Giữ hồn quê kiểng

P.Giang - N.Dương 14/05/2013 08:36

Giữa làng quê yên bình, tiếng pha cật, chẻ tre vang lên, âm thầm lưu giữ hồn quê ngay giữa lòng thị trấn.

Nghề chính vẫn là làm nông, nhưng ở Tam Cẩm và vùng lân cận, nhiều gia đình vẫn gắn bó với cây tre, thanh nan.
Nghề chính vẫn là làm nông, nhưng ở Tam Cẩm và vùng lân cận, nhiều gia đình vẫn gắn bó với cây tre, thanh nan.

Lưu dấu làng xưa

Nằm cách trung tâm huyện lỵ chưa đầy cây số, khối phố Tam Cẩm (thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) như một thế giới tách biệt với phố xá, yên bình đến nao lòng. Khác chăng, so với làng xưa là con đường đất nay đã được bê tông hóa, len lỏi giữa những bờ ruộng vừa gặt còn thơm mùi rơm mới. Những ngôi nhà lặng lẽ nép mình dưới những hàng tre. Đi khắp làng, đâu đâu cũng thấy màu xanh của tre. Ông Lê Chí Thanh, một người dân trong làng, vừa lặng lẽ pha cật, vót nan, vừa kể lại chuyện của làng: “Nghề ni có từ lâu lắm rồi. Tụi tui hồi con nít 5, 7 tuổi đã biết cầm rựa vót nan, rồi lần lần làm rổ, làm mủng mà không cần ai dạy. Đi quanh làng nhà mô cũng đan rổ, đan nia đủ thứ, nhìn rồi bắt chước. Thành thử trong làng, già trẻ lớn bé ai cũng biết làm nghề”. Ông Thanh nay đã 64 tuổi, nhưng có hơn 50 năm tuổi nghề. Cả làng Tam Cẩm, hầu như nhà nào cũng biết làm đủ loại sản phẩm từ tre. Hiện tại, trong làng vẫn có khoảng hơn 50 hộ làm thường xuyên, thương lái đến tận từng nhà đặt hàng, làm ngày nào lấy ngày đó, không hạn chế số lượng. Sản phẩm phổ biến nhất là làm mủng dùng để gánh phân. Một đôi mủng như thế có giá 35 nghìn đồng. Một người thạo nghề, trung bình mỗi ngày có thể làm được khoảng 3 đôi mủng như thế. Ở quê, công việc chủ yếu vẫn là làm nông, nên khoản thu nhập từ nghề đan lát đối với nhiều gia đình như ông Thanh cũng được coi là đáng kể, phần nào vơi bớt nhọc nhằn của nỗi lo cơm áo. “Cái mủng tre ngó ri mà được nhiều người chuộng. Nó vừa rẻ, vừa bền, cứ đến mùa là bán được nên cũng không sợ ế hàng. Ngày đan được bao nhiêu cái là đến chiều có người tới lấy hết, trả tiền ngay, thành ra có khoản tiền tại chỗ để chi tiêu trong nhà, cũng tiện” - ông Thanh chia sẻ.

“Làng nghề đan lát ở Tam Vinh, nay là thị trấn Phú Thịnh, như ở Tam Cẩm, Thạnh Đức là một trong những làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Huyện đã và đang có những chính sách để hỗ trợ làng nghề có thể phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm ổn định cho nông dân, đặc biệt là có thể gìn giữ làng nghề truyền thống của địa phương”.
(Ông Huỳnh Tấn Đức - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh)

Hỏi khắp làng Tam Cẩm, ai cũng bảo nghề đan lát bây giờ là “nghề tay trái” kiếm thêm thu nhập. “Sao không chọn đan đồ mỹ nghệ, hay là đan nong, đan nia mà chỉ đan mủng gánh phân?” - chúng tôi hỏi. Ông Thanh trả lời: “Phụ thuộc vào thương lái. Họ đặt cái gì, làm cái đó. Thời này, chỉ có 3 thứ còn thịnh là mủng gánh phân, bộ rổ tre 6 cái và làm ví (tấm cót tre dùng quây lúa)”. Trước kia, làng Tam Cẩm nổi tiếng với nghề đan lát, thứ gì cũng làm được, nhỏ thì làm “rế” lót nồi cơm, làm rổ, lớn thì đan nong, đan nia nuôi tằm… “Thời hiện đại, đồ nhựa vừa rẻ vừa tiện, lại toàn dùng đồ điện, nấu bếp ga, chẳng ai còn nấu củi để mua rế về lót cho mấy cái nồi đen nhẻm như hồi xưa, nghề nuôi tằm cũng mất biệt. Chỉ có mấy thứ rổ rá gắn với ruộng đồng ni là còn tồn tại” - ông Thanh chùng giọng.

Tín hiệu vui

Nghề chính vẫn là làm nông, nhưng ở Tam Cẩm và vùng lân cận, nhiều nhà vẫn gắn với cây tre, thanh nan như duyên nghiệp. Hồn quê kiểng sống và duy trì nhờ tiếng chẻ tre đều đặn, nhờ bóng dáng mấy ông già ngồi đầu hè vót nan, nhờ những cái rổ tre vừa cạp trắng tinh, phơi đầy sân. Anh Đức, ở làng Tam Cẩm, cho biết: “Nhờ cái nghề truyền thống mà cũng chắt chiu được tiền mua cái ni, sắm cái kia, dành dụm cho con đi học. Không bị bó buộc, làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, cũng giúp giải quyết được nhiều việc”. Nhiều gia đình ở Tam Cẩm cứ thế tiếp nối nghề nghiệp truyền từ bao đời nay.

Người làng nghề đang làm mủng. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Người làng nghề đang làm mủng. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Không chỉ Tam Cẩm, sang khối phố Thạnh Đức nằm ngay cạnh, “nghề tre” cũng là kế sinh nhai của không ít người. Phần lớn phụ nữ ở Thạnh Đức làm nghề đan ví những khi rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bà Nguyễn Thị Thức, 47 tuổi, một mình nuôi 3 đứa con khôn lớn rồi cho đi học cao đẳng, đại học cũng một phần nhờ chắt chiu từng đồng từ những tấm ví. Vất vả, nhưng những người đàn bà ở Thạnh Đức, Tam Cẩm vẫn miệt mài gắn bó với nghề. “Quen tay rồi, giờ không làm cũng buồn. Thường thì ba bốn chị em tập trung tại một nhà, vừa làm, vừa chia sẻ chuyện nhà, chuyện xóm, cũng giúp giải khuây” - bà Thức chia sẻ.

Ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, năm 2011, huyện đã thành lập Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp làng nghề Phú Thịnh để có thể phát triển, định hướng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Cho đến nay, hợp tác xã vẫn đang hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên vấn đề đầu ra vẫn chưa thể phát triển mạnh. Do vậy, chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực để có thể tìm được đầu ra cho làng nghề truyền thống này. “Hiện nay, chủ yếu người dân tìm các đầu mối tiêu thụ một cách nhỏ lẻ và tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mới đây, đoàn công tác của huyện đã liên hệ kết nối với một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh. Dự kiến trong tháng 5 này, doanh nghiệp này sẽ ra thăm, khảo sát tình hình, từ đó có phương án hợp tác, tạo đầu ra cho sản phẩm của làng nghề. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp làng nghề Phú Thịnh nói chung và người dân làng nghề nói riêng” - ông Dự cho biết.

P.Giang - N.Dương

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ hồn quê kiểng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO