Sự tinh tế trong việc cách tân sản phẩm từ thổ cẩm truyền thống không chỉ giúp văn hóa thổ cẩm được gìn giữ mà còn đưa tinh hoa nghề dệt Cơ Tu ra thị trường trong và ngoài nước…
Thương hiệu Za Ra
Vượt ra khỏi giới hạn sản phẩm thủ công truyền thống, túi Ađhir và các loại sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra (xã Tà Bhing, Nam Giang) đã dần khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng. Ađhir là tên gọi của các loại túi thổ cẩm, được hình thành trên sắc chàm Cơ Tu, với đầy đủ hoa văn cườm được làm ra từ bàn tay tài hoa của phụ nữ Cơ Tu ở Za Ra. Không chỉ đẹp về hình thức, sản phẩm túi Ađhir còn đa dạng về mẫu mã, từ túi xách, túi đeo cho đến các loại ví, túi đựng điện thoại di động…, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra cho biết, trước đây, làng nghề dệt thổ cẩm Za Ra chỉ phục vụ cho việc tham quan du lịch và bảo tồn truyền thống. Nhưng từ khi làng nghề được hình thành theo mô hình HTX, với sự giúp sức của chính quyền địa phương, Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR), cùng các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm của Za Ra đã lần lượt tạo được sự chú ý, quan tâm của cộng đồng. Từ đó giúp làng nghề mở rộng thị trường, tạo cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
“Bây giờ, nghề dệt thổ cẩm Za Ra đã dần khẳng thương hiệu bằng các sản phẩm độc đáo được tạo nên từ chính bàn tay khéo léo của phụ nữ Cơ Tu. Ngoài bày bán tại chỗ phục vụ khách du lịch, các sản phẩm thổ cẩm của chúng tôi còn được chọn để trưng bày, triển lãm tại rất nhiều hội chợ nghề truyền thống, thu hút sự quan tâm, tìm mua của du khách trong và ngoài nước” - bà Lan chia sẻ.
Từ việc mở rộng thị trường và nỗ lực sáng tạo nên các sản phẩm độc đáo, năm 2018, túi Ađhir của HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Za Ra được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh theo Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), mở ra cơ hội mới cho việc định danh thương hiệu thổ cẩm thủ công truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Cùng giữ lửa nghề
Thời gian qua, nhiều phụ nữ ở Nam Giang nỗ lực tìm tòi, biến tấu các sản phẩm dệt thủ công thành các mặt hàng độc đáo, thu hút giới trẻ và du khách. Như chị Bh’nướch Thị Adam (ở xã Cà Dy), sau thời gian học nghề may công nghiệp rồi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, khi về nước đã tự gom góp vốn liếng để mở một tiệm may chuyên về thổ cẩm truyền thống. Bằng sự sáng tạo của mình, chị Adam đã thiết kế được hơn 100 mẫu trang phục thổ cẩm cách tân, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Chị Adam chia sẻ, hơn 5 năm trước, sau khi trở về từ Hàn Quốc, chị nảy ra ý tưởng xây dựng một tiệm may chuyên thiết kế các trang phục truyền thống cách tân của đồng bào Cơ Tu. Ý tưởng này là giải pháp “kép” giúp chị vừa sáng tạo ra các mẫu sản phẩm thổ cẩm độc đáo, phù hợp với xu thế thời trang của giới trẻ, vừa nỗ lực giữ lửa nghề trước nguy cơ văn hóa truyền thống bị mai một. Nghĩ là làm, bên cạnh giữ các họa tiết truyền thống, chị Adam còn miệt mài sưu tầm, tìm cách biến tấu một vài gam màu trên nền thổ cẩm vốn có.
Để tăng tính tương tác, giúp thổ cẩm Cơ Tu gần gũi hơn với đời sống của giới trẻ, chị Adam còn tinh tế phối hợp thổ cẩm truyền thống với các chất liệu vải và hoa văn hiện đại, cách tân thành các sản phẩm váy đầm dạ hội vô cùng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu. Chị Adam nói, trước đây, váy thổ cẩm Cơ Tu thường khá đơn giản, chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội, cưới hỏi. Vì thế, các sản phẩm của chị không chỉ giúp thổ cẩm gần hơn với giới trẻ, mà còn gợi mở nhiều cơ hội xuất hiện đều đặn trong đời sống thường ngày của đồng bào. Và quan trọng hơn là tạo được điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của du khách, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông.
“Từ hiệu quả bước đầu này, thời gian tới tôi sẽ tính đến việc mở rộng quy mô sản phẩm, quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn, chứ không chỉ bó hẹp ở địa bàn Nam Giang. Nhưng, đó sẽ là kế hoạch lâu dài” - chị Adam nói.