Giáo dục - Việc làm

Giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường nội trú Nước Oa: Học sinh "dạy" học sinh

VĂN BÌNH 05/03/2024 10:00

Thông qua hoạt động ngoại khóa, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Nước Oa (Bắc Trà My) đã “dạy” cho nhau cách múa, hát dân ca, đánh trống chiêng…, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.

hs-truong-ptdtnt-nuoc-oa-tu-tin-trinh-dien-mua-cong-chieng-tai-le-hoi-vh-huyen-bac-tra-my-hoi-nam-2022.jpg
Học sinh Trường PTDTN Nước Oa tự tin trình diễn múa cồng chiêng tại Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My hồi năm 2022. Ảnh: V.B.

Gần đây, tại các lễ hội, hội thi ở địa phương hoặc cấp tỉnh, đoàn diễn viên học sinh Trường PTDTN Nước Oa luôn tham gia với nhiều tiết mục múa, hát dân ca, đánh trống chiêng, tái hiện các nghi thức truyền thống đặc sắc, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Cor, Cadong, M’Nông… ở vùng Trà My.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường PTDTN Nước Oa - bà Hồ Thị Hiến, khoảng 6 năm trước, nhà trường mời các nghệ nhân gạo cội người Cadong, Cor ở xã Trà Bui, Trà Kót trực tiếp về trường dạy múa, hát dân ca, đánh trống chiêng cho học sinh.

Quá trình truyền dạy, được ghi âm, ghi hình các động tác múa, tiết tấu, lời hát, thanh điệu trống chiêng… để lưu dạy về sau và linh hoạt thực hiện mô hình học sinh “dạy” học sinh để nhân rộng.

Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 12 lớp, hơn 400 học sinh và đều được thành lập, duy trì các đội văn nghệ, múa hát dân ca, đánh trống chiêng; đồng thời phát động tập luyện, thi đua giữ gìn bản sắc văn hóa trong toàn trường.

ee.jpg
Hằng năm, Trường PTDTN Nước Oa đều tổ chức Lễ hội tết mùa dân tộc thiểu số nhằm giáo dục bản sắc văn hoá cho học sinh. Ảnh: VB.

Cũng theo bà Hiến, nhà trường tuyển sinh đào tạo từ khối lớp 9. Học sinh khối 9 mới tuyển vào hằng năm thường bỡ ngỡ thì được các anh chị khối lớp trên truyền đạt, hướng dẫn lại cách múa, đánh trống chiêng, hát dân ca, nghi thức trong các lễ hội truyền thống các dân tộc thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt thường nhật sau giờ học ở ký túc xá…

“Nhà trường luôn có đội văn nghệ, hát, múa cồng chiêng chủ lực để phục vụ, tham gia các hoạt động quy mô ngoài nhà trường và hỗ trợ “dạy” bản sắc văn hóa cho học sinh mới.

Đối với khối lớp 12, nếu có trường hợp là nòng cốt am tường bản sắc trong đội ra trường, khuyết thì được tìm nguồn bù đắp bằng số học sinh khối 10 và 11 hoặc mới tuyển vào. Cứ như vậy, hoạt động dạy học phổ biến bản sắc văn hóa luôn được duy trì, giữ lửa tại trường” - bà Hiến chia sẻ.

Theo em Trần Thị Thùy Trâm (lớp 9/2, người Cor đến từ xã Trà Giáp), khi nhập học, ở môi trường nội trú, em luôn được các thầy, cô giáo và anh chị khối lớp trên giúp đỡ rất nhiều trong môi trường mới khi học tập xa nhà, sinh hoạt tập thể, ở ký túc xá. Nhất là chỉ vẽ truyền dạy bản sắc văn hóa của người Cor mà trước đây em biết còn mơ hồ.

“Sau hơn 5 tháng học ở trường, em tự tin, mạnh dạn múa cồng chiêng ở lớp và ngay cả các hội diễn có quy mô ngoài nhà trường. Em còn biết ý nghĩa, thông điệp các biểu tượng, màu sắc hoa văn trên áo quần, chuỗi cườm, nơ chít đầu, buộc tóc… của nười Cor cũng như của người Cadong, M’Nông, Mường” - Thùy Trâm thổ lộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường nội trú Nước Oa: Học sinh "dạy" học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO