Giữ giá trị nhãn hiệu tập thể: Vai trò của người trong cuộc

HOÀNG LIÊN (thực hiện) 01/01/2019 03:59

Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống đặc sản của Quảng Nam đã được tạo lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) nhưng trên thực tế lại không phát huy được thương hiệu, chưa tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong bối cảnh hội nhập. Thực tế đó đòi hỏi có sự vào cuộc và giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN về nỗ lực, định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề xứ Quảng.

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN.

Thưa bà, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh dù đã được tạo lập quyền SHCN nhưng vẫn thua trên sân nhà, nguyên nhân từ đâu?

Bà Lê Thủy Trinh: Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận quyền sở SHCN, một số nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được quản lý, phát triển khá hiệu quả, định vị được thương hiệu sản phẩm, qua đó mở rộng được thị trường, nâng cao sản lượng cũng như thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh như tiêu Tiên Phước, nước mắm Cửa Khe, bưởi Đại Bình... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa được các chủ sở hữu phát huy giá trị của nhãn hiệu đã được bảo hộ như: chưa tổ chức trao quyền sử dụng nhãn hiệu, chưa triển khai các quy chế quản lý và phát triển nhãn hiệu...

Theo Sở KH-CN, giai đoạn 2019 - 2020 sở sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 5308/KH-UBND của UBND tỉnh: Tiếp tục tạo lập quyền SHCN dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho 10 sản phẩm; quản lý và phát triển cho 15 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương. Tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các chủ sở hữu đưa nhãn hiệu vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu; hỗ trợ các hoạt động truyền thông quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại.

Sở KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và các địa phương để có thể lồng ghép, huy động nguồn lực từ nhiều chương trình, kế hoạch như thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ cấp huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”...

Vẫn còn quan niệm cho rằng để phát triển thương hiệu thì phải cần rất nhiều tiền, song yếu tố quan trọng nhất là ý chí và quyết tâm của các cơ sở cũng như sự tham gia hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Nhiều sản phẩm đặc trưng làng nghề truyền thống của chúng ta còn ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa quan tâm đúng mức đến sự cần thiết phải phát triển thương hiệu, chưa nắm rõ các quy định pháp luật về SHTT; chưa có sự đồng thuận, hợp tác trong cộng đồng để cùng phát triển. Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân về nguồn lực (con người, tài chính...) nên các chủ sở hữu này chưa thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu, chưa quan tâm đến việc đưa các nhãn hiệu đã được bảo hộ vào sản xuất, kinh doanh. Thậm chí có nhãn hiệu đã hết thời hiệu bảo hộ (10 năm) mà chưa hề triển khai một hoạt động nào, không tiến hành các thủ tục gia hạn thời hiệu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng không biết sản phẩm của mình đã được bảo hộ thương hiệu. Vì chạy theo lợi nhuận nên vẫn còn tình trạng một số nhà sản xuất, kinh doanh chấp nhận việc sản phẩm mình sản xuất ra được tiêu thụ với tên của một nhãn hiệu khác.

Sở KH&CN đã có những động thái gì trong việc hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển quyền SHCN cho các sản phẩm đặc trưng, thưa bà?

Bà Lê Thủy Trinh: Việc xây dựng và phát triển, bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị của nhãn hiệu sau bảo hộ được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã xác định: “Đến năm 2025, đăng ký bảo hộ quyền SHCN cho 100% sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh”.  

Theo Kế hoạch số 5308/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành, thì mục tiêu đến năm 2020, phải hoàn thành việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN cho 32 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề; xây dựng và vận hành có hiệu quả mô hình hệ thống tổ chức quản lý, phát triển quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 26 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề. Chúng tôi rất phấn khởi vì đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của chính quyền địa phương cũng như người dân tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Chúng tôi đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vai trò, vị trí của thương hiệu; cùng với địa phương và cộng đồng thảo luận, lựa chọn chủ sở hữu, xây dựng các quy chế, thiết kế logo và xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm. Đối với các nhãn hiệu đã được bảo hộ, chúng tôi đã đào tạo, tập huấn về phương thức quản lý và sử dụng nhãn hiệu; giúp các chủ sở hữu xây dựng, ban hành các quy trình, quy chế triển khai quản lý, phát triển nhãn hiệu; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu (tem, nhãn, bao bì, tờ rơi, áp phích)... Hiện, đã xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 22 sản phẩm; thực hiện quản lý phát triển quyền SHCN cho 11 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề của địa phương.

Không gian của Làng lụa Hội An. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Không gian của Làng lụa Hội An. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Thưa bà, để xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, những việc cấp bách cần làm hiện nay là gì?

Bà Lê Thủy Trinh: Thứ nhất, phải xây dựng mô hình tổ chức quản lý đối với từng nhãn hiệu, thành lập ban kiểm soát hoạt động, các bộ phận chuyên môn giúp việc chủ sở hữu, hoàn chỉnh Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu, xây dựng và ban hành các văn bản khác quy định cụ thể về công tác quản lý. Cụ thể là quy trình trao và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu; quy trình sử dụng kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu; các quy trình kiểm soát và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… Cần tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho các nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về nhãn hiệu; phương thức và các quy định quản lý, sử dụng nhãn hiệu. Tổ chức trao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức/cá nhân có nhu cầu và thỏa mãn các tiêu chí quy định.

Thứ hai, là phát triển sản phẩm. Đó là đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, để phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Ứng dụng KH&CN nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn giữ được những giá trị đặc trưng, truyền thống của sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại để thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư phát triển sản phẩm. Tổ chức giám sát việc tuân thủ Quy chế sử dụng nhãn hiệu, kiểm tra quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm tra hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường để đảm bảo sản phẩm cung ứng đến người tiêu dùng đạt chất lượng cao nhất.

Thứ ba là xây dựng hệ thống phương tiện quảng bá và khai thác giá trị nhãn hiệu. Tổ chức việc thiết kế và phát hành các tài liệu giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, biểu tượng, hệ thống tem nhãn sử dụng cho nhãn hiệu (tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hàng hóa, tờ rơi, poster, biển hiệu quảng cáo...) với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Triển khai các hoạt động quảng bá nhãn hiệu bằng nhiều hình thức nhằm giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến đông đảo người tiêu dùng.

Cuối cùng là kết hợp phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu với việc phát triển du lịch: xây dựng mô hình và sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như giá trị văn hóa riêng có của sản phẩm, mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững sản phẩm.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

HOÀNG LIÊN (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ giá trị nhãn hiệu tập thể: Vai trò của người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO