Trong 15 chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh, theo báo cáo thì có đến 14 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt. Thật bất ngờ, chỉ tiêu duy nhất chưa đạt là tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh thuộc nhóm chỉ tiêu về môi trường trong Nghị quyết số 71 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Theo đó, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh phấn đấu đạt 95,6%, nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh, dự kiến thực hiện đạt 93,9%, cao hơn năm ngoái một chút (93,5%).
Chỉ tiêu này, không ngờ lại khó thực hiện đến như vậy bởi kết quả đạt được những năm trước đây đã suýt soát rồi. Có lẽ ở một số khu vực, chất lượng nguồn nước tại chỗ và phương thức xử lý nước của cộng đồng dân cư không thể cải thiện được?
Chất lượng nguồn nước đóng vai rất quan trọng đối với tình trạng dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, nguồn nước “hợp vệ sinh” lại phân bố không đồng đều tại các khu vực.
Tại vùng ven biển như xã Tam Thanh (Tam Kỳ), phải công nhận nguồn nước ngầm rất “đúng chuẩn”. Nhiều cơ sở dịch vụ tắm nước ngọt đóng giếng khoan vài chục mét là dùng máy hút mệt nghỉ. Nước hút lên trong vắt, mát lạnh...
Thế nhưng, có lẽ vì quá dồi dào nên việc sử dụng rất lãng phí, người tắm cứ thi nhau dùng gàu mà dội; và dòng nước ào ạt thải ra chạy thẳng xuống cống, không cho ngấm vào đất để tái tạo mạch nước ngầm...
Giáp ranh với Tam Thanh, vùng ven biển xã Tam Tiến (Núi Thành) cũng có nguồn nước ngầm chất lượng. Trước đây thậm chí người dân không cần phải đun sôi nước giếng trước khi uống, nhưng nay thì khác.
Người dân vùng quê này đứng trước nguy cơ sử dụng nguồn nước ô nhiễm do các hoạt động kinh tế gây ảnh hưởng, nhất là tình trạng nuôi tôm trên cát tự phát.
Nước ngọt được hút lên quá mức trong quá trình nuôi tôm, rồi những ao nuôi như đang lơ lửng trên mặt đất... đã khiến mạch nước ngầm bị tổn hại. Không ít hộ dân Tam Tiến đang phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn trong trạng thái bức xúc bởi tình trạng tàn phá tài nguyên vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Giữ gìn nguồn nước ngầm là vấn đề đặt ra từ lâu ở những vùng nông thôn, nhưng việc thực hiện dường như chỉ mới dừng lại ở chuyện nâng cao tinh thần tự giác của cộng đồng. Ở nhiều nơi, hành vi làm tổn hại nguồn nước ngầm dù đã rõ mười mươi, tồn tại dai dẳng nhưng việc xử lý thì chỉ như bắt cóc bỏ dĩa.
Thậm chí với những công trình nước sạch được xây dựng để cải thiện chất lượng nguồn nước, cũng gặp “khó khăn” khi đưa vào sử dụng. Nhất là những công trình do các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí xây dựng, do quản lý kiểu cha chung không ai khóc, nên không ít công trình nhanh chóng hư hỏng, khiến tình hình sử dụng nước hợp vệ sinh của cộng đồng lại rơi vào tình cảnh cũ và còn gây “mắc lòng” đối với nhà tài trợ.
Theo báo cáo, tính từ năm 2016 đến nay, với nhiều nguồn lực, Quảng Nam đã triển khai xây dựng 545 công trình cấp nước tập trung và khoảng 282.300 công trình cấp nước cho hộ gia đình.
Tuy nhiên, không ít công trình cấp nước sạch nông thôn, nhất là ở miền núi đang rơi vào thế khó khăn, không đáp ứng nhu cầu sử dụng do hư hỏng, nguồn nước hạn chế, việc quản lý gặp bất cập… Vì vậy, nỗ lực nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh cũng thiếu ổn định như với tỷ lệ hộ nghèo bởi thực tế người dân... tái sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh.
Ngoài an ninh lương thực thì an ninh nguồn nước cũng là vấn đề toàn cầu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Gìn giữ nguồn nước ngầm được xem là giải pháp lâu dài, nhưng trước hết cần đánh thức tinh thần vì cộng đồng của người dân, và có lẽ nên xuất phát từ sự “thấu hiểu” nỗi vất vả của những cộng đồng đang phải chắt chiu từng giọt nước sạch...