy hoạch chặt chẽ, thiếu định hướng đồng bộ. Những ngôi nhà kiểu truyền thống, thuần Việt bên những hàng cau xanh, rặng dừa nước hay lũy tre làng ở các vùng quê dần dần bị thay bằng những ngôi nhà bê tông cao tầng với đủ loại kiến trúc xa lạ với không gian làng quê truyền thống.
Rồi do quản lý lơi lỏng ở các địa phương vùng cửa sông ven biển nên xảy ra khá nhiều trường hợp vi phạm luật đất đai với các hành vi: cơi nới lấn chiếm đất công, san lấp ao hồ làm nhà ở và cơ sở kinh doanh trái phép, làm sông ngòi bị bồi cạn, lệch dòng chảy, ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, công tác quản lý đất đai, xây dựng ở một số địa phương chưa tốt. Tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra. Dọc hai bên đường dẫn cầu Cửa Đại đất bị lấn chiếm để làm hồ tôm, đã được bồi thường vẫn bị lấn chiếm trồng cây rất nhiều.
Một chút hoài niệm, còn có cảm giác tiếc nuối khi ở các làng quê ngày càng ít đi những hàng rào bằng dậu mồng tơi, bằng cây dâm bụt, cây chè tàu… Có lẽ Hội An cần một phương án bài bản để giữ cho dáng quê mãi xanh tươi, sạch đẹp trước những vận hội phát triển mới thời hội nhập.