Câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa một lần nữa được “hâm nóng” tại hội nghị “Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An - Mỹ Sơn qua 15 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới” diễn ra hôm qua 16.12. Câu hỏi lớn đặt ra trong hội nghị vẫn là con đường phát triển nào ở tương lai trên nền phát huy giá trị của hai di sản này?
Trong lòng Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG |
Nhận diện thách thức
Trong 15 năm với hàng loạt thành tựu đạt được, Hội An và Mỹ Sơn đang chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế cũng như người dân cả nước biết được những giá trị vô giá của mình. Đó cũng là những giá trị làm nên bản sắc văn hóa xứ Quảng. Tuy nhiên, hai khu di sản này cũng đối diện với hàng loạt thách thức, áp lực. Điển hình như Hội An, nguồn vật liệu gỗ tu bổ di tích bị thu hẹp, trong khi quần thể kiến trúc khu phố cổ phần lớn được làm bằng gỗ với niên đại vài trăm năm. Hơn nữa đây lại là một “di tích sống”, kiểu kiến trúc của những ngôi nhà thế kỷ XIX gây khá nhiều bất tiện với cư dân của thế kỷ XX. Bên cạnh đó, có đến hơn 82% số di tích trong khu phố cổ thuộc sở hữu tư nhân nên nguyên tắc bảo tồn không phải lúc nào cũng nhận được đồng thuận. Còn tại Mỹ Sơn, những phế tích Chăm đang phải đối diện với tình trạng mủn mục gạch cổ. Đến nay vẫn chưa thể tìm thấy một loại gạch và chất kết dính tương đương với nguyên liệu gốc. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Các công trình nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm chưa nhiều; công tác tu bổ, tôn tạo công trình kiến trúc nghệ thuật này chúng ta chưa có kinh nghiệm, vì thế khá khó khăn, lúng túng về giải pháp. Áp lực to lớn của sự phát triển, nhất là việc bùng nổ của ngành kinh tế du lịch - dịch vụ đã tăng sức ép về quy mô, mật độ dân số, tăng nguy cơ suy thoái về môi trường sinh thái, nhân văn… ảnh hưởng đến di tích”.
Ngoài những thách thức đến từ bản thân di sản, nội lực để bảo tồn, phát huy hai khu di sản này cũng gây nên những vấn đề “khó xử”. ThS. Trần Ánh - nguyên cán bộ Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, việc tăng dân số cơ học, áp lực về vấn đề cư trú, chất thải do phát triển du lịch… gây nên những sức ép thật sự trong công tác bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Ở Mỹ Sơn, lại đối diện với thực trạng thiếu nguồn ngân sách để tổ chức trùng tu. Ngoài các giá trị văn hóa, lịch sử của khu đền tháp, 15 năm qua Mỹ Sơn vẫn loay hoay đi tìm một sản phẩm độc đáo tạo nên sức hút cho riêng mình.
Cần sự gắn kết
PGS-TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, người đã cùng đi chặng đường hơn 15 năm qua với hai di sản Hội An và Mỹ Sơn chia sẻ: “Tấm lòng, tình cảm của người dân Quảng Nam đã giữ hai di sản này bình yên qua bao nhiêu thời cuộc, và làm nên kỳ tích khi đưa cả Hội An và Mỹ Sơn vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Thời gian tới, tôi nghĩ chúng ta nên có một cơ chế quản lý đặc thù, và nên đưa việc sẽ phải quản lý như thế nào vào chương trình nghị sự quốc gia”. Còn ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, muốn bảo tồn tốt di sản, cần dựa trên các nghiên cứu khoa học để tránh sai sót, lệch chuẩn.
Từ ý kiến tại hội nghị, có thể thấy, để công tác bảo tồn, tôn tạo di sản đạt hiệu quả cần có sự huy động tổng hợp các nguồn lực và phát huy vai trò gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và người dân. Từ đó tạo nên sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát huy giá trị, phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập quốc tế. Ở góc độ nhà quản lý, theo ông Nguyễn Chín - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong định hướng tương lai cần có một bản quy hoạch đặc thù cho Hội An và Mỹ Sơn. “Chúng ta cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu về kiến trúc Chăm dưới nhiều khía cạnh nhằm củng cố thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để tu bổ, phục hồi di sản một cách khoa học, đồng bộ. Quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho việc tu bổ cấp thiết, cứu nguy các di tích bằng kinh phí từ nhiều nguồn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho các chủ di tích thuộc sở hữu tập thể, tư nhân và có chính sách giải quyết nguồn gỗ quý vừa đủ đáp ứng nhu cầu tu bổ, tôn tạo di tích. Đồng thời phối hợp với cơ quan, tổ chức mở các khóa đào tạo nghề trong lĩnh vực trùng tu di sản...” - ông Nguyễn Chín nói.
PGS-TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia: “Cần công bằng với di sản” Trong thời gian tới, tôi nghĩ cần lập một cơ chế quản lý đặc thù đối với hai khu di sản này. Hội An là một đô thị với những đặc thù văn hóa khác biệt, một “bảo tàng sống”. Trong khi Mỹ Sơn, đặc biệt với công tác trùng tu, cần thận trọng, nâng niu. Những gì Hội An làm được thì phải để người Hội An làm. Chính người dân ở đô thị cổ quyết định sự tồn tại, phát triển của đô thị đó. Riêng với Mỹ Sơn, liệu tấm áo này khoác cho Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn có quá chật. Mỹ Sơn cần một mô hình quản lý thích hợp hơn. Riêng với vấn đề liên kết vùng, liên kết với các di sản văn hóa của miền Trung, cần phải tận dụng nhiều hơn. Bởi đến với nhau bằng di sản là con đường dễ nhất. SONG ANH (ghi) |
SONG ANH