Giữ đất làng Triêm Tây

TÙY PHONG 30/07/2014 09:31

Tìm kiếm mô hình, ý tưởng, kêu gọi mọi người hiến kế bảo vệ ngôi làng quê thuần Việt, giữ dân bớt những cuộc “tha hương” thông qua đầu tư một dự án du lịch cộng đồng… là những bước đi trong một dự án bảo tồn làng quê Triêm Tây đang được chính quyền Điện Bàn triển khai.

Giữ dân sống ở làng

“Rẻo đất nhỏ” Triêm Tây thuộc Điện Phương (Điện Bàn), cách trung tâm huyện 14km, nhưng cách biệt dòng chảy giao thông. Muốn đến làng phải “mượn đường” Hội An, từ cảng cá Thanh Hà, qua sông hoặc theo xe, sang Nam Phước (Duy Xuyên) tìm gặp. Thế giới yên bình ấy, có những buổi chiều như ca dao. Có những con đường đất chạy giữa hai hàng tre tăm tắp, râm mát, nhiều ngôi nhà ba gian truyền thống, nhà cổ trăm năm ẩn mình giữa khu vườn đầy cây trái, các cồn nổi lơ thơ cây cỏ, vài chiếc đò cắm sào chờ đợi bên triền sông hoang vắng… Sinh cảnh nên thơ ấy có “nguy cơ” trở thành hoài niệm trước sự tàn phá của thiên tai. Mỗi năm, diện tích 374.000m2 của làng mất đi không ít đất, bờ sông sạt lở, đẩy số phận của 156 hộ dân, 750 nhân khẩu trước nguy cơ biến dịch, tìm cách tha hương. Nghề truyền thống chiếu chẻ từng nuôi sống dân làng ngày càng mai một, biến dạng trước sự thay đổi của thời cuộc và địa lý. Một số ít trụ lại với nghề trong trạng thái thấp thỏm đầu ra, một số người đi làm thuê kiếm sống bằng đủ loại nghề.

Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây của KTS. Bùi Kiến Quốc.Ảnh:T.PHONG
Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây của KTS. Bùi Kiến Quốc.Ảnh:T.PHONG

Không thể đứng nhìn dân “tha hương” và sự khắc khoải của các nhà bảo tồn, kiến trúc khi ngày càng vắng dần hoặc biến dạng của các làng quê truyền thống trước tốc độ đô thị hóa, cộng với khu du lịch nhà vườn Triêm Tây đang được KTS.Bùi Kiến Quốc đầu tư hiệu quả, chính quyền Điện Bàn đã quyết định đầu tư một dự án du lịch cộng đồng để giữ “báu vật” của địa phương. Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho rằng, chưa có một đánh giá, khảo sát cụ thể bao nhiêu người dân đã được hưởng lợi từ các dự án đầu tư ven biển. “Resort tạo ra khuôn mặt mới cho ven biển nhưng lại tốn kém giải phóng mặt bằng, di dời dân làm mất bản sắc, thay đổi tập quán…, nên nghĩ tới du lịch cộng đồng là một lựa chọn có tính quyết định để bảo vệ ngôi làng thuần Việt, ít bị tác động bởi thế giới văn minh như Triêm Tây” - ông Thanh nói. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, dự án phát triển sẽ được thực hiện trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 8.2014, với tổng kinh phí đầu tư 8,27 tỷ đồng này sẽ khởi đầu cho một cuộc giữ làng cho dân. Họ hy vọng từ nguồn lực sẵn có, những người dân nghèo địa phương sẽ được tạo việc làm, hỗ trợ tăng thêm thu nhập thông qua kinh doanh du lịch, bảo tồn nghề chiếu, tiếp cận các dịch vụ xã hội. Quan trọng là “rẻo đất nhỏ” này sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng, kè chống sạt lở khoảng 500m để giữ đất, giữ nguyên trạng dáng vẻ nông thôn và giữ chân người Triêm Tây ở lại làng sinh sống, không thắc thỏm những cuộc di dân.

“Đảo xanh Triêm Tây”

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, một người đã có khá nhiều kinh nghiệm về hoạch định các chính sách, hiểu rõ sự thất bại của ý tưởng và sự trả giá cho việc quy hoạch sai lệch. Vì thế, ông tuyên bố để giữ bản sắc làng cần một quy hoạch đúng đắn. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và UNESCO đã giúp chính quyền địa phương hiện thực hóa ý tưởng và tìm kiếm mô hình cho việc giữ làng Triêm Tây. Theo tiến sĩ ngành cảnh quan đô thị, KTS. Ngô Anh Đào (Công ty thiết kế - sáng tạo MCMS), sinh cảnh Triêm Tây đẹp, đặc trưng của làng quê thuần Việt vùng sông nước. Trong tương lai gần (10 - 20 năm) có thể bảo tồn, tận dụng cảnh quan này hiệu quả hơn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn (50 - 100 năm), đa số cảnh quan đặc trưng này sẽ bị nước biển dâng và lũ lụt. Việc xây kè cứng ngăn lụt và sạt lở bờ sông có thể thực hiện sớm, dễ làm, nhưng sẽ ảnh hưởng đến bản chất môi trường hiện có. Bà Anh Đào nói với tầm nhìn trung và dài hạn cho Triêm Tây nên theo một kịch ản duy nhất là “sống chung và ứng phó an toàn với lũ”. Điều đó tương đương với việc hạn chế mọi can thiệp kỹ thuật “cứng” vì những can thiệp này vô nghĩa. Thay vào đó là chuẩn bị sẵn bối cảnh tương lai. Các công trình, từ hạ tầng tới xây dựng đều phải được định hướng theo kịch bản này. Bởi vậy, những giải pháp đề ra sẽ gọn nhẹ, hướng vào tu sửa, bảo tồn và hạn chế mọi tác động lớn, chi phí cao theo như cải tạo cốt nền hoặc kè cứng. Chiến lược định hướng quy hoạch là cải tạo thủy văn sống chung với lũ như trồng mới và tái tạo quần xã thực vật ngập mặn thành “đảo xanh Triêm Tây” nhằm chống xói lở sạt lở bờ, ứng dụng kè sinh học như KTS.Bùi Kiến Quốc đã làm. Ngoài ra nên xây dựng các bến đò thân thiện, hạn chế tối đa kè “cứng”, kết nối giao thông đường bộ hay đường thủy một cách hữu cơ dựa vào hiện trạng tránh các can thiệp hạ tầng “cứng” hay bê tông hóa…

Theo ông Thanh, chính quyền cam kết sẽ tuân thủ các ý tưởng, điều chỉnh quy hoạch theo thực tế, bố trí nguồn kinh phí để lập quy hoạch chi tiết, đưa ra các thiết kế, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư. Dự án mới chỉ là việc xác định mô hình, bước đi, lượng được xung đột lợi ích giữa phát triển và bảo tồn, cần thêm nhiều hiến kế của các nhà, chuyên gia hoạch định kinh tế, doanh nghiệp. “Một mô hình đầu tư thành công là phải tạo ra được sự khác biệt. Không hy vọng dự án được phê duyệt sẽ thành hiện thực ngay và có thể sẽ mất vài ba năm mới có thể định hình, bởi giữ và phát triển không gian làng Việt, hạn chế tác động đô thị hóa giữa thời hiện đại là điều không dễ” - ông Thanh nói.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ đất làng Triêm Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO