Một đề án phát triển du lịch, trong đó ưu tiên về vùng biển đảo của huyện Núi Thành vừa được UBND tỉnh thông qua, trong đó, quần thể địa chất Tam Hải được nhìn nhận là một trong những địa điểm có rất nhiều tiềm năng...
Tam Hải thạch họa
PGS-TS. Ngô Văn Doanh - Hội đồng Di sản quốc gia, từng cho rằng, Tam Hải có một tài sản vô giá, là “Tam Hải thạch họa” - tức tranh đá Tam Hải, mà nếu chụp hay vẽ lại các bức tranh đá này có thể trưng bày thành một triển lãm lớn về “tranh đá tự nhiên”.
Khẳng định là nơi duy nhất của Việt Nam sở hữu lượng đá cổ nhiều và giữ nguyên vẹn cấu tạo địa chất của hàng triệu năm, PGS-TS. Chu Văn Ngợi - Viện Nghiên cứu Địa môi trường và Biến đổi khí hậu cho biết: “Điểm nổi bật của tiềm năng di sản địa chất ở đây là các thành tạo địa chất lộ ra ven biển cổ. Đây là điểm duy nhất ở bờ biển Việt Nam có đá cổ lộ ra và các đảo ven bờ cũng là đá cổ nhất. Đặc điểm thứ hai là đá gốc lộ ra trên một diện rộng, đá còn rất tươi và giữ nguyên vẹn các cấu tạo địa chất như phân phiến, cấu tạo khúc dồi và các uốn nếp nằm ngang, nằm nghiêng cộng với các di tích về quá trình phát triển địa chất. Ở một xứ sở nhiệt đới có một vết lẹo đá gốc cổ lại rất tươi như vậy thì quá hiếm vì phần lớn ở các nơi khác đều bị phân hóa”.
Nghiên cứu từ Tổng hội Địa chất Việt Nam, Tam Hải có các loại đá biến chất, trầm tích, núi lửa, xâm nhập, các loại khoáng sản cũng như các loại tài nguyên đất, nước, di sản địa chất có tuổi từ khoảng 2 tỷ năm đến nay. Không chỉ vậy, theo đánh giá sơ bộ của nhiều nhà khoa học, xã đảo Tam Hải có cảnh quan địa chất và kiến tạo địa chất điển hình cho sự hình thành lớp vỏ Trái đất ngày nay.
Về mặt hóa thạch, nơi đây đã tìm thấy những dấu vết của các loài cổ sinh có niên đại từ 500 đến 4.000 triệu năm. Quá trình khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều điểm di sản hoặc điểm có giá trị về tài nguyên có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Các yếu tố nêu trên không chỉ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để phát triển công viên địa chất mà còn là một điểm du lịch giàu tiềm năng vùng cực nam của tỉnh.
Ông Tôn Thất Hướng - Sở VH-TT&DL cho rằng, Tam Hải được bao bọc bởi một mặt là biển và ba mặt là sông, Tam Hải có đủ thuận lợi để hình thành một vùng sinh thái nước lợ và phía biển là một rạn san hô đá ngầm có nhiều nguồn hải sản quý như tôm hùm, hải sâm... cùng với một môi trường, phong cảnh đặc sắc để hình thành khu du lịch đẹp thuộc loại hiếm ở miền Trung.
“Theo Đại Nam nhất thống chí, đây là thôn “Trưởng nam của kỳ hóa” của tất cả xóm dân làng chài từ Đà Nẵng vào đến Bình Định. Ghềnh đá Bàn Than là một vách đá đen dựng đứng sát mép biển cao 42m, một cảnh quan hùng vĩ và hiếm có, xét trên cả dải ven biển miền Trung nhiều bãi cát... (trích “Truyền thống văn hóa biển Quảng Nam” - Tôn Thất Hướng).
Phát huy tri thức địa phương
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, làng du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải, làng du lịch sinh thái cộng đồng hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ của Núi Thành là những địa điểm được chọn trong đề án phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh thời gian tới. Trong đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là giữ lại hiện trạng tự nhiên của Tam Hải.
“Đây là điều phải làm, sau đó sẽ phát triển các dịch vụ du lịch phụ trợ. Mở mang du lịch biển theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, không bao vây thiên nhiên chỉ để phục vụ một nhóm lợi ích và đặc biệt không xâm hại đến lợi ích chung của cộng đồng. Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn để cố giữ lấy Hòn Chim (Tam Quang), giữ lại hiện trạng địa tầng địa chất là ưu tiên” - ông Ngô Đức An nói.
Sở hữu di sản địa chất vô cùng giá trị, theo nhiều nhà khoa học, nếu theo phương án xây dựng công viên địa chất, không chỉ với riêng Tam Hải mà Quảng Nam cần mở rộng phạm vi và cần nhận diện giá trị địa chất các tổ hợp thạch kiến tạo của huyện Núi Thành. Theo đó, trong hai thời kỳ lịch sử hình thành vỏ lục địa cổ, từ Proterozoi giữa (PR2) đến Paleozoi sớm (PZ1) gồm các phức hệ Ta Vi, Chu Lai, Hiệp Đức, Núi Ngọc, Điện Bông và Trà Bồng, các hệ tầng Khâm Đức, Núi Vú, A Vương ở phía nam và phía tây huyện.
Tri thức địa phương là một bản ghi vô giá về sự thích nghi và sáng tạo của con người trước tự nhiên. Bảo tồn và phát huy giá trị tri thức địa phương về di sản địa chất phụ thuộc phần lớn vào nhận thức và ý thức gìn giữ của người dân địa phương. Từ nhiều năm nay, theo UBND huyện Núi Thành, công tác quản lý hiện trạng, quản lý quy hoạch đất đai, các danh thắng, di tích vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến việc lấn chiếm xây dựng trái phép, trồng cây trái phép trên đất di tích, danh thắng như Biển Rạng, Bàn Than, hố Giang Thơm và các di tích. Ngoài ra, vấn đề về môi trường tại các điểm du lịch tự nhiên, đặc biệt, tại khu vực nhạy cảm như Tam Hải hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để...