Giữ hồn nghệ thuật dân gian

SONG ANH - PHƯƠNG GIANG 20/06/2017 14:34

Không phải những cuộc chạy đua để phô bày các giá trị văn hóa được gọi tên “bản sắc quê hương”. Có những “cuộc chạy”, để cổ xúy và giữ hồn cốt nghệ thuật đã có từ nhiều đời của vùng đất.

Không gian diễn xướng bài chòi tại Liên hoan hô hát bài chòi và trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tổ chức ở Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: THÀNH CÔNG
Không gian diễn xướng bài chòi tại Liên hoan hô hát bài chòi và trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tổ chức ở Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: THÀNH CÔNG

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 khép lại. Ngoài các mục tiêu đề ra về lưu lượng du khách, kích hoạt du lịch các vùng lâu nay im ắng, còn vang lên tiếng chuông về những giá trị văn hóa dân gian truyền thống ít nhiều bị chìm lấp. Tinh thần dân gian - hầu như là điều mà các nghệ nhân, nghệ sĩ cùng trăn trở.

Tìm về bản sắc

Một không gian chỉ để dành cho hô hát bài chòi được dựng lên. Cùng với những loại hình nghệ thuật trình diễn khác, lần này, Festival Di sản Quảng Nam dành một sự ưu ái hơn cho bài chòi, khi loại hình nghệ thuật dân gian này đang kỳ vọng được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Trong khuôn khổ của kỳ hội, một đoàn khách quốc tế gồm 20 thành viên của các quốc gia trong khối UNESCO tại Paris dự cuộc vui của những người dân làng biển. Và như lời Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài - Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Di sản Quảng Nam, cuộc hội của bài chòi các tỉnh Nam Trung Bộ lần này không chỉ làm nhiệm vụ của bảo tồn mà còn có sứ mệnh quảng bá, tác động để đưa cái hay của nghệ thuật này đến với thế giới. Các chòi tre được dựng lên, giữ đúng tinh thần của một loại hình nghệ thuật truyền thống, một trò chơi dân gian. Các điệu hô, điệu hát, vì thế mà cũng tối giản phương thức trình diễn. Ở góc độ này, hình như các tỉnh cùng mang bài chòi đến Quảng Nam, như Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng, đã nhận ra được rằng, chính cái tính “giản dị” mà cũng rất cao quý của dân gian, mới là thứ làm nên bản sắc.

“Mỗi tỉnh có một loại hình nghệ thuật dân gian với những dị bản và đặc sắc của địa phương. Không ai có thể so sánh được tinh thần của ông bà để lại, là bao nhiêu đời tích lũy của các thế hệ. Mỗi địa phương phải cố gắng giữ lấy tinh thần dân gian của mình, của ông bà để lại và càng không nên sửa chữa hay thay đổi điều này”
(Nhạc sĩ Đào Minh Tâm)

Vậy nên, dù Quảng Ngãi có diễn viên ca kịch bài chòi chuyên nghiệp, họ vẫn chọn về Quảng Nam dự hội đợt này là một câu lạc bộ (CLB) dân ca bài chòi ở ngôi làng ven biển Bình Sơn. Anh Nguyễn Văn Thu, vài bữa này cất hết rớ lưới, cùng bà con làng mình khăn gói ra Quảng Nam, để chơi hội bài chòi. Những người dân lao động vùng ven biển như anh Thu đã mang chuyện buồn, vui, chuyện từ bao đời truyền lại bằng câu ca cổ… để đưa người tìm về với bản sắc làng mình.

Tinh thần dân gian

Nhạc sĩ Đào Minh Tâm - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Bình Định, lần này về Quảng Nam với vai trò thành viên Ban giám khảo cho cuộc liên hoan hô hát bài chòi của 4 tỉnh Nam Trung Bộ, là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. “Dân ca bài chòi ở khu vực Nam Trung Bộ có một thế mạnh riêng. Liên hoan lần này vừa là quảng bá giới thiệu cho người dân và các đại diện di sản văn hóa phi vật thể, vừa là để nhận chân giá trị của nghệ thuật dân gian truyền thống. Mỗi tỉnh có một loại hình nghệ thuật dân gian với những dị bản và đặc sắc của địa phương. Không ai có thể so sánh được tinh thần của ông bà để lại, là bao nhiêu đời tích lũy của các thế hệ. Mỗi địa phương phải cố gắng giữ lấy tinh thần dân gian của mình, của ông bà để lại và càng không nên sửa chữa hay thay đổi điều này” - nhạc sĩ Đào Minh Tâm nói.

Và tinh thần đó, cũng gặp ở các nghệ nhân trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được định danh từ UNESCO. Nghệ nhân hát chầu văn Hồng Thắm (đến từ Vĩnh Phúc) cho biết, nếu sửa hay cố ý sân khấu hóa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, sẽ vô tình đánh mất đi chính tinh thần của loại hình đó. “Dù cho cuộc xoay chuyển thời thế buộc các loại hình văn hóa phi vật thể phải diễn ở sân khấu mới có thể tồn tại được, nhưng cũng không vì thế mà khiến nó trở nên “sân khấu hóa”. Cái khó nhất của nghệ nhân là làm sao để vẫn diễn trên sân khấu nhưng đó là lối diễn mang tinh thần dân gian” - nghệ nhân Hồng Thắm nói.

Và những cơ hội

Ở một góc độ khác, chị Trần Thị Lan - Phó Trưởng phòng Nghệ thuật dân gian Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh chia sẻ câu chuyện về sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Ở một môi trường giải trí sôi động như TP.Hồ Chí Minh, việc người dân đón nhận đờn ca tài tử như một loại hình nghệ thuật bản sắc của vùng đất mình không phải chuyện dễ dàng. Thế nhưng các nghệ sĩ, nghệ nhân vẫn cố bám giữ các sân khấu cải lương, những chiếu đờn Nam Bộ vẫn hằng đêm có suất diễn… cho đến khi người dân thật sự nhìn ra được những cái hay cái đẹp của đờn ca tài tử.

Ông Nguyễn Công Trung - Cục phó Cục Văn hóa cơ sở nói rằng, cuộc hội ngộ của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như thế này chính là cơ hội cho người dân tận mắt chứng kiến nhiều loại hình nghệ thuật của đời sống dân gian. Là cơ hội cho nghệ sĩ khi có được những không gian diễn tấu với lượng khán giả đông đúc. Và cũng là cơ hội của chính các bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống, khi từ đây các giá trị đặc sắc của mình được phô diễn…

Việc cổ xúy cho các giá trị văn hóa dân gian, đã ít nhiều có những tín hiệu vui. Nhiều hơn những người trẻ tìm về với nghệ thuật truyền thống, nhiều hơn những không gian dành cho bài chòi, cho hát xoan, hát chầu văn, đờn ca tài tử Nam Bộ…

SONG ANH - PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ hồn nghệ thuật dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO