Giữ gươl của người Cơ Tu

THƯỢNG HỶ 23/11/2017 09:38

Là ngôi nhà cho những sinh hoạt cộng đồng làng, kiểu dáng gươl của người Cơ Tu ở miền Trung mang kiến trúc độc bản. Cũng vì thế, có những người đang thầm lặng bảo tồn trước thực trạng kiến trúc gươl của người Cơ Tu ngày một biến dạng.

Gươl làng, kiến trúc độc đáo của người Cơ Tu cần được bảo tồn, lưu giữ nét truyền thống. Ảnh: THƯỢNG HỶ
Gươl làng, kiến trúc độc đáo của người Cơ Tu cần được bảo tồn, lưu giữ nét truyền thống. Ảnh: THƯỢNG HỶ

Một chi tiết được điêu khắc trên trống cổ Đông Sơn về hình ảnh người đang đánh chiêng đứng giữa cửa nhà với hai đầu hồi uốn cong cùng mái võng lên. Xem thêm kiểu nhà Mangarai, Timor (Đông Nam Á hải đảo) thì có dạng mái hình mu rùa như gươl của người Cơ Tu Quảng Nam. Nhưng có thể khẳng định rằng, gươl của người Cơ Tu có mái cao, hai đầu hồi uốn cong hình cung và thường dùng hình chim (chim t’ring) hoặc cặp gà trống mái trang trí ở hai nóc, đan vào giữa là tấm tacooi được tô vẽ các hoa văn hình học hoặc dáng người phụ nữ đang múa (da dá) bằng hai màu chính, đen và đỏ. Diềm nóc mái được chặn giữ bằng tấm gỗ hình răng cưa, cũng được tô vẽ. Các cặp thanh gỗ đầu cong như sừng trâu có công năng giữ tranh lợp của hai mái, vừa tăng thêm vẻ duyên dáng của mái. Bên trong gươl mới thật là thú vị, đầu tiên là bộ phận kiến trúc cây cột chính ở giữa nhà (tượng trưng cho cột bố) cao đến nóc, phụ đỡ mái là 6 cột mẹ và 6 cột con với kiểu mộng ngoãm liên kết các thanh kèo gỗ được đẽo trên nhỏ, dưới lớn.

Không dựng nhà như người Kinh ở vùng xuôi là tạo nên bộ vì (vài) mà phải dựng cây cột bố trước, cột mẹ, cột con dựng sau, đến lắp đặt đòn đông, rồi mới đến các thanh kèo. Cách lợp tranh (hoặc lá mây, lá cọ) cũng có điểm khác, đó là tấm trên lợp trước, tấm dưới lợp sau, cùng những vòng cung đồng tâm thu nhỏ đến nóc tạo nên đầu hồi làm cho ngôi trở nên cao hơn và hấp dẫn hơn khi mái tranh này được hun khói từ hai bếp đặt ở hai đầu bên dưới.

Đề tài trang trí các tác phẩm điêu khắc và hình vẽ được tô màu từ nguyên liệu như đá ở suối (đỏ, trắng), từ than củi (đen). Chính sự đối lập, kìm hãm lẫn nhau của màu đỏ và sắc đen làm gươl toát lên vẻ linh thiêng. Đề tài trang trí rất phổ biến thể hiện gần gũi với đời sống của cư dân miền núi, những con vật của núi rừng như trâu, heo rừng, chó, hươu, nai, cá sấu, kỳ đà, chim và các loài cây cỏ có ích với con người như lúa, đùng đình, tà vạt (làm rượu). Các hình khắc, vẽ cách điệu thành hình kỹ hà như rau dớn, lưng con thú và hình các vị thần, quỷ giữ nhà, giữ bếp... được thể hiện trên các cột, xà, xuyên, tấm vách ngăn, bậc cấp.

Gươl được bố trí ở tâm của làng, những ngôi nhà ở bao quanh theo hình vòng cung. Thanh niên trai trẻ trong làng thường nghỉ ngơi bên trong gươl, vách ngăn che chắn thấp để dễ dàng quan sát bên ngoài (phòng thủ, bảo vệ làng); đồng thời khách xa đến được ưu tiên ở đây. Ông Le Pichon - một vị quan ba người Pháp đầu thế kỷ XX đã có những tình cảm sâu đậm về người Cơ Tu. Ông đã ghi lại cảm nhận khi nghỉ bên trong gươl: “...Gươl bao giờ cũng được dựng cẩn thận với mặt bằng như nhà ở, song thường rộng hơn nhiều, chúng tôi đã từng ngủ tới hơn trăm con người trong gươl ở làng A Ro (nay thuộc huyện Đông Giang) mà vẫn cảm thấy rất thoải mái...”.

Nhưng gươl sẽ mất đi hoặc ít ra cũng bị biến dạng như những ngôi đình của người Kinh. Những kiến trúc hiện đại cùng với vật liệu mới được người địa phương tiếp nhận sẽ nhanh chóng thay đổi tất cả. Sự thật đã có những mái lá của gươl được thay thế bằng mái tôn. Và điều gì đã xảy ra? Quá nóng, vì mái có độ dốc lớn đã đưa xuống gần đầu người. Một điều mà ai cũng biết, nhất là điều cơ bản cho các kiến trúc sư và nhà thiết kế là “vật liệu thế nào thì kiến trúc thế ấy”. Có nhiều người bảo tôi rằng, hiện nay nguồn lá lợp mái, nhất là tranh không có nên phải lợp tôn. Xin mách phương án tốt nhất mà tôi học từ những nông dân ở xứ Hoa anh đào là dành đất cho việc trồng cây tranh mọc hoang dại. Cũng với cách làm đó mà hôm nay làng Chira wa Go ở miền Trung Nhật Bản có đến 114 ngôi nhà mái lợp tranh truyền thống được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, hàng năm đón đến 2,5 triệu lượt khách đến thăm.

Ở Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, câu chuyện trên tưởng rằng khó thực hiện, nhưng điều này đã được cán bộ văn hóa của huyện Tây Giang đang triển khai nhằm bảo tồn tính nguyên gốc với sự đồng tình ủng hộ từ lãnh đạo huyện. “Gươl sẽ mất đi hay biến dạng” là mối quan tâm của nhiều người làm công tác bảo tồn. Mỗi năm ít nhất một lần tôi đến thăm các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Tôi quan sát và chú ý nhất các ngôi làng có những ngôi nhà nằm dọc trục đường chính đến trung tâm các huyện, nơi mà kiến trúc truyền thống dễ mất đi. Nhưng thật lạ, làng nào cũng có gươl lợp mái lá truyền thống, trang trí bên trong đẹp, luôn vang tiếng cười của chủ và  khách đang sinh hoạt. Hỏi Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang - Nguyễn Chí Toàn, người đi đầu dự án bảo tồn gươl địa phương, anh cho biết đến thời điểm huyện này đã phục dựng 71/95 gươl làng. Điều đặc biệt, Nguyễn Chí Toàn là người Kinh, quê Phú Ninh, nhưng lại lặng lẽ làm công việc bảo tồn văn hóa của người Cơ Tu, trong đó có kiến trúc gươl với những thành công  rõ ràng. Bước đầu, Nguyễn Chí Toàn như người giữ được nếp xưa, bảo tồn hiệu quả kiến trúc xanh thân thiện môi trường khá bền vững nhờ việc tuyên truyền vận động người trong làng, nêu lên những nét đẹp truyền thống, vinh danh tri thức bản địa của người Cơ Tu, trong đó có kiến trúc gươl…

Không gì hơn, tôi mong ai đó yêu văn hóa nơi này, xin cùng chung tay với anh Nguyễn Chí Toàn và những người địa phương bảo tồn kiến trúc gươl Cơ Tu truyền thống.

THƯỢNG HỶ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ gươl của người Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO