Giữ gìn bản sắc văn hóa Trà My

HÀN GIANG 10/03/2022 06:45

Nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, huyện Bắc Trà My đã hoạch định những công việc “cần làm ngay” gắn với bố trí nguồn lực hỗ trợ thực hiện.

Nghi lễ dựng cây nêu và bộ guu của người Cor (Bắc Trà My) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: V.B
Nghi lễ dựng cây nêu và bộ guu của người Cor (Bắc Trà My) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: V.B

Khơi dậy niềm tự hào

Đi cùng với nỗ lực sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, huyện Bắc Trà My đầu tư xây dựng quảng trường văn hóa tại trung tâm huyện, với các hạng mục nhà trưng bày truyền thống, 5 nhà truyền thống của 5 dân tộc chính trên địa bàn huyện (Kinh, Cadong, Co, Xơ đăng, Mơnông), hồ điều hòa, sân khấu, sân nền phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa – xã hội lớn trên địa bàn.

Các địa phương, trường học đã vận động, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân là người DTTS mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị - văn hóa, ngày đầu tuần ở trường học. Qua đó, giúp người dân thêm tự hào với trang phục truyền thống của đồng bào mình.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng VH-TT huyện Bắc Trà My, nhận thức vai trò của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS, UBND huyện chú trọng đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, khơi dậy niềm tự hào và phát huy văn hóa truyền thống trong lứa tuổi học sinh các xã vùng cao, cùng với việc chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa, bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào.

UBND huyện giao nhiệm vụ cho 8 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và phổ thông dân tộc nội trú thành lập, tổ chức tập luyện và ra mắt các đội cồng chiêng học sinh trong nhà trường. Đồng thời, cấp kinh phí để nhà trường mua sắm trống, chiêng, trang phục, trang sức; hỗ trợ kinh phí tập luyện cho các đội cồng chiêng.

Đến nay, đã có có 4 trường được hỗ trợ kinh phí mua sắm trang phục, trang sức và tập luyện, ra mắt đội cồng chiêng học sinh và tổ chức biểu diễn cồng chiêng trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Dự kiến năm nay, 4 trường học tiếp theo được cấp kinh phí để thực hiện. Mỗi đội cồng chiêng được thành lập quy tụ 15 - 25 học sinh có năng khiếu, đam mê văn hóa cồng chiêng.

“Với sự hỗ trợ của Phòng VH-TT huyện, các nhà trường tiến hành mua sắm trống, chiêng, trang phục, trang sức cho đội cồng chiêng và mời các nghệ nhân, những người am hiểu văn hóa địa phương về truyền dạy cồng chiêng cho học sinh.

Việc hình thành các đội cồng chiêng học sinh nhà trường, các câu lạc bộ cồng chiêng thanh thiếu nhi tại các xã đã góp phần khơi dậy niềm tự hào, trân trọng văn hóa truyền thống dân tộc của thế hệ trẻ các địa phương, tạo niềm đam mê cho các em lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông” - bà Nga cho biết.

Phát triển du lịch cộng đồng

Cuối năm 2021, sau khi tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu, UBND huyện Bắc Trà My xây dựng đề án trình HĐND huyện thông qua cơ chế bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS huyện Bắc Trà My giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bắc Trà My dự kiến huy động hơn 28 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau để bố trí thực hiện 13 công việc “cần làm ngay” theo mục tiêu của đề án.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Một số lễ hội truyền thống không còn được tổ chức, hoặc tổ chức một cách miễn cưỡng.

Các lễ nghi liên quan đến nông nghiệp, các phong tục tập quán tốt đẹp, liên quan đến núi rừng, sông, suối... ngày càng ít dần trong đời sống cộng đồng người DTTS. Các bộ cồng chiêng của nhân dân ngày càng ít; các loại hình dân ca, dân vũ chưa được phát huy sử dụng, phổ biến, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Trang phục truyền thống thường chỉ được sử dụng trong các ngày lễ, hội.

Bắc Trà My đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, địa phương hỗ trợ 50% thôn vùng đồng bào DTTS được trang bị trống, chiêng, trang phục, trang sức truyền thống và thành lập đội cồng chiêng đưa vào hoạt động hiệu quả.

Định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống cấp xã, cấp huyện luân phiên 2 năm/lần với các tục cưới hỏi, sinh hoạt đấu chiêng, múa cà đáo, nghi lễ cầu mưa, nghi lễ dựng cây nêu và bộ guu của người Co; lễ cúng máng nước, lễ tết mùa, hát cheo của người Cadong...

“Mục tiêu là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương, tạo sức hút trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mỗi xã vùng đồng bào DTTS phát triển ít nhất 1 sản phẩm đặc trưng địa phương phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch cộng đồng theo đề án “mỗi xã một sản phẩm” - ông Vũ chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ gìn bản sắc văn hóa Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO