Giữ làng để dưỡng phố

HOÀNG THU 21/01/2023 07:57

(Xuân Quý Mão) - Trong hành trình phát triển, câu chuyện giữ làng, bảo tồn những mảng xanh đang dần ít lại là lựa chọn rất khó khăn nhưng hoàn toàn đúng đắn.

Du khách khám phá cánh đồng Võng Nhi (Cẩm Thanh, TP. Hội An). Ảnh: ĐỖ HUẤN
Du khách khám phá cánh đồng Võng Nhi (Cẩm Thanh, TP. Hội An). Ảnh: ĐỖ HUẤN

Lấy đất nông nghiệp để làm đô thị là câu chuyện phổ biến trong quá trình đô thị hóa, thậm chí cuộc đua “biến xã thành phường” không phải là chuyện hiếm ở nhiều địa phương. Nhưng ở Hội An trong hơn 20 năm qua, dưới áp lực của du lịch và đô thị hóa, người dân cùng chính quyền đã giữ đất nông nghiệp ở mức cao nhất để tạo sự phát triển bền vững cho đô thị cổ. 

Tầm nhìn...

Nếu là du khách, hẳn nhiều người đã hơn một lần đi trên con đường dẫn vào Hội An từ phía đông, dừng xe và tò mò bước vào ngôi làng xanh mướt - Trà Quế.

Tưởng không có gì mới để đáng nói, nhưng với những người như ông Nguyễn Lên thì đó là một câu chuyện dài liên quan đến bữa ăn, giấc ngủ, sự học con cái và cả tổ tông, họ hàng… Có nghĩa đó là chuyện đại sự đối với người dân ở ngôi làng lặng lẽ nằm mé ngoài đô thị cổ Hội An này.

Gần 20 năm trước, khi cơn sốt làm khu đô thị, phân lô bán nền, nhà ống... các kiểu lan tràn nhiều địa phương thì 38 hộ dân làng Trà Quế đã đồng thuận chủ trương của chính quyền TP.Hội An. Thứ nhất là tôn tạo cảnh quan xóm làng, thứ hai là sắp xếp lại nơi ăn chốn ở theo hướng di dời, thu hẹp diện tích đất ở. Và điểm quan trọng nhất là không biến làng thành phố.

Chống cuốc giữa đồng, ông Lên nhớ lại: “Lúc đầu chính quyền xã rồi thành phố xuống họp dân, vận động từng nhà chỉnh sửa vườn tược, lòi ra được mét vuông nào thì trồng rau... Nghe chưa tin, nhưng đến khi những tour du lịch “Một ngày làm nông dân” ra đời, những vị khách Tây xắn quần cuốc đất trồng rau, tưới hoa thì người dân Trà Quế mới ngờ ngợ nhận ra có sự đổi thay ngay trên mảnh vườn của mình.

Bước đi trên con đường thơm lựng mùi húng ngò, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An huơ tay chỉ vô làng nói: “Ban đầu dân đâu có tin, nhưng cái được là bà con hiểu vấn đề nhanh. Hồi đó tụi tôi xuống đồng mang theo cả mấy doanh nghiệp du lịch, có Tây, có ta… thế là vừa làm vừa dẫn dụ. Bà con thấy có tiền ngay, tiền tươi nên làm theo”. Rau chưa cắt, chưa bán nhưng tiền thu tại chỗ trên đầu du khách đã khiến người dân háo hức. Từ đây Trà Quế - làng rau gia vị có 500 năm tuổi vang danh trong và ngoài nước.

Nói không với bê tông hóa làng quê là một chủ trương mà chính quyền Hội An nhất quán thực hiện. Theo đó giải pháp đầu tiên là hạn chế việc chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất ở, đất thương mại, tạo lập vùng đệm là những vành đai xanh, “cung cấp oxy” cho khu phố cổ vốn quá chật chội.

Theo cách làm ấy, đến nay không chỉ Trà Quế mà những vùng ngoại ô như Thanh Hà, Cẩm Kim rồi Cẩm Châu, Cẩm Thanh đã hợp sức hình thành “lá phổi” cho Hội An. Và cho đến ngày 11/5/2017, khi Hội An đón vị khách 10 triệu đến mua vé tham quan khu phố cổ chưa đầy hai cây số vuông này, thì những ai quan tâm đến du lịch bền vững có lẽ đã phải gật đầu về tầm nhìn từ hai thập kỷ trước.      

Dưỡng phố 

Chúng tôi về Cẩm Thanh, nhấm nháp ly cà phê trong cái quán khá xinh xắn giữa đồng. Những khu vườn xanh mướt, lẩn khuất dưới tán lá cau là ngôi nhà chìa ban công lấp ló mấy chậu hoa, cảm giác bình yên đến lạ.

Vẫn ruộng lúa ấy, luống rau ấy, nhưng điều khác biệt là du lịch đã và đang là sinh kế của hàng vạn gia đình ngoại vi Hội An. Không còn là mô hình thử nghiệm, làm chơi…, những vườn rau hữu cơ ở Thanh Đông, xứ Đồng Giá gần đây được biết đến nhiều hơn bởi chính người nông dân biết tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Bên luống rau còn ướt nước tưới, ông Lê Nhương cất giọng xởi lởi: “Khu vực này trước là 1ha, sau người dân ở trên kia bắt chước làm theo, giờ cả xã Cẩm Thanh này có tới hai mươi mấy héc ta. Bà con bây giờ ham làm, ruộng đồng xanh tốt quanh năm chứ không bỏ trống như trước”.

Kể từ khi phong trào làm homestay phát triển mạnh, ai cũng chú tâm hơn đến vườn tược, đồng áng. Cuối tuần những dòng khách từ Đà Nẵng, Huế lại tìm về… và mất hút sau những khoảnh vườn. Người Hội An đã ăn nên khá ra từ chính sự chắt chiu, cần mẫn ấy.

Làng rau Trà Quế (Hội An). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng rau Trà Quế (Hội An). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chợt nhớ, có lần trà dư tửu hậu, ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam bật mí, hơn chục năm trước chính quyền Hội An đã tính đến chuyện mua lại đất, hoặc thuê lại đất của dân rồi giao lại cho họ làm đồng.

Ông cho rằng, điều Hội An làm được chính là nhờ người dân không chỉ thức thời mà còn rất thận trọng, đời cha bây giờ không thể ăn vào phần của con cháu mai sau. Giữ làng còn là động thái gián tiếp để dưỡng phố, kéo giãn không gian của đô thị cổ ra khỏi vòng quay ồn ã, náo nhiệt của dòng chảy du lịch. 

Có thỏa thích nào bằng khi du khách sẽ luôn có những trải nghiệm mới lạ, sau giờ thả bộ trên phố thị chật như nêm, chỉ cần một cuốc xe đạp là hoàn toàn lạc vào không gian khác, yên tĩnh và thơ mộng.

Trong con mắt nhà kinh tế học, đó còn là sự phân phối thu nhập trong cộng đồng. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, mức sống giữa vùng ngoại ô và khu phố cổ Hội An bây giờ tương đối đồng đều; đó là chưa kể chất lượng cuộc sống ở vùng thôn dã khó mà định lượng được.

Chia sẻ điều này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, vấn đề bây giờ là tìm kiếm những chính sách khả dĩ nhất để người dân yên tâm và đồng thuận với thành phố giữ lại ruộng đồng, tường rào, cổng ngõ, giữ nhiều chừng nào thì tốt chừng đó.

Bây giờ - có nghĩa là thời gian thoát ra khỏi bệnh dịch chỉ được vài tháng, Hội An đang gượng dậy sau hơn 2 năm ngã quỵ. Trên những sân vườn, khẩu trang cũng dần được gỡ ra, những nụ cười thân thiện, tươi tắn trở lại.

Tôi bật máy ráng thu thêm câu nói của ông Xuân Doãn (du khách đến từ Bắc Ninh) làm tư liệu khi hữu sự, ông cười với vẻ thích thú: “Tôi nghĩ người Hội An có tư duy rất hay, mỗi nhà đều biết giữ từng mảng xanh. Trước khi khách đến thưởng ngoạn thì chính họ đã là người hưởng thụ đầu tiên. Chất lượng cuộc sống là chỗ ấy”.

Người ta có thể biến đồng ruộng thành đô thị chỉ bằng một chủ trương, nhưng không ai biến đô thị thành đồng ruộng cả. Vì thế, sự thận trọng của chính quyền Hội An trong quan điểm “giữ làng để dưỡng phố” đã để lại nhiều bài học cho các địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ làng để dưỡng phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO